TP.HCM quyết liệt ưu tiên hàng Việt trong đấu thầu

03/02/2015

Sở KH&ĐT TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố nâng mức hỗ trợ cho tất cả các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được ưu đãi toàn bộ lãi vay theo Chương trình kích cầu thông qua đầu tư (Ảnh: Lê Tiên)

Đó là khẳng định của Lãnh đạo UBND TP.HCM nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tinh thần này được thể hiện trước thực tế nhà thầu và hàng hóa Việt Nam chưa trúng nhiều gói thầu lớn ngay trên sân nhà, khiến ngành CNHT chưa phát triển.

Vắng mặt trong những gói thầu lớn
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, đến nay, trong triển khai thực hiện Chương trình kích cầu thông qua đầu tư, Thành phố đã phê duyệt 114 dự án. Trong số đó có 58 dự án trong lĩnh vực công nghiệp với tổng vốn đầu tư 3.537 tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 1.712 tỷ đồng, chiếm 37%). Tính đến thời điểm này, 53/58 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp với tổng vốn đầu tư 2.980 tỷ đồng được triển khai. Đây là một tỷ lệ triển khai thực hiện tốt (trên 90%). 
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT TP.HCM, các dự án liên quan đến lĩnh vực CNHT đã bắt đầu phát triển theo hướng chuyên sâu, máy móc thiết bị sản xuất được đầu tư theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa và điều khiển bằng chương trình máy tính. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, CNHT là ngành công nghiệp quan trọng cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm cho các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định hiện hành, một số sản phẩm thuộc lĩnh vực này chỉ được hỗ trợ 50% lãi vay trong Chương trình kích cầu đầu tư. Do đó, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) CNHT, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Sở KH&ĐT kiến nghị UBND TP.HCM xem xét nâng mức hỗ trợ cho tất cả các dự án thuộc lĩnh vực CNHT được hưởng ưu đãi toàn bộ lãi vay. “Đây chính là một động lực lớn để các DN CNHT của Việt Nam thực sự vươn mình, có mặt nhiều hơn trong các gói thầu lớn, tham gia chuỗi cung ứng chuyên nghiệp hơn”, ông Nguyễn Hoàng Minh nhận xét.
Một ý kiến khác từ phía Hiệp hội DN TP.HCM cho rằng, cần có chính sách khuyến khích các DN FDI chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện tham gia chuỗi cung ứng, hợp tác bền vững với DN Việt Nam. Cần có quy định DN FDI phải mua tỷ lệ 30% sản phẩm của DN trong ngành CNHT ở địa phương (như một số nước trong khu vực). “Thực tế hiện nay cho thấy, sự hiện diện của các nhà thầu trong nước cũng như hàng hóa trong nước sản xuất được trong những gói thầu đấu thầu quốc tế do chính chúng ta tổ chức còn quá mờ nhạt, kể cả những hạng mục phụ. Điều này cho thấy, sức cạnh tranh của các nhà thầu trong lĩnh vực CNHT gần như chưa có. Yêu cầu DN FDI mua sản phẩm trong nước với một tỷ lệ nhất định  không phải là cách làm mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần rất nhiều yếu tố, mà then chốt chính là năng lực tự thân của mỗi DN”, vị đại diện Hiệp hội DN TP.HCM nhận xét.
Coi trọng hàng Việt trong đấu thầu
Theo Sở Công Thương TP.HCM, từ thực tế hiện nay, cần tạo thêm thị trường cho DN cơ khí chế tạo có đầu tư vào máy móc, thiết bị chất lượng cao từ các dự án sử dụng ngân sách bằng cách: “Khi đánh giá HSDT cần chấm điểm ưu tiên cho HSDT có sử dụng hàng hóa trong nước đã sản xuất được, hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, hoặc HSMT có điều khoản yêu cầu sử dụng một tỷ lệ nhất định hàng hóa trong nước sản xuất được. Ví dụ như khi TP.HCM mời thầu làm hệ thống Metro cho Thành phố, HSMT nên có yêu cầu nhà thầu phải sử dụng một tỷ lệ nhất định sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước đã sản xuất được, vì một số DN cơ khí trong nước có đầu tư thiết bị công nghệ cao có thể tham gia chế tạo các sản phẩm hỗ trợ này. Đồng thời, tăng khả năng chế tạo phụ tùng thay thế sau này khi bảo dưỡng với chi phí tốt hơn hàng nhập khẩu”.
IMG
Nhiều mặt hàng công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng, của doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với hàng có xuất xứ từ nước ngoài (Ảnh: LTT)
Đại diện UBND TP.HCM khẳng định, Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số  63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã có quy định về ưu đãi dành cho hàng hóa trong nước đã sản xuất được. Vấn đề đặt ra hiện nay là các đơn vị được giao tổ chức đấu thầu vận dụng những ưu đãi này có phù hợp hay không? 
Một số DN hoạt động trong lĩnh vực như cơ khí hàng hải, viễn thông, công nghệ thông tin đã tham gia đấu thầu nhiều dự án, gói thầu tại nước ngoài chia sẻ thêm: Trong quá trình tham gia đấu thầu tại một số quốc gia như Philippines, Myanmar, Indonesia…, các quốc gia này rất chú trọng việc ưu tiên hàng hóa nội địa trong đấu thầu. “Chính sách ưu đãi, ưu tiên này thể hiện trong Luật Đấu thầu của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thông lệ chung của nhiều quốc gia. Vậy tại sao ở các nước, CNHT của họ thực sự phát triển, tính từ góc độ các gói thầu ưu tiên hàng hóa trong nước sản xuất được? Điều này phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan được giao tổ chức đấu thầu có thực sự muốn phát triển ngành CNHT hay không, khi chúng ta đã có một hệ thống chính sách đấu thầu hoàn thiện”, đại diện một DN phát biểu.
Một số DN cơ khí lớn của TP.HCM như Samco, Hữu Toàn, Thái Dương đều có chung nhận định: Đã biết rõ những quy định của Luật Đấu thầu dành nhiều ưu tiên cho hàng hóa trong nước, cũng như DN Việt Nam trong các dự án được tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, tâm lý sính ngoại, thích sử dụng hàng ngoại còn tồn tại nhiều. Có thể khẳng định, đến nay, bằng nhiều nỗ lực, nhiều mặt hàng công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng của DN Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng tốt các tiêu chí đặt ra, cạnh tranh được với hàng có xuất xứ từ nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ vì tâm lý của một số đại diện các chủ đầu tư mà hàng hóa trong nước vẫn bị loại khỏi các cuộc đấu thầu. 
Thành ủy TP.HCM cho biết, sẽ chỉ đạo UBND Thành phố nhanh chóng xây dựng chương trình kích cầu thông qua đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng theo hướng cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi quy trình để hỗ trợ tối đa, tốt nhất cho DN, quyết liệt thực hiện “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để nhà thầu Việt không còn cảnh thua trên sân nhà. 
V.Huyền

Nguồn: Báo Đấu thầu