Giới thiệu về mô hình triển khai chính phủ điện tử tại Hàn Quốc

05/01/2012

        Triển khai mô hình chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu của các quốc gia trong bối cảnh hoạt động quản lý điều hành dựa trên giấy tờ truyền thống của các chính phủ dần tỏ ra không bắt kịp với nhịp độ phát triển xã hội, không tận dụng được ưu thế của công nghệ thông tin, mạng Internet. Chuyển đổi hoạt động hành chính công từ giấy tờ truyền thống sang môi trường trực tuyến sẽ giúp tăng cường năng lực điều hành nhà nước của chính phủ, mang lại thuận lợi cho người dân, tăng cường sự minh bạch, giảm thiểu chi phí và giảm tham nhũng. Hàn Quốc là quốc gia sớm triển khai chính phủ điện tử và đạt được nhiều thành tựu.
        Năm 2010, chính phủ điện tử của Hàn Quốc đã được Liên hợp quốc đánh giá đứng số một thế giới trong tổng số 192 quốc gia thành viên. Trong đó chỉ số “Phát triển chính phủ điện tử” và chỉ số “Tham gia điện tử” đạt điểm cao nhất. Có sự thành công vượt bậc như vậy là do 4 nguyên nhân: ý chí của Lãnh đạo, phát huy nội lực theo phương châm mọi người dân đều có thể tham gia, tinh thần của doanh nghiệp và bước tiến công nghệ nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Hàn Quốc là một thành công điển hình trong xây dựng chính phủ điện tử theo mô hình “từ trên xuống”. Chính phủ giữ vai trò then chốt trong mô hình này, Chính phủ đã thể hiện sự sáng tạo trong phát triển minh bạch và hiệu quả các dịch vụ công và cũng giữ vai trò là “nhà đầu tư” ban đầu, sau đó người dân sẽ đi theo và tự phát triển.
Mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử
        Khi bắt đầu triển khai chính phủ điện tử, mục tiêu của Hàn Quốc là trở thành quốc gia số một thế giới về chính phủ điện tử, hướng tới sự thuận tiện cho người dân, tốn ít công sức và thời gian nhất thông qua tin học hóa các dịch vụ hành chính công. Không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý điều hành, đặc biệt là nỗ lực kiểm soát chi phí thông qua các ứng dụng CNTT mang tính liên ngành, trực tuyến hóa hoạt động hành chính công còn giúp chia sẻ thông tin và cung cấp nhiều hình thức tiếp cận dịch vụ hành chính công khác nhau vượt qua giới hạn về thời gian và địa lý. Để triển khai mục tiêu nêu trên, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban Cải cách Chính phủ (Government Reform Committee) trực thuộc Văn phòng Tổng thống gồm các chuyên gia ngoài Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành để hỗ trợ tin học hóa về các vấn đề hành chính.
Quá trình xây dựng phát triển hệ thống chính phủ điện tử
        Chính phủ điện tử của Hàn Quốc được bắt đầu xây dựng từ năm 1987 đến nay trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (1987 - 2002) xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, mạng lưới internet tốc độ cao và thu thập, xây dựng một hệ thống thông tin quốc gia, tạo cơ sở dữ liệu nền tảng và hình thành thói quen tra cứu thông tin liên quan đến Chính phủ qua mạng, đồng thời tiến hành xây dựng hệ thống pháp luật liên quan; Giai đoạn 2 (2003 - 2007), hoàn thiện quá trình chuyển đổi dữ liệu, ban hành pháp luật để tạo hành lang pháp lý; tích hợp các dịch vụ công tương tác với nhau và tương tác với người dân, hình thành mối quan hệ mật thiết giữa các thành tố: G2C (Chính phủ với người dân), G2B (Chính phủ với doanh nghiệp) và G2G (Chính phủ với các cơ quan của Chính phủ); Giai đoạn 3 (2008 - nay), liên kết các hệ thống thông tin dữ liệu với nhau và lên kế hoạch triển khai Giai đoạn 4 là Smart E-Government (Chính phủ điện tử thông minh), sử dụng các dịch vụ chính phủ điện tử mọi lúc, mọi nơi, dễ dàng tiếp cận thông tin (tích hợp các thiết bị di động thông minh). Trong giai đoạn đầu tiên, dự án chính phủ điện tử triển khai huy động nguồn vốn bằng hình thức PPP (hợp tác công - tư) – lắp đặt sử dụng cơ sở hạ tầng internet tốc độ cao. Giai đoạn 2 xây dựng hệ thống, thực hiện đấu thầu chọn nhà thầu xây dựng hệ thống phần mềm chính phủ điện tử. Giai đoạn 4, Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích sử dụng hình thức PPP.
        Khi xây dựng các thành phần của chính phủ điên tử, Hàn Quốc trước đây cũng đã gặp phải các vấn đề khó khăn như Việt Nam hiện nay. Đó là các đơn vị tự phát triển các kiến trúc cho hệ thống của mình, dẫn đến khó khăn trong việc liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan. Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành pháp luật mới về các kiến trúc được sử dụng đối với các hệ thống của chính phủ điện tử, xây dựng bộ tiêu chuẩn cho các hệ thống của chính phủ điện tử. Các cơ quan xây dựng hệ thống mới phải tuân theo quy định của pháp luật, các cơ quan đã xây dựng các hệ thống thì phải chỉnh sửa cho phù hợp để có thể liên kết và sử dụng các dịch vụ chung. Hàn Quốc đã xây dựng một trung tâm chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ cho hoạt động liên kết và chia sẻ thông tin giữa các hệ thống.
