Đấu thầu đến với suất ăn trưa học sinh

16/03/2015

Toàn bộ các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (THCS) tại quận 2 (TP.HCM) đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp suất ăn cho học sinh bán trú theo chỉ đạo của UBND Quận. Trên địa bàn TP.HCM, có thể nói quận 2 là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng đấu thầu cải thiện suất ăn trưa cho mỗi học sinh.

Lần đầu triển khai thấy ngay hiệu quả

Theo UBND quận 2, chủ trương trên xuất phát từ thực trạng của hoạt động dạy bán trú tại các đơn vị trường học trên địa bàn Quận, cũng như quy định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Từ đó, Phó Chủ tịch UBND quận 2 Hứa Ngọc Thảo đã ký văn bản đề nghị các đơn vị trường học thực hiện lựa chọn nhà cung cấp đối với dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, đơn vị vừa lựa chọn được nhà cung cấp suất ăn trong tháng 12/2014 chia sẻ: “Lâu nay, việc chọn nhà cung cấp suất ăn cho học sinh của Trường thường qua các mối quan hệ quen biết, tự nhà trường tìm hiểu. Nay UBND Quận bắt buộc phải đấu thầu, ban đầu thực sự Nhà trường rất lúng túng, vì chưa thực hiện đấu thầu bao giờ. Tuy nhiên, qua tham khảo các quy định về đấu thầu, chúng tôi nhận thấy đây là hình thức rất hay và hiệu quả để có thể tìm được nhà cung cấp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của suất ăn trưa cho học sinh như: an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng của suất ăn và thực đơn phong phú. Việc thông tin Nhà trường mời thầu được công khai trên báo cũng giúp nhiều đơn vị biết và tìm đến tham gia đấu thầu. Đây là một cơ hội tốt để suất ăn trưa học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi được cải thiện hơn so với trước”.

Đại diện Trường THCS Bình An cho rằng, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp suất ăn thực sự tạo ra sự cạnh tranh minh bạch giữa các nhà cung cấp. “Lâu nay các trường vẫn khá bị động trong công tác này, chưa có nhiều lựa chọn để tìm ra nhà cung cấp tốt nhất so sánh trên cùng mặt bằng chi phí. Tuy nhiên, từ việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp suất ăn cho học sinh, cán bộ phụ trách cũng như Nhà trường đã có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn các quy định về đấu thầu, hiểu kỹ hơn về quyền của một đơn vị tổ chức đấu thầu nhằm tìm ra nhà cung cấp có năng lực nhất”. 

Đối với việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp suất ăn cho học sinh ở các cấp mầm non, tiểu  học và THCS, UBND quận 2 cũng có những hướng dẫn cụ thể để các trường tổ chức lựa chọn nhà cung cấp suất ăn một cách thuận lợi. Theo đó, các đơn vị tổ chức đấu thầu chịu trách nhiệm đánh giá HSDT đối với lựa chọn nhà cung cấp suất ăn công nghiệp phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong HSMT để bảo đảm lựa chọn được nhà cung cấp có đủ năng lực, kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện cung cấp dịch vụ. Việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp suất ăn căn cứ vào dự kiến số lượng học sinh tham gia suất ăn bán trú, yêu cầu chất lượng suất ăn, thời gian đặt, giao suất ăn cụ thể và hình thức tổ chức suất ăn.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 2 cho biết thêm, việc đánh giá chi tiết HSDT sẽ tập trung vào các nội dung như kinh nghiệm, năng lực, khả năng tài chính, cơ sở vật chất, số lượng lao động, trình độ chuyên môn của các nhà cung cấp.

Bữa ăn của học sinh ngày càng được nâng cao

Thầy Trần Văn Tình, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Định cho biết: “Nhà cung cấp suất ăn trưa cho chúng tôi trước đây là Công ty Vissan, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực thực phẩm của TP.HCM. Về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm thì yên tâm, nhưng do đơn vị chế biến từ bên ngoài rồi đưa vào Trường nên không đảm bảo khẩu vị của học sinh. Nay với quy định được đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp suất ăn, chúng tôi có nhiều lựa chọn, nhiều phương án hơn và hoàn toàn có quyền từ chối những đơn vị không đảm bảo yêu cầu của Nhà trường và học sinh”.

Tại Trường THCS Nguyễn Thị Định, dẫn phóng viên thăm khu căn tin trong giờ ăn trưa ngày 15/1/2015, thầy Trần Văn Tình cho biết thêm: “Nhà cung cấp suất ăn của Trường phải đảm bảo những tiêu chí đặt ra trong HSMT. Bên cạnh đó, đối với học sinh, chúng tôi quan tâm nhất đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng suất ăn cũng như sự đa dạng của thực đơn. Nhà cung cấp sẽ phải bố trí đủ nhân lực để phục vụ cho bữa ăn trưa của học sinh. Thực đơn phải được công khai hàng tuần để chúng tôi đối chiếu. Tại Trường THCS Nguyễn Thị Định, suất ăn của 1 học sinh là 30.000 đồng/ngày, bao gồm: 1 bữa chính + trái cây tráng miệng + bữa xế. HSDT của các nhà thầu phải tính toán làm sao với chi phí như vậy mà đưa ra được phương án bảo đảm các yếu tố nêu trên thì mới thắng thầu. Khi chấm các HSDT, Nhà trường đã cử đại diện học sinh, đại diện hội phụ huynh và đích thân Ban giám hiệu trực tiếp đánh giá chất lượng suất ăn trong 1 tuần đầu tiên. Khi chúng tôi nhận được những phản hồi tốt mới quyết định chọn lựa nhà thầu nào là đơn vị cung cấp. Bên cạnh đó, toàn bộ cơ sở vật chất của nhà bếp là do nhà cung cấp tự trang bị nên sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều cho Nhà trường cũng như học sinh. Nhà thầu phải cam kết bếp trưởng đủ chứng chỉ hành nghề và bữa ăn phù hợp với học sinh. Nhà trường có quyền yêu cầu đổi bếp trưởng nếu ghi nhận những phản ánh của học sinh về chất lượng suất ăn”. Theo quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu, gần như các em học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Định đều nhanh chóng ăn hết suất, kể cả phần tráng miệng. Các em đều cho rằng, bữa trưa tại trường đã có nhiều món mới, tươi ngon từ khi Nhà trường chọn được nhà cung cấp mới.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu 2013 đã được mở rộng hơn trước rất nhiều. Do đó, ngày càng nhiều hoạt động chi tiêu, mua sắm tại các địa phương bắt buộc phải áp dụng đấu thầu rộng rãi. Việc đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp suất ăn công nghiệp cho học sinh bán trú tại quận 2 (TP.HCM) được các trường đánh giá là cách làm tốt nhất để góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng suất ăn, cải thiện thể chất cho học sinh để giúp các em hoàn thành việc học tập, rèn luyện của mình.

Bài và ảnh: V.Huyền

Nguồn: Báo Đấu thầu