Thí điểm đấu thầu qua mạng giai đoạn 2009 - 2011: Đã “đi tắt” và đang “đón đầu”

24/02/2012

        Công nghệ đã được triển khai thành công tại các nước có hệ thống đấu thầu qua mạng phát triển được đưa vào thử nghiệm, chuyển giao, tiếp thu công nghệ, làm cho phù hợp với điều kiện Việt Nam và từ đó phát triển, hoàn thiện thêm.

        Đó là lựa chọn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khi xác định triển khai thí điểm đấu thầu qua mạng (ĐTQM) trong giai đoạn này theo hướng “đi tắt, đón đầu”.

Đi tắt trong chuyển giao - tiếp thu

        Tháng 9/2009, trên cơ sở Luật Đấu thầu, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp định được ký giữa KH&ĐT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Quyết định số 94/QĐ-BKH ngày 14/1/2009, Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) đã phối hợp cùng các chuyên gia Hàn Quốc và đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai xây dựng Hệ thống đấu thầu qua mạng và đưa vào thí điểm tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn. Hệ thống gồm: Cổng thông tin điện tử, Trung tâm dữ liệu, Hệ thống chứng thực chữ ký số người dùng, Phần mềm đấu thầu qua mạng và hệ thống quản lý người dùng. Trong quá trình này, Cục QLĐT đã tiến hành khảo sát và tính toán các phương án để có thể tích hợp Hệ thống ĐTQM với hệ thống của các cơ quan khác như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê…

        Ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục QLĐT đánh giá: Hệ thống được thiết kế hoàn toàn phù hợp với chủ trương phân cấp về đấu thầu. Bộ KH&ĐT chỉ giữ vai trò quản lý Hệ thống và quản lý tập trung thông tin, kiểm soát chặt chẽ về mặt pháp lý mà không can thiệp vào hoạt động đấu thầu trong nội bộ của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức cá nhân tham gia vào Hệ thống này.

Xây dựng khung pháp lý cho phù hợp

        Cùng với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Hệ thống, giai đoạn thí điểm cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng khung pháp lý đáp ứng được cơ bản mục tiêu và nhiệm vụ đề ra.

        Căn cứ Luật Đấu thầu, kết quả nghiên cứu pháp luật đấu thầu và ĐTQM của các nước và tổ chức quốc tế, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương dự thảo Thông tư hướng dẫn thí điểm ĐTQM. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã ký ban hành Thông tư 17/2010/TT-BKH (Thông tư 17) ngày 22/7/2010 Hướng dẫn chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng. Thông tư được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý cho công tác thí điểm đấu thầu qua mạng. Bên cạnh đó, ngày 1/12/2010, Bộ KH&ĐT đã ban hành văn bản 8606/BKHĐT-QLĐT để hướng dẫn đăng tải thông tin trên Hệ thống đấu thầu qua mạng và Báo Đấu thầu.

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết: Chúng ta đã triển khai đấu thầu từ năm 2009, đã triển khai đào tạo, tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức và hoàn thành việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới công tác này vào cuối năm 2010. Như vậy, Dự án thí điểm ĐTQM mới chỉ thực hiện thực sự quyết liệt trong năm 2011 này. Thực tế trên cho thấy, hợp thức hoá ĐTQM bằng các văn bản pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng góp nên thành công của thí điểm ĐTQM.

Chỉ thực sự bắt đầu khi có Thông tư 17

        Tại Việt Nam, tổ chức thí điểm ĐTQM là khâu quyết định của giai đoạn thí điểm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan vận hành và tham gia thực hiện thí điểm. Do những e ngại ban đầu về hạ tầng kỹ thuật của Hệ thống, cũng như chưa có quy định pháp lý chính thức cho công tác ĐTQM, nên các đơn vị tham gia thí điểm còn khá ngần ngại trong việc lựa chọn gói thầu để thực hiện thí điểm. Thời gian này, Cục QLĐT đã mạnh dạn triển khai thực hiện chào hàng cạnh tranh qua mạng đối với 1 gói thầu mua sắm hàng hoá.

        Kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm thực tế, cùng với việc ban hành Thông tư 17 đã tạo niềm tin để 3 đơn vị là: UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), EVN quyết tâm thực hiện thực hiện thí điểm 11 gói thầu/mỗi đơn vị.

Tính đến thời điểm 12/2011, ĐTQM đã triển khai thành công gần 60 gói thầu, cụ thể: UBND TP. Hà Nội (6 gói thầu); VNPT (16 gói thầu); EVN (17 gói thầu); Cục QLĐT (4 gói thầu); Viện Dầu khí Việt Nam (8 gói thầu); UBND tỉnh Bắc Ninh (2 gói thầu).

        Ngoài ra, Hệ thống đã đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật để tiếp nhận việc thực hiện đăng tải thông tin về KHĐT, TBMT với sự đăng ký của hơn 160 bên mời thầu và hơn 400 nhà thầu tham gia.

Khắc phục khó khăn, tồn tại

        Trong thời gian đầu thực hiện thí điểm, ĐTQM đã bộc lộ những hạn chế như: trình độ công nghệ thông tin và hạ tầng công nghệ của các bên tham gia chưa đồng đều; sự phức tạp trong công nghệ hạ tầng khoá công khai đòi hỏi nhu cầu hỗ trợ, đào tạo và hướng dẫn, cũng như một đội ngũ đủ lớn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi mở rộng phạm vi áp dụng.

        Sự chưa đồng bộ của hệ thống Chính phủ điện tử tại Việt Nam dẫn đến khả năng kết nối dữ liệu dùng chung còn hạn chế; chưa có đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng nào được triển khai; thiếu sự phối hợp của Chủ đầu tư, Bên mời thầu trong việc cung cấp danh sách các nhà thầu thường tham gia các gói thầu của đơn vị mở thầu… là những khó khăn được đặt ra cho ĐTQM cần giải quyết.

        Do đó, trong định hướng mới, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài giai đoạn thí điểm, mở rộng thêm nhiều đơn vị, đồng thời với việc triển khai Giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện một số chức năng của Hệ thống. Ngoài ra, việc hoàn thiện Thông tư 17, cũng như tăng cường hiệu lực pháp lý bằng văn bản của công tác ĐTQM sẽ giúp quá trình thực hiện thí điểm ĐTQM mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

        Ở giai đoạn kết thúc thí điểm, những cán bộ có kinh nghiệm của KOICA sẽ có những nghiên cứu, tìm hiểu để đưa ra những nhận xét, đánh giá khách quan về quá trình triển khai thí điểm của Việt Nam thời gian qua. Trên cơ sở báo cáo đánh giá này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ có quyết định đầu tư, phối hợp cụ thể trong giai đoạn tiếp theo của Dự án.

Trần Tuyết  

 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương:

Việc xây dựng hệ thống đấu thầu qua mạng và quyết liệt triển khai thí điểm đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc ứng dụng Công nghệ thông tin, internet vào hoạt động đấu thầu nhằm công khai hoá, minh bạch hoá chi tiêu công sử dụng vốn Nhà nước, thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng trong mua sắm công nói riêng và tại Việt Nam nói chung.

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng:

Khi bắt tay vào triển khai thực tế, ĐTQM đã bộc lộ những khiếm khuyết trong Hệ thống, vận hành và triển khai. Điều này đã đặt lên vai những người quản lý Hệ thống yêu cầu phải sớm hoàn thiện, khắc phục những tồn tại này, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền những văn bản pháp luật làm tăng tính pháp lý của ĐTQM để công tác này được triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Phó Đại diện thường trú KOICA Park Heung Sik:

 Khi đưa Hệ thống đấu thầu điện tử vào triển khai, chúng tôi cũng vấp phải rất nhiều sự phản đối, nhiều khó khăn tương tự như các bạn. Nhiều ý kiến không ủng hộ, hợp tác do tâm lý ngại tiếp xúc với sự thay đổi mới mẻ. Tuy nhiên, đấu thầu điện tử đã dần được chấp nhận, thích ứng và giờ đã phát triển khá mạnh mẽ ở Hàn Quốc.