Các dịch vụ công tiêu biểu
        Các dịch vụ công tiêu biểu trong hệ thống chính phủ điện tử Hàn Quốc bao gồm: 1) Hệ thống mua sắm công – KONEPS (www.g2b.go.kr); 2) Hệ thống Hải quan điện tử - UNIPASS (portal.customer.go.kr); 3) Hệ thống thuế điện tử (www.hometax.go.kr); 4) Hệ thống dịch vụ dân sự điện tử - MINWON24 (www.minwon.go.kr); 5) Hệ thống bảo hộ bản quyền điện tử - KIPONET (www.patent.go.kr); 6) Hệ thống nhân dân điện tử - E-people (www.epeople.go.kr); 7) Hệ thống làng xã điện tử - INVIL (www.invil.org); 8) Hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ, quy trình - On-nara (BPS); 9) Hệ thống chia sẻ thông tin hành chính (www.share.go.kr); 10) Hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia (www.ncia.go.kr).
Bảo mật và an toàn thông tin
        Việc bảo mật và an toàn thông tin khi triển khai chính phủ điện tử là vô cùng cần thiết, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các hệ thống bảo mật, an toàn thông tin nhằm hạn chế sự tấn công của tin tặc. Để bảo đảm an toàn thông tin trong Chính phủ, Hàn Quốc đã xây dựng một đường truyền internet hành chính riêng chỉ phục vụ cho các cơ quan chính phủ và một đường truyền internet dân sự riêng dành cho người dân sử dụng. Ngoài ra, Hàn Quốc đã áp dụng mô hình hạ tầng khóa công khai PKI, chữ ký điện tử khi sử dụng dịch vụ chính phủ điện tử nhằm bảo đảm tính xác thực, an toàn, bảo mật thông tin của người sử dụng trên môi trường mạng Internet.
Thành tựu đạt được triển khai chính phủ điện tử
        Đến nay, những thành tựu đạt được của Chính phủ Hàn Quốc khi triển khai chính phủ điện tử gồm: Thứ nhất, nâng cao hiệu quả và minh bạch của công tác hành chính: Việc sử dụng văn bản điện tử đã trở thành tiêu chuẩn, 100% sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp trong công tác quản lý hành chính như quản lý nhân sự, tài chính, mua sắm công. Các cơ quan chính phủ cung cấp các văn bản pháp lý, thủ tục, giấy tờ cũng như quá trình xây dựng chính sách pháp luật công khai trên mạng cho người dân; Thứ hai, cung cấp dịch vụ công hướng đến người dân và doanh nghiệp: người dân có thể ở nhà sử dụng các dịch vụ công trên mạng như các thủ tục dân sự, khai báo thuế (hiện có 5000 dịch vụ công trên mạng) và các hoạt động của doanh nghiệp được hỗ trợ qua hệ thống một cửa trên mạng như thủ tục hải quan, kinh doanh trực tuyến; Thứ ba, tăng cường sự liên kết của người dân với chính sách của chính phủ: Người dân có thể tham gia vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật dễ dàng thông qua hệ thống dịch vụ hành chính công cung cấp các dịch vụ dân sự và nhận các góp ý qua mạng; Thứ tư, tăng cường hiệu quả quản lý thông tin với toàn bộ hệ thống thông tin chính phủ được quản lý bởi trung tâm điện toán dữ liệu quốc gia nhằm bảo mật, bảo đảm toàn vẹn và được khai thác rất hiệu quả nhằm liên kết, chia sẻ thông tin của hệ thống các cơ quan chính phủ.
Bài học Hàn Quốc khi triển khai chính phủ điện tử
        Sự thành công và kinh nghiệm triển khai mô hình chính phủ điện tử tại Hàn Quốc là một bài học rất cần thiết cho Việt Nam trong quá trình nỗ lực xây dựng hệ thống chính phủ điện tử. Những bài học đó gồm: Trước hết cần hoàn thiện pháp luật và kiến trúc tiêu chuẩn hệ thống thông tin quốc gia nhằm chia sẻ thông tin, quản lý chất lượng thông tin thống nhất, trong đó việc xây dựng trung tâm dữ liệu số quốc gia là rất cần thiết; Hoàn thiện cơ chế tài chính đầu tư cho dự án công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy việc triển khai dự án; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chính phủ trong việc triển khai chính phủ điện tử (cải cách hành chính nhà nước); Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về chính phủ điện tử đến các cán bộ chính phủ để hiểu được tầm quan trọng của chính phủ điện tử và sự cần thiết thay đổi ngay từ bên trong nội bộ chính phủ, đồng thời đổi mới nhận thức của tầng lớp lãnh đạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của chính phủ; Đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền về chính phủ điện tử, công nghệ thông tin để người dân hiểu và ủng hộ chính phủ trong công tác triển khai chính phủ điện tử; Xây dựng đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Nguyễn Anh Tuấn

Theo dòng sự kiện

Tin tức về đấu thầu qua mạng