Mua sắm chính phủ của Hoa Kỳ: Một chính sách, nhiều đối tượng liên quan

16/01/2015

Trong năm 2012, Hoa Kỳ đã chi xấp xỉ 2.000 tỷ USD cho hoạt động mua sắm chính phủ, chiếm hơn 11% GDP của nước này  (Ảnh: H.A)

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và kết quả một số nghiên cứu độc lập, trung bình mỗi năm các quốc gia bỏ ra một khoản tiền tương đương 10 - 30% GDP để chi tiêu mua sắm công. Điều này khiến cho phân khúc mua sắm chính phủ (MSCP) trở thành một thị trường khổng lồ cho các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ.  

Riêng với Hoa Kỳ, trong năm 2012, tổng lượng tiền chi cho việc MSCP xấp xỉ 2.000 tỷ USD, chiếm hơn 11% GDP của nước này, cao gần gấp đôi tổng quy mô MSCP của 11 quốc gia TPP còn lại mà Hoa Kỳ đang tham gia đàm phán xét về giá trị tuyệt đối. 

MSCP vốn được coi là một công cụ chính sách và ở một quốc gia như Hoa Kỳ thì tính “chính sách” đó lại càng được mổ xẻ kỹ lưỡng hơn do những tác động của hệ thống chính trị phức tạp. 

Xuất phát từ quy mô và ý nghĩa to lớn của thị trường MSCP Hoa Kỳ mà áp lực chính trị có thể nảy sinh ở bất kỳ giai đoạn nào, liên quan tới thủ tục hành chính, đảng phái hay các nhóm lợi ích.  

MSCP còn là một bài toán “bập bênh”,  làm thế nào giải quyết được xung đột lợi ích nhằm đạt được mục tiêu chung. Người mua luôn muốn mua hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao với giá rẻ nhất, hoặc giá tốt nhất đối với mặt hàng chất lượng vừa phải từ một nhà cung cấp đáng tin cậy. Trong khi đó, người bán thì muốn bán hàng với giá càng cao càng tốt. Người sử dụng thì muốn có hàng chất lượng tốt, dễ sử dụng; và giới quan chức thì muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ “tiêu tiền thuế của dân” với hy vọng ghi điểm khi ra tranh cử. 

Có thể thấy, MSCP ở Hoa Kỳ theo đuổi mục tiêu chung trong khi cố gắng làm hài lòng tất cả các bên liên quan. Nó không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn trở thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội đầy chông gai.

Cơ cấu tổ chức phức tạp

Mặc dù chia sẻ nhiều điểm tương đồng với các nước trên thế giới, song hệ thống MSCP ở Hoa Kỳ có những khía cạnh đặc thù như: tầm ảnh hưởng của lĩnh vực hành pháp, cơ cấu tổ chức phức tạp của cơ quan quản lý MSCP…  

Ở Hoa Kỳ, lĩnh vực lập pháp, tức là Quốc hội, các cơ quan lập pháp nhà nước, hội đồng địa phương chủ yếu tác động đến hệ thống MSCP thông qua pháp luật (các chính sách và quy định mua sắm) phân bổ các kế hoạch, chương trình MSCP. Bên cạnh đó, một cơ quan giám sát đã được thành lập để tiến hành kiểm toán hoạt động MSCP (Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ - Government Accountability Office). 

Về nguyên tắc, Tổng thống Hoa Kỳ là người chịu trách nhiệm đối với toàn bộ chính sách về MSCP, ủy quyền và phân bổ ngân sách, bổ nhiệm hoặc tác động tới việc bổ nhiệm quan chức MSCP.  

Do phần chi tiêu của Chính phủ liên bang dành cho hoạt động MSCP là rất lớn (mặc dù chưa lớn bằng ở cấp bang), nên cơ cấu hành chính về MSCP của Hoa Kỳ mang tính tập trung cao để duy trì đảm bảo tiêu chuẩn thống nhất, dễ kiểm soát, cùng với đó là cơ chế phân cấp tạo sự linh hoạt phù hợp với yêu cầu đặc thù của hơn 60 cơ quan liên bang. 

Nói cách khác, hệ thống MSCP của Hoa Kỳ được quy định chặt chẽ, tuân thủ mạng lưới luật pháp chằng chịt của Liên bang, các tiểu bang nhằm điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức tham gia quá trình MSCP.

 Hùng Anh

Nguồn: Báo Đấu thầu