Kinh nghiệm phát triển hình thức đấu thầu qua mạng tại Hàn Quốc

05/01/2012

        Chính phủ Hàn Quốc cho rằng đấu thầu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế. Ý nghĩa của công tác đấu thầu không dừng lại ở việc tiết kiệm ngân sách khi Chính phủ tiến hành mua sắm công mà quá trình đấu thầu còn tạo ra động lực để các doanh nghiệp lớn mạnh, nâng cao sức cạnh tranh, từ đó góp phần nâng cao sức mạnh của cả nền kinh tế. Theo các nhà quản lý, mục tiêu chính của công tác đấu thầu là tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và tính hiệu quả trong sử dụng ngân sách. Cả hai mục tiêu này phải luôn được thực hiện song song trong quá trình quản lý công tác đấu thầu.
Sự ra đời và phát triển hệ thống Koneps
        Tại Hàn Quốc, thương mại điện tử ra đời nhấn mạnh vào tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Đây cũng là một trong những yêu cầu trong Hiệp định WTO-GPA cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Hàn Quốc đã ký kết. Trong bối cảnh thương mại điện tử ra đời như một sự phát triển tất yếu của kinh doanh thương mại thì sự thay đổi phương thức đấu thầu cũng hứa hẹn khắc phục những hạn chế của đấu thầu truyền thống trước đây như quá nhiều hồ sơ tài liệu, không hiệu quả và kém cạnh tranh, quá trình đăng ký hồ sơ nhà thầu lặp đi lặp lại nhiều lần.
        Sự phát triển hệ thống Koneps trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị (từ 1997 - 2001); Giai đoạn mở rộng (từ 2002 - 2004); Giai đoạn phát triển hệ thống. Trong giai đoạn chuẩn bị, Hàn Quốc xây dựng hệ thống trao đổi văn bản điện tử năm 1997, hệ thống shopping mall năm 1998 và hệ thống bảo hành và thanh toán điện tử năm 2001. Trong giai đoạn mở rộng, Koneps đã được phát triển để sử dụng trong tất cả các cơ quan nhà nước năm 2002, có hệ thống phục hồi dữ liệu năm 2003 và kho dữ liệu năm 2004. Từ năm 2005 đến nay, Hàn Quốc tập trung vào việc nâng cấp hệ thống bằng việc cung cấp tính năng hỗ trợ tìm kiếm và đấu thầu điện tử, xây dựng hệ thống mua sắm sản phẩm thông minh, nâng cấp hệ thống shopping mall và hỗ trợ đấu thầu qua điện thoại di động.
Những thử thách ban đầu và bài học kinh nghiệm
        Quá trình xây dựng hệ thống Koneps thời gian đầu gặp không ít khó khăn. Ngay cả Tổng cục Mua sắm công Hàn Quốc (PPS) ban đầu cũng quan ngại về việc đấu thầu qua mạng có làm giảm đi vai trò, nhiệm vụ của cơ quan mình hay không. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng hệ thống còn gặp phải sự e ngại, không hợp tác của các bên liên quan. Để giải quyết những khó khăn ban đầu này, PPS tập trung vào việc tạo ra những vai trò và nhiệm vụ mới khi thay đổi phương phức đấu thầu, tăng cường nhận thức của các bên về sự cần thiết của việc thay đổi phương thức đấu thầu từ truyền thống sang đấu thầu điện tử, đồng thời xác lập một chiến lược rõ ràng trong phát triển đấu thầu qua mạng.
        Khi phát triển hệ thống đấu thầu qua mạng, ban đầu các đơn vị xây dựng hệ thống đấu thầu qua mạng cho cơ quan mình. Tuy nhiên, các nhà quản lý nhận thức được rằng cần có một hệ thống liên kết giữa các cơ quan của Chính phủ để tránh tình trạng dư thừa hoặc không đồng nhất trong phát triển hệ thống. Do đó, Koneps được phát triển như một dự án rộng lớn, liên kết các cơ quan chính phủ. Trong quá trình đó, Chính phủ khuyến khích sự tham gia và chú trọng tăng cường hiểu biết cho các cơ quan nhà nước cũng như nhà cung cấp, qua đó giảm thiểu những bất tiện và e ngại đối với sự thay đổi mang tính cách mạng trong công tác đấu thầu này.
        Các nhà quản lý cho rằng, các bài học có thể rút ra từ việc triển khai hệ thống đấu thầu qua mạng của Hàn Quốc là: Sự quyết tâm và nỗ lực của các nhà lãnh đạo; Công khai và chia sẻ tất cả thông tin liên quan đến mua sắm chính phủ; Xây dựng hệ thống đấu thầu duy nhất cho tất cả các cơ quan nhà nước; Chuẩn hóa quy trình đấu thầu với văn bản điện tử và chữ ký số; Thực hiện theo cách tiếp cận từng bước, từ việc chỉ đăng tải thông tin đấu thầu cho đến đấu thầu quan mạng. Cuối cùng là thiết lập các quy định pháp lý cụ thể dựa trên sự thay đổi của quy trình đấu thầu qua mạng.

Hoàng Thị Bình

Theo dòng sự kiện

Tin tức về đấu thầu qua mạng