Thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu giúp doanh nghiệp tự tin gia nhập TPP

27/12/2014

Tất cả các Hiệp định Thương mại tự do đều mang đến cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam (Ảnh: Lê Tiên)

Ngày 18/12, tại TP.HCM, Hội thảo “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương  (TPP) và tác động tiềm năng đến kinh tế Việt Nam” được tổ chức với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, ngành nghề… Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu chính là sự chuẩn bị tốt để gia nhập TPP khi những nội dung mua sắm chính phủ đều được các thành viên khác của Hiệp định đặc biệt coi trọng.

Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Theo các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo, tất cả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đều mang đến cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. TPP dự kiến sẽ tăng cường đáng kể thương mại và đầu tư, hỗ trợ việc làm, tăng trưởng kinh tế và phát triển ở Việt Nam. “Các nước thành viên TPP chủ yếu là các thị trường ưu việt trên thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu và 30% tổng doanh thu xuất nhập khẩu toàn cầu. Việc gia nhập TPP giúp Việt Nam tiếp tục duy trì thị trường xuất khẩu lớn này và mở ra thêm các cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là cơ hội để các ngành công nghiệp trong nước tăng cường khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế”, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính Vũ Nhữ Thăng phân tích.

Tại Hội thảo, đại diện Vụ Chính sách Thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương tại Hội thảo cho rằng, việc gia nhập TPP sẽ góp phần minh bạch, công khai các khoản mua sắm chính phủ. “Về cơ bản, việc mua sắm chính phủ sẽ thực hiện đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu theo tinh thần của Hiệp định Mua sắm chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, gia nhập TPP sẽ dần xóa bỏ các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên nội địa như: yêu cầu sử dụng sản phẩm hoặc nhà cung cấp trong nước, yêu cầu chuyển giao công nghệ”.

Giám đốc dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của USAID Jonathan Simon cho biết: “Tại Việt Nam, việc mua sắm chính phủ nhằm phục vụ cho việc duy trì hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, quân đội, an ninh… Bên cạnh đó, mua sắm chính phủ cũng sẽ phục vụ cho các dự án đầu tư phát triển; cho các doanh nghiệp nhà nước. Ở Việt Nam, hoạt động mua sắm chính phủ diễn ra thường xuyên. Hoạt động mua sắm này do các cơ quan chính phủ, 63 tỉnh, thành phố và nhiều cơ quan chính quyền địa phương thực hiện với tổng vốn ngân sách khổng lồ. Do đó, gia nhập TPP, các chủ thể này sẽ bị điều chỉnh và chịu tác động lớn khi tổ chức mua sắm chính phủ. Cộng với việc các doanh nghiệp trên thế giới đang tham gia ngày càng nhiều vào các gói thầu tổ chức tại Việt Nam, những động thái tích cực của Việt Nam trong các vòng đàm phán để gia nhập TPP nhận được sự quan tâm rất lớn của các nền kinh tế khác”. 

Thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu – cơ hội tăng cường năng lực cạnh tranh

Theo các chuyên gia, cùng với việc thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu, tham gia TPP chính là cơ sở hoàn hảo để giải quyết tình trạng thiếu minh bạch trong các hoạt động đấu thầu, mua sắm công hiện nay tại Việt Nam và góp phần tích cực trong chống tham nhũng trong đầu tư công. “Luật Đấu thầu của Việt Nam được chúng tôi đánh giá cao vì những nỗ lực giảm thiểu tình trạng tham nhũng, không minh bạch trong đấu thầu. Chính hệ thống pháp luật về đấu thầu sẽ góp phần đưa nền hành chính công của Việt Nam ngày càng được cải cách tốt hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước khi tham gia đấu thầu”, ông Jonathan Simon nhấn mạnh.

Đại diện một số doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước tại Hội thảo cũng chia sẻ những lo ngại rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó cạnh tranh ngay trên sân nhà với các nhà cung cấp nước ngoài trong các cuộc đấu thầu lớn. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng: “Mối quan tâm của doanh nghiệp là chính đáng. Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật đang dành nhiều ưu đãi, ưu tiên cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cần tận dụng những ưu đãi này để bứt phá nhằm tạo chỗ đứng của mình”.

Một số hiệp hội doanh nghiệp khác cũng bày tỏ quan ngại là thị trường trong nước có thể bị cạnh tranh gay gắt từ các nhà thầu ngoại, trong khi đó khả năng tiếp cận được với thị trường mua sắm chính phủ của các thành viên khác trong Hiệp định TPP gần như đang nằm ngoài tầm với của các doanh nghiệp Việt Nam. Những hạn chế như năng lực cạnh tranh, trình độ lao động, kỹ năng ngoại ngữ, sự hiểu biết về hệ thống pháp luật quốc tế… là những rào cản lớn khi doanh nghiệp Việt tham gia các gói thầu quốc tế. 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ và các cơ quan soạn thảo chính sách đều sớm nhận thức được những cơ hội cũng như thách thức khi gia nhập TPP. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội để các chủ đầu tư/bên mời thầu và các nhà thầu chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu thầu. “Thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu sẽ hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu sử dụng vốn nhà nước, đồng thời giúp tăng cường năng lực cạnh tranh cho các nhà thầu. Khi các chủ đầu tư và nhà thầu cùng thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu thì kinh nghiệm, năng lực mới được tăng cường, đủ sức đấu với những nhà thầu quốc tế khi gia nhập sân chơi TPP”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh. 

Ngoài ra, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương còn cho biết thêm: “Nếu vẫn còn tình trạng “đi đêm”, không thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu thì càng hội nhập, các chủ đầu tư và nhà thầu sẽ càng tự loại mình ra khỏi cuộc chơi lớn”.


Nguồn: Báo Đấu thầu -V.Huyền