Hội thảo giới thiệu chương MSCP - Hiệp định TPP

25/07/2011

           Bản chào mở cửa thị trường MSCP phải rất chặt chẽ
           Các phiên đàm phán ngày càng đi vào chiều sâu và đòi hỏi Việt Nam phải đưa ra bản chào mở cửa thị trường mua sắm chính phủ. Dự kiến trong tháng 9 tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia Phiên đàm phán thứ 8 Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Chicago (Mỹ).
          Ngày 22/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức Hội thảo “Giới thiệu chương Mua sắm chính phủ - Hiệp định TPP”. Hội thảo lần này nhằm giải thích chi tiết nội dung về mua sắm chính phủ (MSCP) của Hiệp định TPP và lấy ý kiến các Bộ, ngành về các nội dung liên quan đến bản chào và việc xây dựng bản chào.
          Theo Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Tăng, Việt Nam hiện đang tham gia đàm phán Hiệp định TPP, trong đó có nội dung MSCP. Dự kiến, khi Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định này, những nội dung của chương MSCP sẽ được đưa vào quy định pháp luật trong nước. Đây là chương có nội dung phức tạp và có nhiều điểm “bất lợi” đối với Việt Nam hơn các chương khác của Hiệp định TPP. Hiệp định TPP quy định, các nước thành viên khi tham gia Hiệp định buộc phải mở cửa thị trường MSCP. Hơn nữa, Mỹ (thành viên TPP) đang gấp rút thúc đẩy đàm phán để hoàn thành công việc này vào cuối năm 2012. Do đó, Việt Nam cần phải đàm phán rất kỹ những điều khoản của Hiệp định TPP để tránh những điểm bất lợi.
          Đề cập đến những khó khăn khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, ông Lê Văn Tăng nhận định: Các nhà thầu của các nước thành viên TPP có cơ hội tham gia ngang bằng với nhà thầu trong nước, nên việc cạnh tranh sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhà thầu Việt Nam thắng thầu trên “sân nhà” hiện còn hạn chế. Vì thế, khi Hiệp định được ký kết, thì đây là điểm bất lợi cho các nhà thầu trong nước và không có cách nào khác là họ buộc phải lớn mạnh. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống pháp lý về đấu thầu của Việt Nam phải đồng bộ theo hướng hài hòa.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Tăng cho rằng: Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để đàm phán Hiệp định MSCP (GPA) của WTO và hoạt động đấu thầu sẽ trở nên minh bạch, công khai hơn.
          Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương đã giới thiệu về Hiệp định TPP và một số nội dung chính của chương MSCP. Theo ông Nguyễn Đăng Trương, TPP có nguồn gốc từ Hiệp định P4. Ban đầu có 4 nước thành viên là Singapore, Chile, New Zealand và Brunei. Đến nay, TPP đã có 9 nước tham gia. Nhóm đàm phán chương MSCP của Việt Nam bắt đầu tham gia từ Vòng đàm phán thứ 3 tại Brunei vào tháng 10/2010. Nội dung MSCP trong TPP gồm: phạm vi điều chỉnh và áp dụng (phụ lục là bản chào mở cửa thị trường); các nguyên tắc chung trong TPP (nghĩa vụ đối xử quốc gia mà không phân biệt đối xử, cấm bù trừ); hình thức lựa chọn nhà thầu trong TPP; sử dụng các phương tiện điện tử trong đấu thầu; các biện pháp chuyển tiếp dành cho các nước đang phát triển.
          Đối với phạm vi điều chỉnh và áp dụng, Hiệp định TPP có quy định về ngưỡng của gói thầu hàng hóa, dịch vụ và xây lắp. Nếu những gói thầu dưới ngưỡng quy định thì không thuộc phạm vi áp dụng của TPP, do vậy, buộc phải đưa nguyên tắc xác định giá gói thầu. Điều này gây khó khăn bất lợi cho các nhà thầu trong nước.     
 

Bài: Trung Hiếu - Hồng Nam
Ảnh: Danh Lam