Hiệu quả đầu tư công nhìn từ công tác đấu thầu

04/11/2014

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, gây thất thoát, lãng phí, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư (Ảnh: Vũ Long)

Người làm công tác đấu thầu phải có cái tâm vì đất nước thì mới mong công tác này ngày càng công khai và minh bạch, từ đó góp phần tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh, hiệu quả. Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế trong bối cảnh dự báo nợ công của Việt Nam được cảnh báo sắp ở mức nguy hiểm, trong khi đó quá trình tái cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công, còn chậm trễ.

Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư để sử dụng vốn hiệu quả

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công, thời gian qua, các cấp, các ngành đã ban hành nhiều chính sách, văn bản góp phần khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, thất thoát, lãng phí; nâng cao hiệu quả đầu tư. 

 Đáng chú ý, đến nay nhận thức về vấn đề này đã có sự chuyển biến thông qua quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, bố trí vốn tập trung, đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán, nghiệm thu công trình. Việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn giai đoạn trước. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn, trong đó có việc ứng vốn cho các nhà thầu khi chưa có khối lượng thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hiện nay có vấn đề trong phân bổ vốn đầu tư giữa cấp Trung ương và các địa phương, ngành nghề, vẫn còn chỗ này, chỗ kia chưa được hợp lý. Vì thế, quy mô, cơ cấu đầu tư cần tiếp tục xem xét lại.

Cho ý kiến về vấn đề này, trong buổi thảo luận ở Hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, tình hình tái cơ cấu kinh tế còn chậm, kết quả thể hiện chưa rõ nét, trong đó cơ cấu nợ công mới chỉ  được giải quyết các vấn đề tình thế. 

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhất là trong thời gian tới khi kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái nêu quan điểm: “Nhà nước không phải làm tất cả việc, cũng không phải để kinh doanh. Nhà nước kiến tạo phát triển, tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất để kinh tế phát triển. Theo hướng này, Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế khó thu hút đầu tư tư nhân dưới dạng đầu tư “mồi”.

Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, ở những lĩnh vực khó thu hút đầu tư tư nhân, nhà nước đầu tư “mồi” cho đến khi hiệu quả thì tiến hành thoái vốn nhường chỗ cho các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư rồi dùng vốn đó đầu tư vào lĩnh vực khác.

Yêu cầu nâng cao chất lượng người làm công tác đấu thầu

Dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không lâu nữa, đấu thầu sẽ trở thành một nghề ở Việt Nam và những con người hoạt động trong nghề này sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao mức độ cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong các hoạt động mua sắm công ở nước ta. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi người thực hiện phải có năng lực, trình độ và đặc biệt là kiến thức nghề nghiệp, cùng với “cái tâm” trong sáng thì mới nâng cao được hiệu quả đấu thầu. 

Ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, thời gian qua, tình trạng thất thoát, lãng phí vốn đầu tư vẫn còn xảy ra ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, quyết toán đưa vào sản xuất và bảo trì dự án. Trong đó, vấn nạn tham nhũng, tiêu cực trong các giai đoạn đầu tư, đấu thầu, tuyển chọn tư vấn nhà thầu, nhà cung ứng vẫn còn xảy ra.

IMG

“Cái tâm” của những người làm đấu thầu sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước (Ảnh: Lê Tiên)

 Về thực trạng một số dự án đầu tư lớn của đất nước triển khai trong thời gian qua có sự chậm trễ, đội vốn lớn, làm gia tăng nợ công, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan là do năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác đấu thầu còn hạn chế, trong khi họ lại là lực lượng chính trong công tác lựa chọn các nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước. Chính hạn chế này khiến chất lượng của hồ sơ mời thầu chưa được như mong muốn, thậm chí yếu kém, dẫn tới việc lựa chọn nhà thầu năng lực thấp. Hoặc có trường hợp mặc dù năng lực của cán bộ làm công tác đấu thầu rất tốt, nhưng họ bị chi phối bởi những yếu tố khác dẫn đến nhũng nhiễu, tham nhũng.

Ông Nguyễn Thế Vinh, đại diện Khoa Quản lý đấu thầu thuộc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, đa số những người làm công tác đấu thầu hiện nay làm theo kinh nghiệm, làm nhiều thì quen. Vấn đề con người trong bất kỳ hoạt động nào cũng quan trọng, và càng quan trọng hơn khi họ chính là những người thay Nhà nước quản lý, sử dụng đồng tiền ngân sách. Vì thế, vấn đề đạo đức trong hoạt động này phải được đề cao hơn bao giờ hết mới góp phần nâng cao hiệu quả đấu thầu. 

Trong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình, cùng với đó, Chính phủ đang tham gia đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, vấn đề đạo đức, hay “cái tâm” của những người làm đấu thầu, ngày càng được coi trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Nguồn Báo Đấu thầu - Trung Hiếu