Đấu thầu cạnh tranh để giảm thiểu tham nhũng

27/10/2014

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm Ảnh: Lê Tiên

“Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công”. 

Đó là một trong những đánh giá tại Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 được ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII diễn ra ngày 20/10, tại Hà Nội.

Tham nhũng là thách thức

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Đây là kỳ họp đầu tiên được tổ chức tại Nhà Quốc hội - Hội trường Ba Đình mới. Kỳ họp diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng đang trên đà phục hồi, thu ngân sách đạt khá. Song, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước; việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế còn nhiều lúng túng và thực hiện khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu…”.

Liên quan đến nội dung này, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết: “Tái cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Tốc độ đổi mới công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Tái cơ cấu đầu tư công một số nơi triển khai chưa đáp ứng yêu cầu, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn lớn; việc thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế”. 

Thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và hạn chế tham nhũng, tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn, nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp. 

Báo cáo của Chính phủ về công tác này ghi nhận, năm 2014, các cơ quan hành chính nhà nước đã triển khai 7.596 cuộc thanh tra hành chính và 193.508 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 31.885 tỷ đồng, 4.717 ha đất; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 27.109 tỷ đồng và 3.661 ha đất… Trong kỳ báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 163 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 13.626,4 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chính phủ phải tập trung thực hiện tốt các yêu cầu về công khai, minh bạch thông tin, trong đó, thực hiện đấu thầu cạnh tranh để giảm thiểu tham nhũng ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế

Trước những thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Toàn Đảng, toàn dân phải quyết tâm cao hơn nữa, có các chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và 5 năm 2011 - 2015, tạo đà phát triển nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo”. 

Chiều ngày 20/10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường và nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015...… Theo Chương trình làm việc của Quốc hội, trong ngày hôm nay (21/10), Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014 và dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Đặc biệt, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định,  từ trước đến nay đây là số lượng dự án luật lớn nhất được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp; trong đó có nhiều dự án quan trọng, liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế... theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp mới nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn, các hình thức đầu tư. Có cơ chế phù hợp để tăng tính thương mại của các dự án, khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đối với đầu tư công, đổi mới quản lý đầu tư theo kế hoạch trung hạn theo hướng tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp thiết, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là đối với các hình thức đối tác công - tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước.

Mặt khác, Chính phủ tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguồn: Báo Đấu thầu - Trung Hiếu