Kết quả kiểm tra công tác đấu thầu tại tỉnh Bạc Liêu

14/09/2011

New Page 1

Thực hiện kế hoạch kiểm tra năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thành lập Đoàn kiểm tra các dự án chỉ định thầu và công tác đấu thầu tại tỉnh Bạc Liêu. Việc kiểm tra được tiến hành đối với 10 gói thầu thuộc 7 dự án do 6  cơ quan làm Chủ đầu tư.

Qua kiểm tra cho thấy việc quản lý nhà nước về đấu thầu và phân cấp trong đấu thầu tại tỉnh Bạc Liêu cơ bản đã đáp ứng theo các quy định hiện hành về đấu thầu. Các dự án được áp dụng hình thức chỉ định thầu đã đảm bảo được cơ sở pháp lý, cụ thể như đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu, đã có kế hoạch đấu thầu (KHĐT) được người có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Khi thực hiện chỉ định thầu có hồ sơ yêu cầu (HSYC), hồ sơ đề xuất (HSĐX), có báo cáo đánh giá HSĐX của Tổ chuyên gia, có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu.

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu nhìn chung cũng đã tuân thủ các quy định trong đấu thầu, có đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện như: KHĐT của các dự án đã được phê duyệt sau khi có quyết định đầu tư và khi đã có đủ điều kiện; nội dung thẩm định, phê duyệt KHĐT nhìn chung là phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Quá trình lựa chọn nhà thầu về cơ bản tuân thủ theo quy định như có KHĐT, hồ sơ mời thầu (HSMT), HSYC được thẩm định và phê duyệt; thông báo mời thầu theo quy định; có báo cáo đánh giá của Tổ chuyên gia... Việc thực hiện chỉ định thầu cũng đã tuân thủ theo trình tự quy định, giá chỉ định thầu trong phạm vi giá gói thầu (dự toán được duyệt).

Theo kết quả tổng hợp báo cáo về tình hình công tác đấu thầu trong năm 2010 của các đơn vị được kiểm tra, các đơn vị đã tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với tổng số 320 gói thầu với tổng giá các gói thầu là 1.427.717,170 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 1.313.079,626 triệu đồng, tiết kiệm (chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu) là 144.637,544 triệu đồng, tương đương 8,03% tổng giá gói thầu. Trong số 320 gói thầu có 118 gói thầu xây lắp, 185 gói thầu tư vấn và 17 gói thầu mua sắm hàng hóa.

Hình thức chỉ định thầu được áp dụng nhiều trong số các gói thầu được thực hiện trong năm 2010, cụ thể là có 276 gói thầu được thực hiện thông qua chỉ định thầu với tổng giá các gói thầu được chỉ định thầu là 663.607,253 triệu đồng, giá trúng chỉ định thầu là 635.289,559 triệu đồng và tỷ lệ tiết kiệm đạt 4,26% tổng giá gói thầu. Tuy nhiên, gói thầu được chỉ định hầu hết là những gói thầu có giá trị nhỏ thuộc lĩnh vực tư vấn.

Đoàn kiểm tra đã nêu lên một số tồn tại, sai sót cần được khắc phục như sau:

Về  KHĐT, tại hầu hết các dự án nội dung phê duyệt KHĐT không theo đúng quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu. Các nội dung như lập HSMT và đánh giá HSDT, thẩm định HSMT và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thi công xây dựng và các gói thầu tư vấn; giám sát thi công xây dựng... là các nội dung công việc phải lập thành gói thầu đưa vào KHĐT và áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu thì lại được đưa vào phần công việc không áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu. Khi phê duyệt KHĐT, có dự án còn nhầm lẫn về quy trình lựa chọn nhà thầu. Đối với gói thầu bảo hiểm, quy trình lựa chọn nhà thầu lẽ ra phải được áp dụng như quy trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa thì lại được phê duyệt là quy trình lựa chọn đối với gói thầu tư vấn.

Thông thường, trong KHĐT, thời gian lựa chọn nhà thầu thể hiện khi nào thì việc lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện, tức là vào tháng, quý nào của năm nào nhưng tại một số dự án được kiểm tra, thời gian lựa chọn nhà thầu lại là số ngày để hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu.

