Hệ thống mua sắm công và lộ trình của các nước đang phát triển

05/01/2012

        Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, phương thức đấu thầu qua mạng - hệ thống mua sắm điện tử (e-procurement) ngày càng được các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia quan tâm. Phương thức này không chỉ làm tăng tính công khai, minh bạch mà còn góp phần tăng cường hiệu quả, tiết kiệm chi phí, hạn chế tham nhũng nhờ ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin.
        Khi triển khai hệ thống mua sắm điện tử, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo. Đây cũng là một trong những hạn chế của các quốc gia đang phát triển. Do vậy, để có thể triển khai thành công hệ thống mua sắm điện tử, các quốc gia đang phát triển rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức, quốc gia đi trước, đồng thời cố gắng phát huy nội lực, sự sáng tạo của mình cũng như phải xây dựng lộ trình để phát triển hệ thống mua sắm điện tử. Hệ thống mua sắm điện tử chỉ có thể phát triển trong mối tương quan chặt chẽ, đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác (ngân hàng, thuế, giáo dục …) thông qua hệ thống Chính phủ điện tử.
        Với từng quốc gia, từng điều kiện cụ thể sẽ có những lộ trình thích hợp. Đối với các quốc gia đang phát triển có thể tham khảo lộ trình để xây dựng hệ thống chính phủ điện tử qua 4 giai đoạn như sau:
        Giai đoạn 1: Thiết lập hạ tầng Internet băng thông rộng và chuyển hóa dữ liệu hồ sơ giấy sang dạng văn bản điện tử. Đây là giai đoạn tập trung lắp đặt mạng lưới internet và chuyển đổi sang văn bản điện tử;
        Giai đoạn 2: Hoàn thiện quá trình chuyển đổi dữ liệu của từng công dân vào cơ sở dữ liệu; ban hành pháp luật, hành lang pháp lý, các chuẩn tích hợp dữ liệu, chuẩn xây dựng hệ thống cho e-Government.
        Giai đoạn 3: Tích hợp dữ liệu giữa các hệ thống cấu phần của e-Government (bao gồm e-procurement; e-custom và e-document). Đối với vấn đề tích hợp dữ liệu: Mỗi cơ quan của chính phủ có thể có thiết kế kiến trúc khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc tích hợp dữ liệu. Do đó, trong giai đoạn này, cần phải thực hiện theo một trình tự sau:
        + Công bố hệ thống pháp luật về kiến trúc được sử dụng đối với các hệ thống của chính phủ điện tử;
        + Các cơ quan được thành lập mới thì phải tuân theo các quy định của pháp luật, các cơ quan đã xây dựng hệ thống trước khi hệ thống pháp luật về kiến trúc có hiệu lực thì phải chỉnh sửa để phù hợp;
        + Xây dựng bộ tiêu chuẩn cho các hệ thống của chính phủ điện tử;
        + Khi xây dựng, các hệ thống phải phù hợp với nhau và sử dụng các dịch vụ chung của nhau để tránh trùng lặp. Do đó, tất yếu sẽ dẫn đến việc xây dựng một trung tâm chia sẻ dữ liệu quốc gia.
        Giai đoạn 4: Xây dựng hệ thống e-Government thông minh (sử dụng thiết bị cầm tay như di động, máy tính xách tay…). Đây là giai đoạn mà người sử dụng có thể truy cập vào hệ thống chính phủ điện tử qua các phương tiện di động cầm tay. Ở Hàn Quốc, trong lĩnh vực e-procurement, năm 2005 Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử của họ đã bắt đầu triển khai dịch vụ điện thoại di động thông qua hỗ trợ của kỹ thuật số cá nhân (Personal Digital Assistant - PDA) để người dùng có thể truy cập vào thông tin đấu thầu ở khắp mọi nơi.
        Tại Việt Nam, từ năm 2008 đã thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm” nhằm thiết lập hệ thống đấu thầu qua mạng. Hiện nay, mô hình này đang được áp dụng thí điểm tại 3 đơn vị là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và UBND thành phố Hà Nội. Thông qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan tham gia thực hiện Dự án có thể rút kinh nghiệm, đưa ra định hướng và kế hoạch phát triển toàn diện hệ thống đấu thầu qua mạng.

Ánh Hoa - Cao Trung

Theo dòng sự kiện

Tin tức về đấu thầu qua mạng