Buồn vui những buổi mở thầu

05/01/2015

Đường dây nóng của Báo Đấu thầu nhận được nhiều phản ánh của các nhà thầu về việc không mua được HSMT (Ảnh minh họa)

Tham gia dự nhiều lễ mở thầu đã giúp chúng tôi phần nào hình dung được hơi thở sôi động của hoạt động đấu thầu tại Việt Nam. Chỉ riêng thủ tục mở thầu, nội dung của Biên bản mở thầu diễn ra tại một số gói thầu đã phần nào cho thấy thực tế việc áp dụng Luật Đấu thầu và các quy định liên quan vẫn còn... tùy hứng, đôi khi là tùy tiện.

Biên bản mở thầu dành cho ai?

Câu hỏi có vẻ thừa vì ai cũng hiểu rằng, nhà thầu dự thầu thì đương nhiên có quyền được giữ một Biên bản mở thầu. Nhưng một buổi mở thầu của ngành cấp nước tại TP.HCM đã khiến chúng tôi phải xem lại suy nghĩ của mình. Tại gói thầu này, thủ tục đóng, mở thầu diễn ra đúng theo quy định. Tuy nhiên, khi các thông tin cơ bản đã được công bố, đại diện nhà thầu tư vấn phát biểu: “Buổi mở thầu hôm nay đến đây kết thúc. Khi nào có kết quả đánh giá HSDT, chúng tôi sẽ thông báo đến cho các nhà thầu”. Lúc này Biên bản mở thầu chưa được in ra, chưa được đại diện chủ đầu tư cũng như các nhà thầu tham gia ký xác nhận. Tuy nhiên, các nhà thầu vẫn… im lặng và lục tục ra về. Quá ngạc nhiên với việc không thông qua và cung cấp cho nhà thầu Biên bản mở thầu, phóng viên Báo Đấu thầu đã hỏi các nhà thầu thì nhận được câu trả lời: “Cũng không phải là lạ đâu. Có nhiều chủ đầu tư cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu là do họ tổ chức, mở thầu thì mình được dự nhưng đâu có quyền gì. Đây không phải lần đầu chúng tôi không được ký và giữ Biên bản mở thầu. Đi đấu thầu nhiều nên chúng tôi gặp nhiều rồi. Có ý kiến thì đôi khi còn nhận được thái độ khó chịu của chủ đầu tư, dù họ biết mình nói đúng”. 

Lý giải cho việc không cung cấp Biên bản mở thầu cho các nhà thầu, đại diện chủ đầu tư rất hồn nhiên cho biết:  “Luật có quy định việc bên mời thầu phải gửi Biên bản mở thầu cho nhà thầu tham gia dự thầu, nhưng không cụ thể về thời gian nào, nên chúng tôi gửi lúc nào cũng được. Bên cạnh đó, hôm nay đại diện nhà thầu tư vấn đấu thầu… quên mang dấu đi nên không có dấu để mà thông qua Biên bản” (!) Với cách hiểu luật của chủ đầu tư cũng như cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của tư vấn đấu thầu, Biên bản mở thầu gói thầu này sẽ gửi cho nhà thầu vào “một lúc nào đó”, hoặc “khi đã đóng dấu”. Như vậy, một số yêu cầu của Biên bản là phải mô tả lại các sự việc, hiện tượng một cách kịp thời, tại chỗ với đầy đủ mọi tình tiết khách quan, hoặc các ý kiến của các bên liên quan đã mất ý nghĩa khi nhà thầu chỉ được ký mà không được nhận một Biên bản mở thầu dù mình tham gia.

Ngẫu hứng như... thứ tự chữ cái tên nhà thầu

Chỉ riêng chuyện mở HSDT theo thứ tự chữ cái tên nhà thầu dự thầu – một trình tự tưởng như đơn giản trong các buổi mở thầu đã cho thấy rất nhiều sắc thái vui buồn. Hiện nay, theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, chỉ có những đơn vị thực sự có bề dày tổ chức lự chọn nhà thầu hoặc những đơn vị tư vấn đấu thầu dày dặn kinh nghiệm mới thực hiện nghiêm quy định mở HSDT theo thứ tự chữ cái tên nhà thầu. Trong Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Điều 14 đã có những hướng dẫn cụ thể về tổ chức lựa chọn nhà thầu, cụ thể là mở thầu. Tuy nhiên, việc mở thầu đã và đang được nhiều bên mời thầu thực hiện không theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu, hoặc thứ tự một cách tùy tiện, ngẫu hứng nhất có thể. Có một gói thầu mua sắm thiết bị y tế diễn ra tại Đồng Nai, thứ tự chữ cái tên của nhà thầu dự thầu được bên mời thầu mở như sau: Hồ sơ của nhà thầu có chữ cái tên “T” được mở đầu tiên. Tiếp theo, Hồ sơ của nhà thầu có chữ cái tên “C” được mở. Và cuối cùng là Hồ sơ của nhà thầu có chữ cái tên “B”. Tại gói thầu khác trong lĩnh vực thiết bị giáo dục được diễn ra tại TP.HCM thì việc mở thầu được thực hiện như sau: Hồ sơ của nhà thầu có chữ cái tên “F” được mở đầu tiên. Tiếp đến là Hồ sơ của nhà thầu có chữ cái tên “A”. Thứ tự sau đó là Hồ sơ của hai nhà thầu có chữ cái tên “V” và “H”…

