Tăng tính chuyên nghiệp trong lập HSDT - Nhân tố quan trọng quyết định khả năng thắng thầu của nhà thầu Việt

03/12/2014

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ lập hồ sơ dự thầu (HSDT) có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng trúng thầu cho nhà thầu Việt, bởi tất cả năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu đều được thể hiện thông qua HSDT.

Khi tham gia đấu thầu một công trình xây lắp thì việc lựa chọn các kinh nghiệm liên quan đến công trình dự thầu sẽ đem lại lợi thế cho nhà thầu so với các đối thủ cạnh tranh (Ảnh: Lê Tiên)

Loại bỏ những sai sót không đáng có trong HSDT

Đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, để đánh giá, cho điểm và lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư căn cứ chủ yếu vào các yếu tố: năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, khả năng tài chính, năng lực kỹ thuật và giá dự thầu. Tuy nhiên, để có thể đánh giá được đầy đủ các yếu tố này thì HSDT của nhà thầu không được mắc phải những sai sót lớn, đặc biệt là không vi phạm các điều kiện tiên quyết để loại bỏ HSDT nêu ra trong hồ sơ mời thầu (HSMT). Thực tế chấm thầu tại Bộ GTVT đã cho thấy, có một số nhà thầu Việt bị loại “oan” do đội ngũ lập HSDT thiếu tính chuyên nghiệp, dẫn đến vi phạm một số yêu cầu không đáng có của HSMT. Cụ thể, tại gói thầu Đầu tư mở rộng và nâng cấp Quốc lộ X, đoạn AB, HSMT yêu cầu HSDT phải có hiệu lực 120 ngày kể từ ngày xx/yy/2013, tuy nhiên, trong đơn dự thầu của nhà thầu M lại ghi rõ là HSDT có hiệu lực 120 ngày kể từ ngày xx/yy/2012. Tại Lễ mở thầu, nhà thầu M mới “té ngửa” ra là do sơ suất ở khâu đánh máy của bộ phận lập HSDT và đề xuất với chủ đầu tư là được làm rõ để đính chính lại, song mọi việc đã quá muộn.

Bên cạnh đó, một số nhà thầu Việt còn bị loại ngay từ vòng đầu do sơ suất của bộ phận lập HSDT ở việc ghi thời điểm, thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu, thư giảm giá, thời gian thực hiện hợp đồng sai khác so với yêu cầu của HSMT.  

Theo đại diện Nhóm tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB), nhà thầu Việt cần tiến hành đánh giá lại chất lượng nguồn lao động tham gia vào việc lập HSDT để có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc thực tiễn; đồng thời nên xem xét đến kế hoạch tuyển dụng thêm các nhân sự giàu kinh nghiệm về đấu thầu tham gia lập HSDT. (Xem bảng)

IMG

Trong mô hình của Nhóm tư vấn WB, nội dung công việc và trách nhiệm sẽ được phân rõ đến từng nhóm và từng cá nhân trong nhóm để phối hợp triển khai, tăng cường tính chuyên nghiệp cho bộ phận chuyên trách lập HSDT, từ đó sẽ giúp giảm thiểu những sai sót trong HSDT. 

Để nâng cao khả năng trúng thầu, theo đại diện Bộ GTVT, sau khi nhận được một bộ HSMT, nhà thầu Việt cần đặc biệt lưu ý đến các nội dung chính trong HSMT như: Bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng; các biểu mẫu dự thầu và chỉ dẫn đối với nhà thầu; nội dung yêu cầu về mặt kỹ thuật, tiến độ của dự án; hồ sơ thiết kế kỹ thuật và bảng tiên lượng theo kèm HSMT; yêu cầu về điều kiện và hình thức thanh toán; điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng. Nhà thầu phải tiến hành nghiên cứu kỹ HSMT và tiến hành đánh giá xem khả năng của mình có đáp ứng được các yêu cầu của HSMT hay không, trên cơ sở đó để quyết định việc tham gia dự thầu và lập HSDT.

