Kết quả kiểm tra công tác đấu thầu tại tỉnh Lào Cai

18/07/2011

New Page 1

Thực hiện kế hoạch kiểm tra năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 406/QĐ-BKHĐT ngày 28/3/2011 thành lập Đoàn kiểm tra các dự án chỉ định thầu và công tác đấu thầu tại tỉnh Lào Cai. Đoàn kiểm tra đó tiến hành kiểm tra việc thực hiện chỉ định thầu đối với các dự án/gói thầu được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu; kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; tình hình sử dụng lao động nước ngoài tại các dự án của Tỉnh và công tác đấu thầu tại 05 đơn vị trên địa bàn tỉnh từ ngày 04/4/2011 đến ngày 08/4/2011.

Qua việc kiểm tra thực hiện chỉ định thầu, công tác đấu thầu, việc sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước cũng như tình hình sử dụng lao động nước ngoài của một số dự án tại các đơn vị được kiểm tra thuộc tỉnh Lào Cai cho thấy việc thực hiện quản lý nhà nước về đấu thầu ở Tỉnh và việc thực hiện lựa chọn nhà thầu của các đơn vị được kiểm tra về cơ bản đã đáp ứng theo các quy định hiện hành về đấu thầu, cụ thể: nội dung phân cấp trong đấu thầu đã được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để ở địa phương theo quy định của Luật sửa đổi; thẩm quyền trong đấu thầu đã được thực hiện theo đúng chức năng của cấp quyết định đầu tư, của chủ đầu tư và các bộ phận giúp việc liên quan trực thuộc. Kế hoạch đấu thầu của các dự án đã được phê duyệt sau khi có quyết định đầu tư khi đã có đủ điều kiện. HSMT, HSYC được thẩm định và phê duyệt trước khi phát hành. Các mốc thời gian trong đấu thầu nói chung đã đảm bảo theo quy định. Các thành viên trong tổ tư vấn/chuyên gia đánh giá HSDT, HSĐX hầu hết đã có chứng chỉ tham gia khóa học đấu thầu theo đúng quy định.

Do tất cả các gói thầu thuộc các dự án do Tỉnh quản lý đều áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu trong nước nên việc sử dụng lao động nước ngoài đối với các dự án do Tỉnh quản lý là không có.

Bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, công tác đấu thầu của các đơn vị được kiểm tra lần này còn một số tồn tại, sai sót cần được khắc phục như sau:

          Việc bố trí vốn cho các dự án/gói thầu được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu còn hạn chế. Tính đến 31/12/2010, UBND tỉnh Lào Cai đã thực hiện bố trí vốn cho 02 dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu là 97 tỷ đồng, đạt khoảng 38% so với giá trị chỉ định thầu. Như vậy, việc phân bổ vốn cho các dự án nêu trên quá ít (đạt 38% so với nhu cầu).

          Hình thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng chưa theo tinh thần tiết kiệm và hiệu quả kinh tế, cụ thể là chỉ định thầu mang lại giá trị tiết kiệm (47,97 triệu đồng) và tỷ lệ tiết kiệm (0,017%) thấp hơn nhiều so với đấu thầu rộng rãi (tiết kiệm thông qua đấu thầu rộng rãi là 1.687,11 triệu đồng, tỷ lệ đạt 0,495%) nhưng lại được chọn áp dụng nhiều hơn đấu thầu rộng rãi.

Việc xây dựng và phê duyệt KHĐT của một số dự án còn chưa phù hợp với quy định như trong tờ trình KHĐT, đưa các nội dung công việc như lập HSMT, giám sát thi công vào phần công việc không áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu. Trong KHĐT, không có gói thầu tư vấn giám sát đối với phần thi công của các gói thầu khác; không đưa hạng mục tư vấn giám sát thi công, tư vấn lựa chọn nhà thầu vào mục các nội dung cần phê duyệt KHĐT; phần kế hoạch đấu thầu được tách thành 2 biểu là phần KHĐT đó thực hiện và phần KHĐT chuẩn bị thực hiện. Trong quyết định phê duyệt KHĐT, nội dung giá gói thầu ghi là theo dự toán được duyệt về sau, không phù hợp với quy định là phải ghi một con số cụ thể để làm cơ sở cho việc xác định các nội dung khác của gói thầu như thời gian thực hiện hợp đồng, loại hợp đồng…

Chất lượng lập hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) chưa cao, cụ thể

HSMT của một số gói thầu còn có một số nội dung chưa phù hợp, chẳng hạn: quy định một số nội dung đối với đấu thầu quốc tế trong HSMT của gói thầu đấu thầu trong nước; nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá; không đưa quy định về ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam theo chỉ thị 494/CT-TTg; yêu cầu mức doanh thu trong HSMT của gúi thầu là quá thấp; một số gói thầu HSMT không được lập theo mẫu quy định; quy định thiếu nhất quán giữa các nội dung.

Đối với hình thức chỉ định thầu, HSYC không được tổ chức thẩm định nên dẫn đến 1 số sơ suất chẳng hạn như: quy định nhà thầu phải nộp bảo đảm dự thầu, trong điều kiện tiên quyết nếu nhà thầu không có bảo đảm dự thầu thì HSĐX sẽ bị loại; quy định mặt bằng để so sánh hồ sơ đề xuất, việc xác định giá đánh giá, việc sử dụng phương pháp chấm điểm hay quy định bên mời thầu có thể gia hạn thời hạn nộp HSĐX trong trường hợp cần tăng thêm số lượng HSĐX; trong trường hợp nếu nhà thầu từ chối vào thương thảo hợp đồng thì sẽ mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào đàm phán....;

Việc đánh giá HSĐX, HSDT còn hạn chế, cụ thể đánh giá của tổ chuyên gia còn có một số nội dung chưa chính xác, không phù hợp với các yêu cầu của HSYC, HSMT; trong bước đánh giá về mặt tài chính TCG vẫn lặp lại việc đánh giá về mặt kỹ thuật đối với các nhà thầu trong khi Chủ đầu tư đó cú Quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng về mặt kỹ thuật; báo cáo đánh giá HSDT của tổ chuyên gia không có đầy đủ phiếu đánh giá của các nhà thầu về tính hợp lệ của HSDT cũng như đáp ứng điều kiện tiên quyết và kết quả đánh giá về năng lực kinh nghiệm của các nhà thầu tham gia dự thầu; có sự nhầm lẫn của TCG về danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật với nhà thầu nộp HSĐX trong báo cáo đánh giá.

Thời gian trong đấu thầu không phù hợp theo quy định, thiếu tính chặt chẽ và logic, cụ thể quy định phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu quy mô nhỏ sau 6 ngày kể từ khi thông báo mời thầu; quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu có trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu; HSYC được phát hành sau khi đóng thầu.

Một số vấn đề khác như lấy giá trị xây dựng trong tổng mức đầu tư được duyệt mà không lấy giá trị xây dựng theo dự toán được duyệt để xem xét giá đề nghị trúng thầu; bảo đảm thực hiện hợp đồng được lập không tuân theo mẫu được quy định trong HSMT, có giá trị hoặc thời gian hiệu lực không phù hợp; khụng thống nhất về thời gian thực hiện hợp đồng của gói thầu; không có tờ trình kết quả chỉ định thầu; không có văn bản thẩm định kết quả chỉ định thầu; không thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên Báo Đấu thầu; việc tổ chức lựa chọn nhà thầu của một số gói thầu bị chậm tiến độ so với KHĐT; các thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu không có đầy đủ chứng chỉ về đấu thầu; sử dụng ngôn ngữ không thống nhất, nhầm lẫn giữa các thuật ngữ HSMT (Hồ sơ mời thầu), HSDT (Hồ sơ dự thầu), HSYC (Hồ sơ yêu cầu), HSĐT (Hồ sơ đấu thầu), HSĐXDT (Hồ sơ đề xuất dự thầu).

Như vậy, nhìn một cách tổng quan, việc thực hiện công tác đấu thầu tại các đơn vị được kiểm tra ở tỉnh Lào Cai về cơ bản là tốt và tuân thủ theo các quy định về đấu thầu, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, sai sót cần khắc phục. Qua việc phối hợp kiểm tra, trao đổi và làm việc với Đoàn, các đơn vị đã nhận thức được những vấn đề cần khắc phục khi triển khai hoạt động đấu thầu của mình trong thời gian tới./.

 Kim Ánh Hoa

Theo dòng sự kiện

Kiểm tra công tác đấu thầu