Cụ thể hóa một số ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư

13/11/2014

Nếu không có cơ chế ưu đãi, khuyến khích cụ thể, thì nhà đầu tư sẽ ngần ngại khi bỏ một khoản chi phí không nhỏ để lập dự án mà khi đưa ra đấu thầu, cơ hội chia đều cho tất cả nhà đầu tư khác có quan tâm ( Ảnh: Lê Tiên)

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định LCNĐT) đã quy định một số ưu đãi đối với nhà đầu tư tham dự thầu trong chính dự án do nhà đầu tư đó bỏ chi phí nghiên cứu và lập dự án. Quy định này sẽ giúp đảm bảo công bằng và khuyến khích sáng tạo từ khu vực ngoài nhà nước.  

Theo một số nhà đầu tư, nếu không có cơ chế ưu đãi, khuyến khích cụ thể, thì họ sẽ ngần ngại khi bỏ một khoản chi phí không nhỏ để lập dự án mà khi đưa ra đấu thầu, cơ hội chia đều cho tất cả nhà đầu tư khác có quan tâm và nhà đầu tư lập đề xuất dự án có thể không trúng thầu. Trong khi đó, nhiều trường hợp vẫn cần tận dụng kinh nghiệm, kiến thức, năng lực kỹ thuật của khu vực tư nhân để có những dự án tốt, hiệu quả mà khu vực nhà nước chưa tính đến. 

Những băn khoăn nêu trên được Dự thảo Nghị định LCNĐT (đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ) giải tỏa bằng những quy định cụ thể về ưu đãi đối với nhà đầu tư. Theo Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định LCNĐT, tuy Luật Đấu thầu chỉ quy định về ưu đãi cho nhà thầu, chưa quy định về ưu đãi cho nhà đầu tư, nhưng để phù hợp với Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (Nghị định về PPP), Dự thảo Nghị định LCNĐT đã đưa vào nội dung này nhằm đảm bảo sự công bằng và khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư bỏ chi phí cho việc nghiên cứu và lập dự án.  

Có ý kiến cho rằng, do Luật Đấu thầu không quy định ưu đãi cho nhà đầu tư, nên Dự thảo Nghị định LCNĐT quy định nội dung này là không phù hợp với Luật. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc bổ sung quy định này là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn cũng như quy định pháp luật về đầu tư. Theo quy định tại Dự thảo Nghị định về PPP, trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án, chi phí lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Như vậy, để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, cần có quy định ưu đãi cho nhà đầu tư lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi. 

IMG

Nội dung về ưu đãi đầu tư được quy định trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư cũng phù hợp với thông lệ quốc tế  (Ảnh: LTT)

Bên cạnh đó, qua khảo sát kinh nghiệm từ nhiều nước đã thực hiện đầu tư theo hình thức PPP, Ban soạn thảo cho biết, nội dung về ưu đãi đầu tư được quy định trong Dự thảo Nghị định LCNĐT cũng phù hợp với thông lệ quốc tế (Ấn Độ, Philippines, Chile, Indonesia, Hàn Quốc,…). 

Cụ thể, Dự thảo Nghị định LCNĐT quy định: Trường hợp nhà đầu tư tham dự thầu là nhà đầu tư lập đề xuất dự án (đối với dự án PPP nhóm C), báo cáo nghiên cứu khả thi thì được ưu đãi trong quá trình đánh giá về tài chính - thương mại, cụ thể như sau: Trường hợp áp dụng phương pháp giá dịch vụ, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% giá dịch vụ vào giá dịch vụ của nhà đầu tư đó để so sánh, xếp hạng. Trường hợp áp dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất vốn góp của Nhà nước vào phần đề xuất vốn góp của Nhà nước của nhà đầu tư đó để so sánh, xếp hạng. Trường hợp áp dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước thì nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần nộp ngân sách nhà nước vào phần nộp ngân sách nhà nước của nhà đầu tư đó để so sánh, xếp hạng. Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo tỷ trọng của phương pháp kết hợp nhưng tổng giá trị ưu đãi không vượt quá 5%.

Nguồn Báo Đấu thầu - Nguyệt Minh