Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm Đấu thầu qua mạng

03/01/2012

    Sáng ngày 29/12/2011, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm Đấu thầu qua mạng (2009-2011) và đề xuất thực hiện đấu thầu qua mạng giai đoạn tiếp theo. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, đại diện của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), cùng các lãnh đạo Bộ, ngành và các phóng viên thông tấn báo chí.

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự trợ giúp của Chính phủ Hàn Quốc mà đại diện là KOICA, đã tiến hành xây dựng Hệ thống đấu thầu điện tử thử nghiệm tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn dựa trên Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử của Hàn Quốc và được tối ưu hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực hướng dẫn thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng tại Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan nhà nước có nhu cầu.
    Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc triển khai hệ thống đấu thầu qua mạng đã có thành công bước đầu. Tuy nhiên, khả năng kết nối dữ liệu dùng chung giữa các hệ thống chính phủ điện tử còn hạn chế, khiến một số chức năng như kiểm tra thông tin đăng ký, thanh toán qua mạng... chưa thể thực hiện trực tuyến mà vẫn phải làm theo cách truyền thống.
Thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Điều 30 của Luật Đấu thầu, Nghị định 85/2009/NĐ-CP và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử các giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015, Chương trình Quốc gia về ứng dụng Công nghệ thông tin giai đoạn 2011-2015, hệ thống đấu thầu điện tử được tiến hành theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (2009-2011): Xây dựng hệ thống đấu thầu điện tử bằng cách đưa công nghệ đã triển khai thành công tại các nước có hệ thống đấu thầu qua mạng phát triển vào thử nghiệm, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiếp thu chuyển giao công nghệ và từ đó phát triển hoàn thiện thêm. Mục tiêu cho giai đoạn này là: Hạ tầng kỹ thuật của Hệ thống đấu thầu qua mạng; Xây dựng khung pháp lý thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng; tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo, tổ chức vận hành và thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng.
- Giai đoạn 2 (2010-2015): Mở rộng hệ thống đã xây dựng, hoàn thiện bổ sung các chức năng hệ thống đã phát triển, gồm: mua sắm điện tử, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử và từng bước áp dụng với các đơn vị có chức năng mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước.

    Hiện nay, đấu thầu qua mạng đã trở thành xu thế tất yếu của nhiều quốc gia. Theo báo cáo của các nước đã triển khai, đấu thầu qua mạng có thể giúp tiết kiệm chi phí từ 3% đến 20% giá trị đấu thầu mua sắm, trung bình là 10%. Tại Việt Nam, tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hàng năm khoảng 20% GDP (tương đương hơn 20 tỷ USD). Nếu triển khai đấu thầu qua mạng cho 100% các gói thầu thì có thể tiết kiệm hàng tỷ USD cho ngân sách nhà nước.
    Đặc biệt, đấu thầu qua mạng làm tăng tính công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động đấu thầu, thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng của Chính phủ, tạo sự tin cậy với các nhà tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, khi triển khai ở Việt Nam, trình độ công nghệ thông tin và hạ tầng công nghệ của các bên tham gia chưa đồng đều, cộng với sự phức tạp của công nghệ hạ tầng khóa công khaiđã nảy sinh nhu cầu đào tạo, hỗ trợ rất lớn từ phía các doanh nghiệp, nhà thầu. Tính tới thời điểm cuối năm 2011, 3 cơ quan thí điểm và các đơn vị khác trong cả nước đã thực hiện thành công 55 gói thầu điện tử, 700 kế hoạch đấu thầu và hơn 20.000 thông báo mời thầu. Trong đó, toàn bộ các hoạt động như đăng tải thông báo mời thầu, kế hoạch đấu thầu, mở thầu, thông báo kết quả đánh giá… đều được thực hiện trên Hệ thống. Hiện nay, số lượng người dùng đăng ký sử dụng Hệ thống đã lên tới hơn 1.600 bên mời thầu và hơn 400 nhà thầu. Dự kiến trong năm tới sẽ mở rộng đối tượng thí điểm tại Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... Đến năm 2015, tất cả các cơ quan hành chính công sẽ áp dụng hệ thống đấu thầu điện tử duy nhất cho toàn bộ hoạt động mua sắm công.
    Đại diện KOICA tại Việt Nam đánh giá đấu thầu điện tử là một sự thay đổi lớn từ công tác đấu thầu truyền thống sang hình thức trực tuyến nên cần phải có thời gian thích nghi, KOICA cũng từng gặp khó khăn khi áp dụng hình thức đấu thầu mới này.
    Nhận thức được tầm quan trọng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tiến hành mở rộng đối tượng tham gia đấu thầu qua mạng, tăng cường tính công khai minh bạch thông tin trong hoạt động đấu thầu, thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng của Nhà nước Việt Nam. Đó cũng là một phần cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ trên thế giới./.

Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư