Để tăng cường năng lực cho đội ngũ đào tạo về đấu thầu

02/04/2015

Trong khoảng 10 năm tới, Việt Nam sẽ phối hợp Ngân hàng Thế giới tăng cường đào tạo cũng như nâng cao chất lượng đào tạo về đấu thầu để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn (Ảnh: Lê Tiên)

Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ đào tạo về đấu thầu là vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi tại Hội thảo phổ biến Chương trình đào tạo về đấu thầu diễn ra ngày 31/3 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT Lê Văn Tăng cho biết, Luật Đấu thầu 2013 được các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Luật Đấu thầu 2013 cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước và quốc tế. Chúng ta có một khung pháp lý tốt về đấu thầu (2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2013 đã được ban hành), nhưng để có thể đưa Luật Đấu thầu 2013 đi vào cuộc sống thì những con người thực thi pháp luật về đấu thầu phải thực sự có năng lực chuyên môn về đấu thầu. Vì vậy, trong khoảng 10 năm tới, Việt Nam sẽ phối hợp WB tăng cường đào tạo cũng như nâng cao chất lượng đào tạo về đấu thầu để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. 

“Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu rộng vào sân chơi quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, trong đó quy định bắt buộc phải tuân thủ các điều khoản của Chương mua sắm chính phủ thì nhu cầu đào tạo về đấu thầu, mua sắm chính phủ là rất lớn và hết sức cần thiết cho xã hội, đòi hỏi chất lượng của nguồn nhân lực làm công tác đấu thầu phải được cải thiện và nâng lên rõ rệt, kịp thời nắm bắt và vận dụng nhiều quy định mới của pháp luật về đấu thầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hội thảo là dịp để những người làm công tác đào tạo về đấu thầu trên cả nước trao đổi và góp ý hoàn thiện Chương trình đào tạo về đấu thầu để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này” – Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng phát biểu. 

Theo bà Đinh Đào Ánh Thủy – Trưởng bộ môn Kinh tế đầu tư, Khoa Đầu tư thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, hoạt động đào tạo về đấu thầu thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định như: bước đầu phổ biến rộng rãi quy định về đấu thầu; bồi dưỡng kiến thức cơ bản về đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp cho cán bộ làm công tác đấu thầu, chất lượng thực hiện các cuộc đấu thầu được nâng cao. Tuy nhiên, công tác đào tạo về đấu thầu thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: chất lượng giảng viên, chất lượng học viên sau đào tạo chưa cao. Nguyên nhân là do chất lượng các cơ sở đào tạo đấu thầu chưa tốt, chương trình, giáo trình chưa phù hợp; kinh phí, thời gian cho việc học còn chưa hợp lý. 

Hiện nay, chương trình đào tạo về đấu thầu gồm có: chương trình đào tạo cơ bản, chương trình đào tạo nâng cao và các khóa học chuyên đề. Chương trình đào tạo cơ bản là quy định bắt buộc đối với cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động đấu thầu, trừ nhà thầu. Còn chương trình nâng cao và các khóa học chuyên đề là không bắt buộc. 

IMG

Hiện nay, chương trình đào tạo về đấu thầu gồm có: chương trình đào tạo cơ bản, chương trình đào tạo nâng cao và các khóa học chuyên đề (Ảnh: Nhã Chi)

Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu phải có Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu. Còn cá nhân lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thuộc đơn vị tư vấn, Ban quản lý dự án chuyên nghiệp và giảng viên về đấu thầu bắt buộc phải có Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. 

Thông tin chi tiết về các khóa đào tạo đấu thầu, bà Đinh Đào Ánh Thủy cho biết, có 2 loại khóa đào tạo cơ bản là đào tạo cơ bản trong lựa chọn nhà thầu và đào tạo cơ bản trong lựa chọn nhà đầu tư. Đối với đào tạo đấu thầu nâng cao thì có khoảng 10 chuyên đề đào tạo riêng, phục vụ nhu cầu thực tiễn của các đối tượng học viên. Mục tiêu của khóa đào tạo đấu thầu cơ bản là trang bị kiến thức tổng quan, cơ bản về đấu thầu cho chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia, tổ chức thẩm định, đơn vị giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu…; còn khóa đào tạo đấu thầu nâng cao là nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu, kỹ năng, kinh nghiệm trong từng lĩnh vực (phi tư vấn, dịch vụ tư vấn, hàng hóa, xây lắp, EPC, nhà đầu tư), trong từng chuyên ngành (lập, đánh giá, thẩm định, hợp đồng…). “Các khóa đào tạo chuyên sâu thường thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của các học viên, tránh được hiện tượng hình thức trong việc đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, bám sát vào nhu cầu học thực sự của các học viên” – Bà Đinh Đào Ánh Thủy nhận định.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Trưởng phòng Chính sách đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu đã trình bày sơ lược và xin ý kiến của các đại biểu đối với dự thảo Thông tư quy định chi tiết đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu (thay thế Thông tư số 10/2010/TT-BKH ngày 13/5/2010 của Bộ KH&ĐT quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu). Theo đó, những nội dung mà Bộ KH&ĐT xin ý kiến đóng góp để sớm hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định chi tiết đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu là Chương trình khung đào tạo về đấu thầu, thời gian đào tạo, thi sát hạch và cấp chứng chỉ, chứng nhận về đấu thầu… Những nội dung này đã được nhiều đại biểu tham dự Hội thảo tập trung góp ý, bàn thảo sôi nổi, đa chiều và có tính phản biện để Bộ KH&ĐT sớm hoàn thiện Thông tư.

Kết thúc Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng đánh giá rất cao các ý kiến góp ý của các đại biểu và khẳng định sẽ tiếp thu một cách hợp lý các ý kiến đóng góp hữu ích để dự thảo Thông tư quy định chi tiết đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu sau khi được ban hành sẽ có tính khả thi cao, chất lượng tốt và đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Bích Thảo

Nguồn: Báo Đấu thầu