Trong các buổi mở thầu này, quy định: “Việc mở thầu được thực hiện đối với từng HSDT theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu” không hề được coi trọng. Thông thường, họ mở HSDT theo thứ tự… vị trí hoặc tính… bắt mắt của các bộ HSDT.  Và hình như, đa số HSDT nào đang được xếp ở vị trí gần người đọc thông tin thì sẽ được mở đầu tiên. 

Số lượng HSMT bán ra theo Biên bản có đáng tin?

Có nhiều đơn vị đang có tâm lý đối phó và muốn có con số đẹp để báo cáo trong việc bán HSMT. Tình trạng này xuất hiện khi quy định về việc cấm “không bán HSMT cho các nhà thầu” có hiệu lực. Bên cạnh những gói thầu hấp dẫn, thực hiện nghiêm túc quy định trong việc phát hành HSMT đã thu hút được đông đảo nhà thầu tham gia thì vẫn có những gói thầu dù suốt thời gian bán HSMT đóng cửa “đi họp”, gọi điện thoại “ò í e” nhưng khi báo chí vào cuộc hoặc ngay trong các Biên bản đóng/mở thầu lại được Bên mời thầu trưng ra một danh sách dài các nhà thầu tham gia mua HSMT. Cá biệt, có gói thầu của một UBND huyện tại Quảng Nam, dù suốt thời gian 10 ngày phát hành HSMT, nhà thầu “chầu chực” để mua HSMT vẫn không thấy người bán xuất hiện dù chỉ một lần, nhưng khi trả lời với Báo Đấu thầu, cán bộ có trách nhiệm phát hành HSMT vẫn nhấn mạnh: “Chúng tôi vừa bán 5 bộ HSMT lúc 4 giờ chiều hôm nay” (ngày hôm sau là đóng thầu). Người có kinh nghiệm đi đấu thầu đã cảm thán với chúng tôi: “Không hiểu 5 nhà thầu ấy có ở trên trời rơi xuống không mà bỏ ra 5 triệu đồng để mua 5 bộ HSMT dù họ còn không đủ 12 giờ đồng hồ để lập HSDT? Lập một bộ HSDT cần có một quỹ thời gian để chuẩn bị tài liệu, xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền chứ không phải tự in, tự vẽ được. 12 giờ đêm thì cơ quan nào xác nhận cho HSDT, bảo lãnh của nhà thầu?” (!)

Khi Đường dây nóng của Báo Đấu thầu nhận được nhiều phản ánh của các nhà thầu về việc không mua được HSMT, chúng tôi đã xác minh và thường nhận được câu trả lời: “Chúng tôi vẫn phát hành HSMT bình thường”. Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Đấu thầu đề nghị Bên mời thầu cung cấp Biên nhận thu tiền bán HSMT để đối chiếu với danh sách nhà thầu đã mua được HSMT trong Biên bản đóng/mở thầu thì các chủ đầu tư đã vô cùng lúng túng và không thể cung cấp thông tin. Do đó, danh sách “nhiều nhà thầu mua được HSMT” được các chủ đầu tư/bên mời thầu đưa ra để báo cáo, đưa vào Biên bản đóng/mở thầu đôi lúc không có giá trị là vì vậy. 

Không khó để tạo ra một danh sách “ảo”, những thông tin “đẹp” trong Biên bản đóng/mở thầu về các nhà thầu mua được HSMT đối với những bên mời thầu không thực sự công tâm khi tổ chức lựa chọn nhà thầu. Và điều này đã đánh mất niềm tin của các nhà thầu đối với công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu của một số chủ đầu tư.

V.Huyền

Nguồn: Báo Đấu thầu

Theo dòng sự kiện

Tin tức liên quan đến đấu thầu