Để việc thương thảo hợp đồng trong đấu thầu thực sự có ý nghĩa

16/10/2014

Việc thương thảo hợp đồng nếu không được tiến hành nghiêm túc có thể dẫn đến các phát sinh, tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng Ảnh: Lê Tiên

Trong quy trình lựa chọn nhà thầu, Luật Đấu thầu 2013 quy định việc thương thảo hợp đồng phải thực hiện trước khi trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Thay đổi này được đánh giá là sẽ giúp cho bước thương thảo hợp đồng thực sự có ý nghĩa. 

Theo Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, bước thương thảo, hoàn thiện hợp đồng được thực hiện sau khi phê duyệt, thông báo kết quả đấu thầu. Trường hợp việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng không thành thì chủ đầu tư xem xét, lựa chọn nhà thầu xếp hạng tiếp theo; trường hợp các nhà thầu xếp hạng tiếp theo cũng không đáp ứng yêu cầu thì xem xét xử lý tình huống theo quy định. 

Thương thảo hợp đồng là một khâu trong trình tự đấu thầu, bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, từ thực tiễn đấu thầu tại nhiều đơn vị cho thấy, do việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng được thực hiện sau khi phê duyệt và thông báo kết quả đấu thầu nên trong nhiều trường hợp, thủ tục này chỉ được tiến hành một cách hình thức để hoàn thiện thủ tục trong đấu thầu. Nhiều chủ đầu tư không tổ chức nghiêm túc việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng. Thậm chí, có những đơn vị không tiến hành thương thảo, mà chỉ xin mẫu biên bản thương thảo, hoàn thiện hợp đồng để điền cho đủ thủ tục. 

Về phía nhà thầu, nhiều trường hợp có tâm lý “cầm chắc” đã trúng thầu rồi, nên không coi trọng, không hợp tác khi thương thảo hợp đồng. Thực tiễn rất nhiều gói thầu đã thực hiện trong các năm qua cho thấy, giá trúng thầu cũng là giá của hợp đồng khi ký kết nên việc thương thảo hợp đồng gần như không có giá trị. Ngoài ra, việc thương thảo hợp đồng không được tiến hành nghiêm túc cũng rất dễ gây ra tình trạng những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, chưa thống nhất giữa hồ sơ mời thầu (HSMT) và hồ sơ dự thầu (HSDT), giữa các nội dung khác nhau trong HSDT… không được phát hiện, thương thảo, thống nhất trước khi ký kết hợp đồng, có thể dẫn đến các phát sinh, tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng...

IMG

Với những quy định mới về thương thảo hợp đồng, Luật Đấu thầu 2013 có thể giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trước khi quyết định lựa chọn nhà thầu trúng thầu Ảnh: LTT

Trên cơ sở khảo sát kỹ và nghiên cứu sâu thực tiễn hoạt động đấu thầu thời gian qua, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu 2013) và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã có những quy định nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, với tinh thần phải thương thảo hợp đồng xong mới trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, tại Điều 38 Luật Đấu thầu 2013 quy định: quy trình lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế được thực hiện như sau: chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá HSDT và thương thảo hợp đồng; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng. Với các hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, việc thương thảo hợp đồng cũng đều phải tiến hành trước khi trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.

Quá trình thương thảo hợp đồng phải tuân thủ quy định tại Điều 19, Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Theo đó, nhà thầu xếp hạng thứ nhất được mời đến thương thảo hợp đồng. Trường hợp nhà thầu được mời đến thương thảo hợp đồng nhưng không đến thương thảo hoặc từ chối thương thảo hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận lại bảo đảm dự thầu. 

Việc thương thảo hợp đồng phải được thực hiện trên nguyên tắc: không tiến hành thương thảo đối với các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của HSMT; việc thương thảo hợp đồng không được làm thay đổi đơn giá dự thầu của nhà thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có). Trong quá trình đánh giá HSDT và thương thảo hợp đồng, nếu phát hiện khối lượng mời thầu nêu trong bảng tiên lượng mời thầu thiếu so với hồ sơ thiết kế thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu phải bổ sung khối lượng công việc thiếu đó trên cơ sở đơn giá đã chào; trường hợp trong HSDT chưa có đơn giá thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định việc áp đơn giá nêu trong dự toán đã phê duyệt đối với khối lượng công việc thiếu so với hồ sơ thiết kế hoặc đơn giá của nhà thầu khác đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật nếu đơn giá này thấp hơn đơn giá đã phê duyệt trong dự toán gói thầu;… 

Trường hợp thương thảo hợp đồng không thành công, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu. 

Dù Luật Đấu thầu 2013 mới có hiệu lực được hơn 3 tháng, quy định mới về thương thảo hợp đồng được áp dụng trong thực tiễn chưa lâu, nhưng nhiều ý kiến đánh giá, sự thay đổi tưởng chừng nhỏ này sẽ làm thay đổi về chất đối với bước thương thảo hợp đồng, từ đó có thể giải quyết các vấn đề chưa rõ ràng hay còn vướng mắc trước khi quyết định lựa chọn nhà thầu trúng thầu để thực hiện công trình, dự án, giảm những tranh chấp, phát sinh không đáng có trong quá trình thực hiện hợp đồng. 

Nguồn: Báo Đấu thầu - Nguyệt Minh