Để cải thiện việc thực hiện hợp đồng thi công công trình sử dụng vốn ODA

26/01/2015

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT thuyết trình tại Hội thảo (Ảnh: Lê Tiên)

Đánh giá công tác quản lý, thực hiện hợp đồng các dự án thi công công trình sử dụng vốn ODA tại Việt Nam; xây dựng cơ chế quản lý, thực hiện hợp đồng hiệu quả để đảm bảo các dự án được triển khai có chất lượng… là các chủ đề chính được thảo luận tại Hội thảo “Thúc đẩy thực hiện các hợp đồng thi công công trình quy mô lớn sử dụng nguồn vốn ODA tại Việt Nam” do Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức hôm qua (22/01) tại Hà Nội. 

Về thực trạng công tác quản lý, thực hiện hợp đồng các dự án tại Việt Nam hiện nay, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, công tác này hiện nay vẫn còn có những tồn tại. Hiện quy định pháp luật về nội dung hợp đồng thiếu thống nhất; chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng, quản lý hợp đồng. Đáng chú ý là các chủ đầu tư, bên mời thầu chưa hiểu đúng tầm quan trọng của hợp đồng và chuỗi liên kết giữa quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu với quá trình hoàn thiện, ký kết, quản lý hợp đồng, nên hợp đồng với nhà thầu xây dựng còn sơ sài, cơ chế thưởng phạt không rõ ràng, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, chất lượng công trình không đảm bảo.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Tăng cũng cho rằng, hồ sơ mời thầu thường bao gồm các nội dung: điều kiện chung, điều kiện cụ thể và mẫu hợp đồng. Tuy nhiên, khi ký kết hợp đồng, các bên lại áp dụng mẫu hợp đồng khác, vì với các bên liên quan, văn bản nào có lợi thì họ áp dụng. Một tồn tại dễ thấy nữa trong việc thực hiện các hợp đồng xây dựng hiện nay là sự yếu kém trong quản lý hợp đồng sau đấu thầu của chủ đầu tư, tư vấn giám sát; ý thức tuân thủ hợp đồng của hai bên đều hạn chế.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, công tác quản lý, thực hiện hợp đồng hiện vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Các điều kiện để bảo đảm tính khả thi của một hơp đồng còn chưa thực sự được quan tâm. Đó là chưa kể vẫn còn tồn tại sự khác nhau giữa thông lệ quốc tế và quy định của Việt Nam về hợp đồng. 

Dành sự quan tâm đến việc quản lý, thực hiện hợp đồng các dự án ODA, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, những vướng mắc trong thanh toán hợp đồng dự án ODA, mà cụ thể là sự khác biệt giữa quy định của pháp luật Việt Nam so với hợp đồng mẫu của các nhà tài trợ cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho việc quản lý, thực hiện hợp đồng các dự án này tại Việt Nam hiện nay. 

IMG

Đánh giá quản lý, thực hiện hợp đồng là điều kiện quan trọng quyết định đến thành công của một dự án (Ảnh: LTT)

Để giải quyết các tồn tại nêu trên, tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra các kiến nghị, giải pháp cho vấn đề quản lý, thực hiện hợp đồng các dự án nói chung, các dự án ODA nói riêng. Đáng chú ý, một số đại biểu cho rằng, các vấn đề về: nguyên tắc đấu thầu dự án ODA; các loại hợp đồng với nhà thầu; điều kiện ký kết hợp đồng; hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn… được quy định trong Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP được coi là nền tảng giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thực hiện hợp đồng trong các dự án sử dụng nguồn vốn ODA. 

Đánh giá quản lý, thực hiện hợp đồng là điều kiện quan trọng quyết định đến thành công của một dự án, ông Walter Poick, Giám đốc Ban dịch vụ hoạt động và Quản lý tài chính thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng: “Quản lý, thực hiện hợp đồng là khâu quan trọng. Nếu các khâu khác đều hoàn hảo nhưng quản lý hợp đồng không tốt sẽ không có ý nghĩa. Quản lý hợp đồng yếu kém sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng và chất lượng của hợp đồng. Nếu nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, chúng ta phải xây dựng cơ chế quản lý cảnh báo sớm về việc quản lý hợp đồng không hiệu quả hoặc thông báo cho nhà tài trợ để họ có những tư vấn thích đáng”. 

Nguồn: Báo đấu thầu - Bích Khánh