Gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên mời thầu: Kỳ 1: Hồ sơ mời thầu có nhiều “khóa” khó mở

19/09/2014

Một gói thầu đấu thầu rộng rãi nhưng hồ sơ mời thầu (HSMT) lại có nhiều tiêu chí chỉ một số ít nhà thầu đáp ứng, thậm chí có thể dẫn tới nghi vấn ngầm chỉ định cho nhà thầu nào đó. Nhà thầu khác dù năng lực có thể đáp ứng nhưng lại không có đúng “chìa” để mở những “cái khóa” đã đặt trong HSMT.

Yêu cầu về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất đã hợp lý?
Gói thầu “Mua sắm đồ dùng, đồ chơi thiết bị dạy học cho 72 trường mầm non của 10 huyện, thành phố năm 2014” do Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên làm chủ đầu tư có giá dự toán là 14.959.130.500 đồng, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Hồ sơ mời thầu phát hành từ 8 giờ ngày 18/7/2014 đến 10 giờ ngày 8/8/2014. 
Trong khi gói thầu đang phát hành HSMT, Công ty TNHH Tuyết Nga (Công ty Tuyết Nga) - nhà thầu đã mua HSMT gói thầu trên, có đơn kiến nghị gửi đến Báo Đấu thầu phản ánh về một số nội dung liên quan đến HSMT của gói thầu này. Theo Công ty Tuyết Nga, sau khi mua HSMT vào ngày 21/7/2014, Công ty đã 2 lần gửi công văn đề nghị bên mời thầu giải thích, làm rõ, sửa đổi một số nội dung không phù hợp của HSMT. Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên đã trả lời, nhưng nhà thầu cho rằng các kiến nghị đã không được chủ đầu tư giải thích, sửa đổi thỏa đáng. 
Công ty Tuyết Nga cho rằng, HSMT đã yêu cầu về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất đối với một số sản phẩm chào thầu chưa hợp lý. Theo hướng dẫn của Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 05/2010/TT-BKH ngày 10/2/2010 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, thì giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất, chỉ áp dụng trong trường hợp hàng hóa là đặc chủng, phức tạp, còn đối với hàng hóa thông thường, bên mời thầu có thể yêu cầu giấy ủy quyền bán hàng của đại lý phân phối. Tuy nhiên, HSMT yêu cầu giấy phép bán hàng bản gốc của nhà sản xuất đối với cả những thiết bị thông dụng trên thị trường là ti vi, tủ lạnh, máy chiếu đa năng. Vì vậy, nhà thầu đã kiến nghị bên mời thầu sửa đổi yêu cầu về giấy phép bán hàng trong HSMT theo hướng: đối với các sản phẩm tivi, tủ lạnh, máy chiếu đa năng, đàn organ, nhà thầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc ủy quyền bán hàng của đại lý phân phối. 
Danh hiệu và giải thưởng cũng thành tiêu chí loại nhà thầu
Ngoài quy định về giấy phép bán hàng, Công ty Tuyết Nga còn phản ánh việc đưa các tiêu chí chỉ mang tính ưu đãi làm tiêu chuẩn đánh giá để chấm đạt/không đạt khi đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu. Nhà thầu dẫn chứng, về năng lực sản xuất kinh doanh, đối với thiết bị máy vi tính, nhà thầu được chấm đạt khi đáp ứng yêu cầu: Máy tính thương hiệu Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn 30% do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp. Công ty Tuyết Nga khẳng định, VCCI không có chức năng xác nhận tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Công ty này đã gửi cho chủ đầu tư văn bản trả lời của VCCI xác nhận việc VCCI không có chức năng này. 
Về yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn 30%, Công ty Tuyết Nga đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên giải thích về căn cứ pháp lý để đưa ra yêu cầu như vậy, vì theo nhà thầu, hiện nay, theo quy định của Thông tư số 01/2014/TT-BTTTT ngày 20/2/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì tiêu chí cụ thể để xác định sản phẩm, dịch vụ trong nước đối với các sản phẩm phần cứng, điện tử là: Chi phí sản xuất trong nước của sản phẩm chiếm tỷ lệ nội địa từ 20% trở lên trong tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm đó.
IMG
Việc HSMT yêu cầu thiết bị máy tính chào thầu phải có tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn 30% hạn chế sự tham gia của nhiều nhà thầu (Ảnh: Tiên Giang)
