Gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên mời thầu: Kỳ 2: Nhà thầu trúng thầu là doanh nghiệp địa phương

19/09/2014

Bài viết đề cập gói thầu mua máy vi tính, máy chiếu đa năng, đàn organ... (Ảnh: Tất Tiên)

Một kết quả rất tình cờ là cả 2 thành viên trong liên danh trúng thầu của 2 gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hưng Yên tổ chức đều là doanh nghiệp của tỉnh Hưng Yên, có trụ sở chỉ cách trụ sở của đơn vị chủ đầu tư vài km. 

 Để lựa chọn được nhà thầu “như mình muốn”

Báo Đấu thầu đã phản ánh về kiến nghị của Công ty TNHH Tuyết Nga (Công ty Tuyết Nga) về gói thầu “Mua sắm đồ dùng, đồ chơi thiết bị dạy học cho 72 trường mầm non của 10 huyện, thành phố năm 2014” (GT 72 trường) trên số báo trước. Cùng thời điểm tổ chức đấu thầu GT 72 trường, Sở GD&ĐT Hưng Yên cũng tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu “Mua sắm trang thiết bị, đồ chơi cho 125 trường mầm non bán công đã chuyển đổi sang trường mầm non công lập” (GT 125 trường) có giá gói thầu là 37.293.331.500 đồng.

Để có thông tin nhiều chiều về phản ánh của Công ty Tuyết Nga, nhà thầu đã mua HSMT của cả 2 gói thầu trên, nhóm phóng viên Báo Đấu thầu đã làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Phê, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên và ông Đỗ Văn Khải, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính. Hai ông đều cho biết, cả 2 gói thầu trên thì chủ đầu tư đều phải thuê tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT), thậm chí cả văn bản giải thích, làm rõ trả lời yêu cầu giải thích, làm rõ, sửa đổi HSMT của Công ty Tuyết Nga, chủ đầu tư cũng phải nhờ tư vấn hỗ trợ. 

IMG

Theo thông lệ thương mại quốc tế, nhiều hãng sản xuất lớn có các phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp hoặc theo phân cấp

Về những kiến nghị của Công ty Tuyết Nga, ông Đỗ Văn Khải cho biết, câu trả lời cũng giống như tại văn bản giải thích, làm rõ mà Sở GD&ĐT Hưng Yên đã gửi nhà thầu, đó là “HSMT không yêu cầu giấy phép bán hàng của nhà sản xuất đối với đàn organ, còn các nhà thầu khi tham gia nếu có giấy phép bán hàng vẫn được chấp nhận là đạt yêu cầu”. 

Chủ đầu tư cũng giữ quan điểm HSMT yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn 30% do VCCI cấp là phù hợp. HSMT yêu cầu “Máy tính thương hiệu Việt Nam chất lượng cao” là hướng đến các sản phẩm chủ đầu tư lựa chọn có chất lượng đảm bảo yêu cầu và mục đích sử dụng cho các cháu. Bên cạnh đó, yêu cầu máy tính thương hiệu Việt Nam có trung tâm bảo hành tại tỉnh Hưng Yên có hệ thống bảo hành trực tuyến và hoạt động của các trung tâm bảo hành ủy quyền theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 nhằm lựa chọn các sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín, chất lượng, dịch vụ đáp ứng, xử lý mọi tình huống, sự cố để đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn việc giảng dạy, học tập tốt nhất cho các cháu. Việc yêu cầu giấy phép bán hàng đối với thiết bị máy chiếu đa năng cũng là để lựa chọn được các sản phẩm có chất lượng và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh đối với các nhà thầu. 

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Nếu HSMT sửa đổi theo hướng mà Công ty Tuyết Nga đã kiến nghị thì có thể lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu hay không, ông Đỗ Văn Khải cho biết: Thực ra nếu sửa đổi HSMT theo những kiến nghị của nhà thầu thì một số thiết bị vẫn đáp ứng, nhưng nó lại… “không được như mình muốn”. Chúng tôi đã đề nghị làm rõ “như mình muốn” là như thế nào, thì không nhận được một câu trả lời thực sự rõ ràng của vị đại diện này. 

Những sự tình cờ ở 2 gói thầu

Theo quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (văn bản của Sở GD&ĐT Hưng Yên vẫn đề là Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu) của 2 gói thầu do ông Đỗ Văn Khải cung cấp cho phóng viên, thì nhà thầu trúng thầu GT 125 trường là Liên danh Công ty TNHH Thương mại Phố Hiến - Công ty TNHH Phúc Vượng - Công ty CP Đầu tư Hoàng Đạo với giá trúng thầu là 37.238.006.000 đồng. Nhà thầu trúng thầu GT 72 trường là Liên danh Công ty TNHH Thương mại Tân An - Công ty TNHH Phúc Vượng - Công ty CP Đầu tư Hoàng Đạo với giá trúng thầu là 14.925.215.800 đồng. 

Cũng theo hai Quyết định này, Công ty TNHH Thương mại Tân An, thành viên đứng đầu liên danh trúng thầu GT 72 trường, có địa chỉ tại 739 đường Nguyễn Văn Linh, phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên. Công ty TNHH Thương mại Phố Hiến, thành viên đứng đầu liên danh trúng thầu GT 125 trường, có địa chỉ tại 87 Chùa Chuông, phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên.

Sở GD&ĐT Hưng Yên có địa chỉ tại 307 đường Nguyễn Văn Linh, TP. Hưng Yên. Đơn vị tư vấn lập HSMT 2 gói thầu nêu trên là Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CTV. Tra cứu trên mạng, chúng tôi thấy địa chỉ công ty này tại phố Tuệ Tĩnh, phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên.

Khảo sát thực địa của nhóm phóng viên cho thấy, trụ sở 2 công ty đứng đầu 2 liên danh và trụ sở chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chỉ cách nhau vài km. Đường Chùa Chuông cắt với đường Nguyễn Văn Linh, còn phố Tuệ Tĩnh chỉ cách đường Nguyễn Văn Linh vài con phố. 

Sự tình cờ thứ hai là mỗi liên danh trúng thầu ở GT 72 trường và 125 trường đều gồm 3 thành viên, ngoài Công ty TNHH Thương mại Tân An và Công ty TNHH Thương mại Phố Hiến, hai thành viên còn lại trong mỗi liên danh đều là Công ty TNHH Phúc Vượng và Công ty CP Đầu tư Hoàng Đạo. Công ty TNHH Thương mại Tân An và Công ty TNHH Thương mại Phố Hiến có tên trong danh sách nhà thầu đã mua HSMT, hai thành viên còn lại trong 2 liên danh đều không có tên trong danh sách mua HSMT. Theo ông Đỗ Văn Khải, Công ty TNHH Phúc Vượng và Công ty CP Đầu tư Hoàng Đạo đều có trụ sở tại Hà Nội. Tình cờ là cả 2 công ty tại Hưng Yên là Công ty TNHH Thương mại Tân An và Công ty TNHH Thương mại Phố Hiến đều cùng liên danh với 2 thành viên giống nhau để dự 2 gói thầu khác nhau của Sở GD&ĐT Hưng Yên!.

Tiết kiệm rất ít qua đấu thầu

Những sự tình cờ trên là hữu ý hay vô tình? Những quy định tại HSMT của GT 72 trường là để lựa chọn được nhà thầu chất lượng như đại diện chủ đầu tư giải thích, hay để ngầm chỉ định cho một nhà thầu nào đó? Những câu hỏi này người ngoài cuộc chưa thể rõ. Nhưng có một sự thật mà ai cũng thấy, đó là giá trúng thầu của cả 2 gói thầu này đều giảm rất ít so với giá gói thầu. GT 72 trường có giá gói thầu là 14.959.130.500 đồng, qua đấu thầu chỉ tiết kiệm được khoảng 34 triệu đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 0,23% so với giá gói thầu. GT 125 trường qua đấu thầu chỉ tiết kiệm được 55,325 triệu đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 0,15% so với giá gói thầu. 

Trong khi đó, theo Công ty Tuyết Nga, giá dự thầu của Liên danh Công ty TNHH Tuyết Nga - Công ty Cổ phần Vật tư Thiết bị Phương Nam cho gói thầu 72 trường và gói thầu 125 trường lần lượt là: 12.086.789.000 đồng và 29.373.363.000 đồng; tương đương thấp hơn giá trúng thầu của 2 gói thầu là 2.838.326.000 đồng và 7.765.643.000 đồng. Tính chung cả 2 gói thầu, Liên danh Công ty Tuyết Nga - Công ty Phương Nam chào thấp hơn khoảng 10,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tính chung cả 2 gói thầu theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã công bố thì chỉ tiết kiệm chưa đầy 90 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, Công ty Tuyết Nga cho rằng, Liên danh Công ty Tuyết Nga - Công ty Phương Nam là các đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung ứng thiết bị cho giáo dục mầm non. Tuy nhiên, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu của Sở GD&ĐT Hưng Yên không thông báo lý do không trúng thầu của nhà thầu, không thực hiện đúng quy định tại Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. 

Nguồn Báo Đấu thầu: Nguyệt Minh - Bích Khánh