Hình thức văn bản thẩm định KHĐT dưới dạng tờ trình là không phù hợp về chức năng và nhiệm vụ của cơ quan thẩm định theo quy định tại Điều 12 Nghị định 58/2008/NĐ-CP trước đây và Điều 12 Nghị định 85/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2009.

Khi KH ĐT đã được phê duyệt, rất nhiều các chủ đầu tư không thực hiện đăng tải trên Báo Đấu thầu như quy định  Điều 5 Luật Đấu thầu.

Về HSYC/HSMT và đánh giá HSĐX/HSDT, nội dung của một số HSYC/HSMT thiếu chặt chẽ hoặc thiếu logic như  không yêu cầu về máy móc thiết bị để thi công gói thầu, không nêu yêu cầu về doanh thu đối với các nhà thầu, yêu cầu bố trí 2 vị trí kỹ sư trưởng, chỉ yêu cầu báo cáo năng lực tài chính của năm 2006 và 2007 đối với với gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu vào tháng 12/2009, không nêu rõ yêu cầu về chủng loại, yêu cầu đối với mỗi chủng loại máy móc thi công chủ yếu...

 Việc đánh giá HSĐX/HSDT còn mang tính chủ quan, không căn cứ vào các quy định/tiêu chuẩn của HSYC/HSMT và không áp dụng đúng phương pháp đánh giá. Tổ chuyên gia đánh giá “Đạt”/ “Không đạt” đối với các HSĐX, HSDT không đáp ứng (hoặc không chứng minh được là đáp ứng) HSYC/HSMT mà không có nội dung làm rõ hoặc yêu cầu bổ sung. Có dự án tổ chuyên gia loại các nhà thầu do có giá đề xuất vượt giá gói thầu sau khi đã trừ đi 2%  tiết kiệm theo quy định của tỉnh mà lẽ ra phải so với giá gói thầu khi chưa trừ hoặc có nhiều dự án áp dụng xác định giá đánh giá đối với gói thầu chào hàng cạnh tranh.

 Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu không đúng với quy trình lựa chọn nhà thầu của KHĐT đã phê duyệt. Có gói thầu đã được phê duyệt áp dụng chỉ định thầu nhưng vẫn phát hành HSYC cho 3 nhà thầu hoặc tiến hành lập biên bản đóng, mở HSĐX, phê duyệt HSĐX đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, năng lực và kinh nghiệm. Có gói thầu được chia làm 2 lô, nhưng lại áp dụng quy trình lựa chọn nhà thầu như đối với 2 gói thầu riêng biệt. Hoặc có gói thầu HSDT đã bị loại tại bước đánh giá sơ bộ nhưng vẫn tiến hành đánh giá về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, một số gói thầu không tổ chức lựa chọn nhà thầu không theo đúng thời gian quy định trong KHĐT.

Tiến độ thực hiện hợp đồng cũng là vấn đề cần quan tâm đối với các dự án được kiểm tra. Hiện nay một số gói thầu đã bị chậm tiến độ so với thời gian trong hợp đồng đã ký kết. Thậm chí có gói thầu phải gia hạn bảo đảm thực hiện hợp đồng nhiều lần với tổng thời gian gia hạn hơn 1 năm.

Có lẽ sau đợt kiểm tra này, các chủ đầu tư và các BQLDA cũng cần quan tâm hơn đến việc sử dụng các thuật ngữ trong đấu thầu. Đối với các gói thầu áp dụng chỉ định thầu thì không nên dùng những từ như “báo cáo thẩm định về kết quả đấu thầu” “nội dung đấu thầu”, “điều kiện tham gia đấu thầu”, “bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu”.

Kết thúc đợt kiểm tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu cần rà soát tình hình phân bổ vốn, cân đối các nguồn lực sẵn có để tập trung bố trí vốn cho các dự án, gói thầu thuộc danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu, bảo đảm hoàn thành dứt điểm các dự án, gói thầu này trong năm 2011; đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu/dự án theo tiến độ đã cam kết. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các Chủ đầu tư và BQLDA kiểm điểm, rút kinh nghiệm để tránh lặp lại những sai sót đã nêu trong các gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu sau này trên địa bàn tỉnh.

      Khánh An