Tạo hành lang pháp lý cho đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

04/11/2014

Thực trạng thiếu văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không chỉ gây khó khăn, tốn kém cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan trong quá trình thực hiện, mà còn làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả đầu tư (Ảnh: Lê Tiên)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) kỳ vọng rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định LCNĐT) sẽ khắc phục những hạn chế của các quy định hiện hành, kịp thời hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2013 và bảo đảm tính đồng bộ, hoàn chỉnh cho hành lang pháp lý về đấu thầu.

Dự thảo Nghị định này đã được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ. Đây là một trong hai Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 26/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. 

IMG

Theo Bộ KH&ĐT, Nghị định LCNĐT được ban hành sẽ hướng dẫn một trong những nội dung mới quan trọng của Luật Đấu thầu 2013 là quy định về “lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất”. 

 

Theo Dự thảo Nghị định LCNĐT, phạm vi điều chỉnh của Nghị định là dự án đầu tư theo hình thức PPP theo quy đinh của pháp luật về đầu tư PPP; dự án đầu tư có sử dụng đất để đầu tư xây dựng công trình thuộc quy hoạch phát triển đô thị, khu đô thị mới, khu thương mại, tổ hợp đa năng, khu nhà ở thương mại, chợ gắn với quyền sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao thu hút các nhà đầu tư mà không thuộc các trường hợp đầu tư theo hình thức PPP.

Nghị định LCNĐT cũng sẽ giúp hoàn thiện khung pháp lý lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP. Ngày 9/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 71/2010/QĐ-CP ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP. Điều 19 của Quy chế này quy định việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành Quyết định số 71/2010/QĐ-CP, chưa có văn bản luật nào quy định, hướng dẫn việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP. Tiếp sau đó, ngày 27/01/2011, Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT. Thông tư này là văn bản đầu tiên hướng dẫn việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP _ là cơ sở ban đầu hỗ trợ thực hiện và hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Thông tư này chỉ dừng lại đối với các dự án BOT, BTO, BT với những quy định, hướng dẫn cơ bản và chưa hoàn chỉnh. Vì thế, Nghị định LCNĐT khi được ban hành sẽ khắc phục một trong những hạn chế của khung pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP nói chung và quy định lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP nói riêng.

Bên cạnh đó, Nghị định LCNĐT sẽ hoàn thiện khung pháp lý lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất. Trước khi Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất được thực hiện theo 3 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. Trong đó, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2009/TT-BKH ngày 16/4/2009 của Bộ KH&ĐT. Ngoài ra, theo thống kê tại Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ, các quy định và thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất còn nằm phân tán trong các văn bản pháp luật về nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản…

Như vậy, mặc dù Luật Đấu thầu 2013 đã quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP và dự án sử dụng đất, tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành hiện chỉ dừng lại ở mức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư, chưa hoàn chỉnh và được điều tiết rời rạc trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau. Thực trạng thiếu văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không chỉ gây khó khăn, tốn kém cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan trong quá trình thực hiện, mà còn làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả đầu tư. 

Nguồn: Báo Đấu thầu - Nguyệt Minh