Bổ sung loại hình hợp đồng trong đầu tư theo hình thức PPP

03/03/2015

BOT và BTO là hai loại hình hợp đồng khá quen thuộc, đã được áp dụng trong nhiều dự án tại Việt Nam (Ảnh: Lê Tiên)

Từ những năm thuộc thập niên 90 của thế kỷ trước, BOT là loại hình hợp đồng PPP đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng theo Nghị định số 87/CP năm 1993 đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và theo Nghị định số 77/CP năm 1997 đối với đầu tư trong nước. Tiếp theo đó, các loại hình hợp đồng PPP như BTO và BT lần đầu tiên áp dụng được bổ sung tại Nghị định số 62/1998/NĐ-CP (chỉ áp dụng cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) và tiếp tục được hoàn thiện tại Nghị định số 78/2007/NĐ-CP và Nghị định số 108/2009/NĐ-CP. Năm 2010, với quyết tâm thúc đẩy Chương trình PPP, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; tuy nhiên, tại văn bản này không quy định rõ hình thức hợp đồng cụ thể.

Trước yêu cầu thực tiễn ngày càng đa dạng, bên cạnh 3 hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT nêu trên, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức PPP đã mở rộng các loại hình hợp đồng như: Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO), Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL), Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT), Kinh doanh - Quản lý (O&M).

Hợp đồng BOT và BTO là hai loại hình hợp đồng khá quen thuộc đã được quy định tại các văn bản pháp luật từ trước đến nay. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP đã tạo bước đột phá lớn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi xóa bỏ mức trần vốn nhà nước tham gia vào thực hiện dự án PPP trong giai đoạn xây dựng (mức này là 49% tổng vốn đầu tư của dự án theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và 30% tổng mức đầu tư của dự án theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg). Đi kèm với đó là các quy định chặt chẽ về điều kiện sử dụng phần vốn đầu tư công của Nhà nước tham gia thực hiện dự án nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng cũng như ưu tiên cho các dự án có tính khả thi cao do Nhà nước lập đề xuất dự án. 

Đối với loại hình hợp đồng BT, khắc phục các hạn chế trong thực tiễn triển khai thời gian qua, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP chỉ quy định  là “nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án” thay vì quy định trước đây  là “Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT”. Việc thanh toán bằng quỹ đất cũng cần được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai. 

IMG

Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã bổ sung khá đầy đủ các loại hình hợp đồng theo nhu cầu thực tiễn (Ảnh: Tất Tiên)

Tiếp thu các thực tiễn quốc tế tốt về PPP, Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định số 15/2015/NĐ-CP cũng bổ sung hai loại hình hợp đồng mới là BTL và BLT. Điểm chung của hai loại hình hợp đồng này đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư. 

Hai loại hình hợp đồng BTL và BLT thường được sử dụng cho các dự án an sinh xã hội (như dự án môi trường, giáo dục, bệnh viện...) _ những dự án mà nguồn thu từ người sử dụng không đủ bù đắp chi phí và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư hoặc các dự án mà việc tiến hành thu phí trực tiếp từ người sử dụng có thể gặp khó khăn do một số nguyên nhân. Hai loại hình hợp đồng này không chỉ giúp tận dụng được nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý của khu vực tư mà còn đảm bảo chất lượng dịch vụ do nguồn thu của các dự án BLT, BTL là từ khoản chi trả của Nhà nước.  

Bên cạnh các loại hình hợp đồng nêu trên, hợp đồng BOO, O&M đã được áp dụng khá thành công tại nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đây  của Việt Nam (hoặc không nêu cụ thể tại Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg). Sự hạn chế này đã được khắc phục bởi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP. 

Với các phân tích nêu trên, có thể thấy Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP vừa được Chính phủ ban hành đã bổ sung khá đầy đủ các loại hình hợp đồng theo nhu cầu thực tiễn, đồng thời tiệm cận hơn với các yêu cầu và thông lệ quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta hy vọng Việt Nam sẽ mở rộng hơn cánh cửa thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức PPP từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Phương Quế

Nguồn: Báo Đấu thầu