Xử lý vi phạm trong đấu thầu ở An Giang: Chỉ rõ hành vi thông thầu

19/12/2014

Ảnh minh họa: Đức Tâm

Thông thầu là hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu. Tuy nhiên, tìm ra bằng chứng thông thầu của các nhà thầu thật không dễ dàng bởi trên thực tế, các nhà thầu có trăm phương nghìn kế để thực hiện hành vi đáng lên án này. 

Câu chuyện chỉ rõ bằng chứng thông thầu của 7 nhà thầu tại 3 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học cho Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu của Trung tâm Thẩm định Dự án đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang) là một kinh nghiệm quý trong việc nhận diện hành vi thông thầu giữa các nhà thầu.  
Hồ sơ dự thầu giống nhau cả lỗi chính tả
Qua quá trình đánh giá, phân tích HSDT của các nhà thầu tham dự 3 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học cho Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, Trung tâm Thẩm định Dự án đầu tư tỉnh An Giang đã phát hiện ra HSDT của một số nhà thầu giống nhau về cách trình bày như: “sau dấu phẩy là chữ “Chịu” viết hoa; chữ “cho” không viết hoa chữ cái đầu mà chữ “Khóa” lại viết hoa chữ cái đầu; sau chữ kết nối, chữ một nút và đồ thị đều có dấu chấm than “!”; sau chữ RESET đều có dấu phẩy “,” và xuống dòng bắt đầu bằng đoạn “giắc BNC… bên ngoài”. 
Bên cạnh đó, HSDT của 1 số nhà thầu lại giống nhau về sai lỗi chính tả như: “đườg mạng và thoại”, “kiễm tra kết nối máy con”, cùng sai chính tả chữ “lit”, “thanh công cụ dể dàng”, “một cách ngẩu nhiên”, “lưu đươc 80 hình”, “hổ trợ hệ…”, “ghi lưu vê máy tính”…
IMG

Ảnh: Lê Tiên

Ngoài ra, quá trình thẩm định kết quả đấu thầu gói thầu Thiết bị phòng bộ môn Vật lý, Trung tâm Thẩm định Dự án đầu tư tỉnh An Giang đã chỉ ra HSDT của 2 nhà thầu là Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Thắng Lợi (Hà Nội) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Phát triển Tùng Anh (Hà Nội) có những nội dung thuyết minh ngoài yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) hoàn toàn giống nhau về câu chữ, các dấu chấm, phẩy và giống nhau cả về khối lượng dự thầu thừa ngoài HSMT như: “nhiệt kế bên trong có gắn thang chia, chứa chất lỏng có màu”, “Áp kế kim loại được đặt trong vỏ gỗ kim chỉ thị có thể điều chỉnh được”…; nội dung thuyết minh “tính năng kỹ thuật chi tiết” có khối lượng sai lệch so với HSMT giống nhau như: “nước cất, 5 lít”, “Dây điện, an toàn, 32 A, 100 cm, vàng”…  
Chỉ có 1 nhà thầu đạt tại bước đánh giá sơ bộ
Nhận xét về kết quả đấu thầu đối với 3 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học cho Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, theo nội dung báo cáo đánh giá HSDT của các nhà thầu tham dự 3 gói thầu trên của tư vấn xét thầu (Công ty TNHH Kiểm định và Tư vấn Đầu tư xây dựng Miền Tây) thì mỗi gói thầu chỉ có duy nhất 1 nhà thầu được đánh giá là đạt tại bước đánh giá sơ bộ, đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật và đề nghị trúng thầu. Cụ thể, gói thầu Thiết bị phòng bộ môn tin học có giá là 1.104.430.000 đồng, có 3 nhà thầu tham dự nộp HSDT là: Công ty CP Phát triển Công nghệ cao (giá dự thầu là 1.099.960.000 đồng, sau được đề nghị là nhà thầu trúng thầu), Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ E&C (giá dự thầu là 1.103.340.000 đồng) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo Tín (giá dự thầu là 1.156.093.000 đồng, vượt giá gói thầu được duyệt 51,663 triệu đồng).
Ông Trần Văn Tuấn, Vụ II, Thanh tra Chính phủ: Hành vi thông thầu là sai phạm khá phổ biến của không ít nhà thầu khi tham gia đấu thầu. Có thể kể đến một số “mánh” mà các nhà thầu thường áp dụng như: có nhiều nhà thầu dự thầu nhưng thực chất chỉ có 1 nhà thầu (xảy ra việc mượn tư cách pháp nhân để dự thầu), thông đồng giữa công ty tư vấn thiết kế và nhà thầu để ăn chênh lệch về cả giá trị và khối lượng công trình...…
Ông Adu Gyamfi Abunyewa, Chuyên gia đấu thầu cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Trong đấu thầu, có hiện tượng các nhà thầu thông đồng, cấu kết và thỏa thuận với nhau để cho 1 nhà thầu đứng ra trúng thầu. Sau đó, các nhà thầu không trúng thầu sẽ được thuê và sử dụng làm nhà thầu phụ cho nhà thầu trúng thầu. Hoặc là có sự thỏa thuận, cấu kết, thông đồng giữa một số nhà thầu để thay phiên nhau thắng thầu, có sự phân chia theo công việc, loại hình công việc hoặc khu vực địa lý.
Tại gói thầu Thiết bị phòng bộ môn vật lý có giá là 3.263.730.000 đồng, có 3 nhà thầu tham dự nộp HSDT là: Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Thắng Lợi (sau được đề nghị là nhà thầu trúng thầu); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Phát triển Tùng Anh và Công ty TNHH Thiết bị Khoa học và Giáo dục. Giá dự thầu sau giảm giá của 3 nhà thầu lần lượt là 3,2 tỷ đồng; 3,23289 tỷ đồng và 3,25 tỷ đồng. 
Gói thầu Thiết bị phòng bộ môn ngoại ngữ có giá là 625.110.000 đồng, có 4 nhà thầu tham dự gồm: Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Ngôi sao kỹ thuật số, Công ty TNHH Nghe nhìn Toàn Cầu (sau được đề nghị là nhà thầu trúng thầu), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiết bị Công nghiệp Đại Cát và Công ty TNHH Hồng Phúc Bảo. Giá dự thầu lần lượt của 4 nhà thầu trên là: 579.999.000 đồng, 618.521.000 đồng, 621.599.500 đồng và 637.277.100 đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cũng cho biết, ngoài nhà thầu duy nhất được đánh giá là “đạt” ở bước đánh giá sơ bộ thì các nhà thầu còn lại tham gia từng gói thầu đều được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu HSMT được duyệt, do vi phạm điều kiện tiên quyết của HSMT hoặc không đáp ứng yêu cầu về mặt năng lực kỹ thuật nên bị loại bỏ và không đánh giá bước tiếp theo.
Với những bằng chứng “không thể chối cãi” về hành vi thông thầu, làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên mời thầu 3 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học cho Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang đã đề xuất UBND Tỉnh đưa ra hình thức xử lý kỷ luật. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định cấm các nhà thầu nêu trên tham gia hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh trong thời hạn 3 năm; đồng thời, cảnh cáo Công ty TNHH Kiểm định và Tư vấn Đầu tư Xây dựng Miền Tây do có nhiều sai sót trong quá trình tư vấn phân tích, đánh giá HSDT của các nhà thầu tham gia đấu thầu 3 gói thầu nói trên.
Nguồn Báo Đấu thầu -Bích Thảo