Công khai quá trình tổ chức đấu thầu bảo trì đường bộ

16/04/2015

Trong thời gian qua, việc giao kế hoạch và triển khai thi công bảo trì đường bộ nói chung còn chậm, nên hiệu quả duy tu, sửa chữa đường chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu (Ảnh: Lê Tiên)

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng tại Cuộc họp thường kỳ của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương quý I/2015 diễn ra ngày 14/4 tại Hà Nội.  

Tại Cuộc họp, Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương Lê Hoàng Minh cho biết, trên cơ sở xem xét nguồn thu trong năm 2014, Hội đồng quản lý Quỹ đã có các quyết định giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam và Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương thực hiện nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ từ phương tiện ô tô năm 2015 là  4.838,383 tỷ đồng (trong đó, số thu phí qua các Trung tâm Đăng kiểm ô tô là 4.812,189 tỷ đồng và số thu phí đối với xe ô tô của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là 26,194 tỷ đồng). 

Từ đầu năm đến hết ngày 31/3/2015, các phương tiện đi nộp phí qua 118 trạm đăng kiểm trên cả nước đạt 1.239,208 tỷ đồng/4.718 tỷ đồng (đạt 26,27% so với kế hoạch thu cả năm 2015) và bằng 100,54% so với cùng kỳ năm 2014. Tính bình quân số thu 1 ngày tại các trạm đăng kiểm trên địa bàn cả nước là 21,36 tỷ đồng.

Ông Lê Hoàng Minh đánh giá: “Nhìn chung, việc thu nộp phí sử dụng đường bộ đối với ô tô qua các trạm đăng kiểm hiện nay được thực hiện đúng quy định, Quỹ BTĐB Trung ương đã kiểm soát được nguồn thu trên cơ sở thông báo của Kho bạc Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, không bị thất thoát và không bị sử dụng sai mục đích”. 

Tại Cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương đánh giá cao những việc mà tập thể Hội đồng đã làm được trong thời gian qua và yêu cầu Chánh Văn phòng Quỹ cần sớm tổng kết đánh giá 2 năm sau khi Quỹ đi vào hoạt động. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu trong báo cáo tổng kết cần tập trung làm rõ việc từ khi có Quỹ BTĐB, tiến độ và chất lượng nâng cấp đường sá nói chung ra sao, các điểm đen tai nạn đã khắc phục được chưa, đường nào đã được sửa, đường nào chưa, lý do thế nào?

Chỉ đạo cụ thể về nội dung này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, thời gian tới, thủ tục tổ chức đấu thầu công tác bảo trì đường bộ phải đơn giản, được thực hiện công khai, minh bạch. Cần thông tin đầy đủ lên các phương tiện thông tin đại chúng về đường, cầu nào được sửa, đơn vị nào thi công và chất lượng bảo trì như thế nào, thời gian bao lâu. Song song với đó, công tác giải ngân cho việc sửa chữa, bảo trì cũng phải kịp thời, đặc biệt là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để các công trình, dự án được sửa chữa, bảo trì sử dụng nguồn thu từ Quỹ có chất lượng và hiệu quả. 

IMG

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, thủ tục tổ chức đấu thầu bảo trì đường bộ phải đơn giản, được thực hiện công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng  (Ảnh: Hoài Lâm)

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng lưu ý, trong thời gian qua, việc giao kế hoạch, triển khai kế hoạch và việc thi công bảo trì đường bộ nói chung còn chậm nên hiệu quả duy tu, sửa chữa đường chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, trong thời gian tới, ngay từ quý III hàng năm phải hoàn thành dự kiến giao kế hoạch năm sau; Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải báo cáo được tổng số km đường được bảo trì đến thời điểm đó là bao nhiêu và con đường nào cần phải sửa. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải nghiên cứu sửa chữa định kỳ các tuyến đường bộ đi kèm với sửa chữa thường xuyên. “Thời gian qua, ngành giao thông vận tải nói riêng và khoa học công nghệ đã rất phát triển, vì thế phải áp dụng những phương pháp mới, vật liệu mới, trang bị máy móc thiết bị hiện đại để duy tu, nâng cấp, sửa chữa đường sá. Có như thế thì chất lượng bảo trì, duy tu đường bộ mới được đảm bảo”, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu.  

Bích Thảo

Nguồn: Báo Đấu thầu