Công ty Tuyết Nga cho rằng, dù là để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như giải thích của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên thì chủ đầu tư cũng không thể áp đặt một tỷ lệ quá cao và không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, theo quy định tại Điều 14 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thì đây cũng chỉ có thể là tiêu chí để nhà thầu được hưởng ưu đãi trong đấu thầu, chứ không dùng là tiêu chí để đánh giá đạt hay không đạt về năng lực sản xuất kinh doanh của nhà thầu. 
Nhà thầu đã đặt nghi vấn, việc HSMT đưa ra yêu cầu thiết bị máy tính chào thầu phải có tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn 30% là đang hướng đến thiết bị của một đơn vị cung ứng cụ thể và hạn chế, cản trở sự tham gia rộng rãi của các sản phẩm, thiết bị máy tính thương hiệu Việt Nam khác. 
Bên cạnh đó, một yêu cầu rất cụ thể là: “Máy tính thương hiệu Việt Nam đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do Bộ Công Thương trao tặng” cũng được đưa vào các tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu. Công ty Tuyết Nga cho rằng, dù quy định này giúp lựa chọn nhà thầu cung ứng các sản phẩm có uy tín, chất lượng thông qua các thành tích, giải thưởng đã được trao tặng, nhưng lại làm hạn chế sự tham gia rộng rãi của các nhà thầu, vì danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do Bộ Công Thương trao tặng chỉ có thể là điểm cộng ưu tiên khi đánh giá HSDT trong điều kiện các tiêu chí khác của sản phẩm đã đáp ứng như nhau, chứ không thể trở thành tiêu chí để đánh giá đạt hay không đạt về năng lực sản xuất, kinh doanh của nhà thầu. Mặt khác, trên thực tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngoài giải thưởng do Bộ Công Thương trao tặng còn có rất nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín khác, như Giải thưởng Doanh nghiệp máy tính thương hiệu Việt Nam xuất sắc nhất do Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng; Giải thưởng Máy tính thương hiệu Việt xuất sắc nhất; Giải thưởng 1000 sản phẩm tiêu biểu;… 
Công ty Tuyết Nga cũng phản ánh thêm, yêu cầu của HSMT: “Máy tính thương hiệu Việt Nam có trung tâm bảo hành tại 63/63 tỉnh thành” là không cần thiết và hạn chế sự tham gia rộng rãi của nhà thầu vì đây là gói thầu trong đó có cung cấp máy tính cho các trường mầm non 100% trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Trong khi đó, HSMT tồn tại sự không thống nhất khi đối với các sản phẩm thiết bị chào thầu chính khác trong gói thầu như bàn ghế, ti vi, tủ lạnh, đồ chơi ngoài trời, HSMT chỉ quy định phải có trung tâm bảo hành tại Hưng Yên.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, việc yêu cầu nhà thầu nộp giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất là nhằm mục đích ràng buộc nhà thầu phải chứng minh sự sẵn có và sự hợp lệ của hàng hóa (có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp) để cung cấp cho gói thầu khi họ trúng thầu và trách nhiệm khi bán hàng (các dịch vụ lắp đặt, hướng dẫn, đào tạo chuyển giao, bảo hành, bảo trì). Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với hàng hóa phức tạp, đặc thù.

Theo thông lệ thương mại quốc tế, nhiều hãng sản xuất lớn có các phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp (hoặc theo phân cấp), nghĩa là họ không trực tiếp bán hàng cho những người tiêu dùng nhỏ lẻ, mà thông thường qua các đại lý được ủy quyền của nhà sản xuất. Đối với những hàng hóa đơn giản, bên mời thầu không cần thiết nêu yêu cầu về giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất. Trong trường hợp cần thiết, đối với những hàng hóa thông thường, bên mời thầu có thể yêu cầu giấy ủy quyền bán hàng của đại lý phân phối, để không làm hạn chế sự tham gia rộng rãi của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.




















Nguồn Báo Đấu thầu: Nguyệt Minh - Bích Khánh