Nhận diện các hành vi vi phạm trong đấu thầu

13/03/2015

Gian lận trong hồ sơ dự thầu là một hành vi vi phạm khá phổ biến trong hoạt động đấu thầu (Ảnh: Lê Tiên)

Công khai, minh bạch hóa quá trình đấu thầu, tăng cường trách nhiệm giải trình và chế tài xử phạt là biện pháp hiệu quả ngăn chặn các hành vi vi phạm trong đấu thầu. Theo các chuyên gia, chỉ khi hoạt động đấu thầu được tổ chức một cách công khai, minh bạch thì đồng vốn ngân sách mới được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả.

Một phòng còn hơn mười chữa
Đề cập về chống gian lận, tham nhũng trong một tham luận tại Hội nghị cấp cao với chủ đề: “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam” diễn ra gần đây tại Hà Nội, ông Anders Agerskov, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra 10 điểm dễ xảy ra gian lận, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, bao gồm: can thiệp chính trị; những hạng mục không cần thiết; tiêu chuẩn kỹ thuật thiên lệch; gian lận trong hồ sơ dự thầu (HSDT); thông đồng; công ty vỏ bọc; chỉ đạo thầu; xung đột về lợi ích; công việc kém chất lượng; yêu cầu thanh toán giả. Ông Anders Agerskov cho rằng, việc nhìn nhận, đánh giá đúng những điểm yếu này là bước đầu tiên để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả và loại bỏ gian lận, tham nhũng trong đấu thầu. 
Chia sẻ về nguy cơ can thiệp chính trị trong hoạt động đấu thầu tại các dự án đầu tư, ông Anders Agerskov cho biết: “Hành vi này được thể hiện dưới hình thức sử dụng ảnh hưởng chính trị để có được lợi ích cho bản thân hoặc người khác một cách không chính đáng. Trên thực tế, hành vi này có thể được thực hiện một cách đơn giản bởi một cuộc điện thoại gây áp lực với Ban xét thầu (Tổ chuyên gia chấm thầu) để trao hợp đồng cho một nhà thầu được ưu ái hay tìm cách dừng điều tra những hành vi tham nhũng…
Chuyên gia Anders Agerskov cũng cho rằng, cần phải phòng ngừa hành vi gian lận trong HSDT thông qua việc nhà thầu trình bày sai năng lực tài chính hoặc năng lực kỹ thuật để đạt tiêu chí hợp lệ. Theo ông Anders Agerskov, đây là hành vi gian lận thường thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới khi trong một số HSDT, nhà thầu cố ý thổi phồng năng lực, phóng đại doanh thu, xuyên tạc báo cáo tài chính đã qua kiểm toán, thậm chí giả mạo cả bảo đảm dự thầu (nhằm mục đích tiết kiệm chi phí bao lãnh)…
Nhắc tới việc phòng ngừa hành vi thông đồng trong đấu thầu, ông Anders Agerskov khẳng định: “Thông thầu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật bị nhiều người lên án, xã hội phê phán”. Trên thực tế, hành vi thông thầu phổ biến là các nhà thầu móc ngoặc với nhau trong quá trình nộp HSDT và định rõ ai sẽ là nhà thầu thắng thầu, ai sẽ thua nhằm chia sẻ lợi ích kinh tế. Thông thường, hành vi thông thầu được thực hiện theo hình thức nhà thầu lần lượt trúng thầu (quay vòng), hay nhà thầu không trúng thầu làm thầu phụ hoặc nhận 1 - 2% giá trị hợp đồng; các nhà thầu phân chia thị phần…
“Đó là một trong những hành vi phá hoại nghiêm trọng tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu”, chuyên gia Anders Agerskov nhấn mạnh.
IMG
Để ngăn ngừa gian lận, tham nhũng tại các dự án đầu tư, cần tăng cường tính công khai tại tất cả các giai đoạn triển khai dự án (Ảnh: Nhã Chi)
Ngăn ngừa hiệu quả
Từ những “mánh khóe” có thể dẫn tới hành vi gian lận, tham nhũng tại các dự án đầu tư, mà điển hình là gian lận, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khuyến cáo, cần phải minh bạch hóa quá trình đấu thầu, tăng cường trách nhiệm giải trình, cũng như chế tài xử phạt nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trong đấu thầu.
Đề cập về việc phải xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu, Tổng thanh tra Philipines Conchita Carpio Morales cho rằng: “Nhiều khi cảnh báo mọi người rằng, tham nhũng sẽ bị pháp luật trừng trị là chưa đủ. Nhân dân cần phải thấy được rằng những hành vi gian lận, tham nhũng phải thực sự bị trừng trị”. 
Bà Lindsey Marchessault, Bộ phận Hợp đồng công khai, Vụ Quản trị thuộc Ngân hàng Thế giới nêu quan điểm: “Để ngăn ngừa hiệu quả gian lận, tham nhũng tại các dự án đầu tư, cần phải thực hiện Hợp đồng công khai, tức là tăng cường tính công khai và sự tham gia trong hợp đồng công tại tất cả các giai đoạn của quy trình hợp đồng và các loại hợp đồng từ khâu lập kế hoạch, hình thành, trao hợp đồng, triển khai và chấm dứt dự án”.
Đồng quan điểm với đề xuất trên, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Mặc dù chưa hình thành tên gọi chủ đạo “Hợp đồng công khai” như đề xuất, song để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu, những quy định tại Luật Đấu thầu 2013 đã bao hàm nội dung này, từ việc đăng ký thông tin nhà thầu, nhà đầu tư; đăng tải công khai thông tin về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu… giúp công tác đấu thầu ngày càng hiệu quả”.
 T.Hiếu

Nguồn: Báo Đấu thầu