Ngoài ra, đội ngũ lập HSDT chuyên nghiệp sẽ giúp nhà thầu giới thiệu được những thế mạnh - lợi thế của mình đến chủ đầu tư như là điểm nhấn của HSDT thông qua việc lựa chọn các thông tin về kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu để đưa vào HSDT. Nhà thầu có thể có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng khi tham gia đấu thầu một công trình xây lắp cụ thể thì việc lựa chọn các kinh nghiệm liên quan đến công trình dự thầu sẽ đem lại lợi thế cho nhà thầu so với các đối thủ cạnh tranh. 

Xây dựng giá dự thầu hợp lý

Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Thiên Phúc (chuyên xây lắp các hệ thống quan trắc khí tượng, hệ thống cất hạ cánh, hệ thống đèn đường băng) cho biết, cơ cấu giá dự thầu của công ty này được xây dựng theo công thức :

Tổng giá dự thầu = Tổng giá phần thiết bị + Tổng giá các hạng mục xây lắp + Mức lợi nhuận dự kiến.

Trong đó, tổng giá phần thiết bị sẽ bao gồm thiết bị nhập ngoại và thiết bị trong nước. Giá phần thiết bị bao gồm chi phí mua sắm thiết bị công nghệ; chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí lắp đặt, hiệu chỉnh. Còn tổng giá các hạng mục xây lắp bao gồm: chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng và chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công trực tiếp.IMG

Xây dựng giá dự thầu chính xác thì việc xây dựng phương án lựa chọn giá dự thầu một cách hợp lý là công việc hết sức quan trọng đối với các nhà thầu (Ảnh: Tiên Giang

Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Thiên Phúc cũng chia sẻ, mức lợi nhuận dự kiến được đưa ra tùy thuộc vào mục tiêu tham dự thầu của Công ty. Chẳng hạn, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để tăng xác suất trúng thầu, trong đơn dự thầu, có lúc nhà thầu này đã hạ mức lợi nhuận dự kiến xuống còn 0%. 

Theo đại diện Tập đoàn Sumitomo Mitsui (Nhật Bản), việc lựa chọn giá dự thầu sao cho hợp lý và phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng gói thầu là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp đối với các nhà thầu, chứ không riêng gì nhà thầu Việt. Thực tế đã chứng minh, Tập đoàn Sumitomo Mitsui đã từng bị trượt thầu vì lựa chọn giá quá cao so với đối thủ cạnh tranh; cũng có những gói thầu mà Tập đoàn này đưa ra giá quá thấp, mặc dù trúng thầu, song không đảm bảo được mức lợi nhuận cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh khi triển khai thi công. 

Vì vậy, theo đại diện Bộ GTVT, bên cạnh việc hoàn thiện phương pháp xây dựng giá dự thầu chính xác thì việc xây dựng phương án lựa chọn giá dự thầu một cách hợp lý là công việc hết sức quan trọng đối với các nhà thầu Việt trong thời gian tới. Để có thể lớn mạnh không chỉ trên sân nhà, mà cả trên đấu trường quốc tế, trong thời gian tới, nhà thầu Việt cần làm tốt công tác thu thập, xử lý thông tin liên quan đến gói thầu, bao gồm: nguồn vốn; chủ đầu tư; nguồn cung cấp nguyên, vật liệu, đặc biệt là thông tin liên quan đến đối thủ cạnh tranh như: năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm, đặc điểm công nghệ, kỹ thuật và mối quan hệ với chủ đầu tư trong từng dự án, tổng hợp phân tích điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ cạnh tranh, thông qua đó làm cơ sở dự đoán chiến lược áp dụng, mục tiêu trong đấu thầu của từng đối thủ. 

Tiếp đến, nhà thầu Việt cũng cần nghiên cứu kỹ HSMT và tổ chức khảo sát thực địa một cách tỷ mỷ và cẩn trọng để nắm rõ các thông tin liên quan mà bên mời thầu cung cấp, đánh giá các nguồn cung cấp nguyên vật liệu để điều chỉnh đơn giá cho phù hợp. 

Đồng thời, nhà thầu Việt cũng cần tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ xây dựng giá dự thầu, đội ngũ này cần được trang bị đầy đủ kiến thức về phương pháp lập giá, được cập nhật thường xuyên các văn bản, thông tư liên quan đến giá thành xây lắp.

Báo Đấu thầu - Phan Kiên - Bích Thảo