Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu qua mạng của Hàn Quốc

05/01/2012

        Các hệ thống đấu thầu qua mạng là một thành phần tích hợp không thể thiếu trong quá trình cải cách mua sắm công của chính phủ các quốc gia trên thế giới. Hàn Quốc là một trong những quốc gia thành công nhất trong triển khai chính phủ điện tử, đặc biệt hệ thống đấu thầu qua mạng được đánh giá là hiệu quả và giải quyết được tối đa khả năng đánh giá hồ sơ dự thầu tự động bằng máy. Chính phủ Hàn Quốc đã thành công trong việc xây dựng quy trình đấu thầu qua mạng và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu để bảo đảm được hai vấn đề khó trong đấu thầu là sự công bằng giữa nhà thầu nhỏ và nhà thầu lớn (hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và lựa chọn được nhà thầu với giá dự thầu hợp lý nhất để thực hiện tốt công việc mà gói thầu yêu cầu, tránh trường hợp lựa chọn nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất nhưng không thực hiện được yêu cầu mà gói thầu đưa ra. Bài viết này sẽ tập trung vào việc phân tích phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu qua mạng của Hàn Quốc.
        Hàn Quốc sử dụng 4 hình thức đấu thầu, đó là: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và tự thực hiện. Quá trình thực hiện đấu thầu sẽ tập trung đối với các cơ quan trực thuộc trung ương và phân cấp đối với các cơ quan trực thuộc địa phương nhưng đều được thực hiện trên hệ thống đấu thầu qua mạng của Chính phủ. Tổng cục Mua sắm công Hàn Quốc là cơ quan tổng hợp nhu cầu mua sắm của Trung ương và thực hiện quá trình đấu thầu mua sắm. Các cơ quan trực thuộc địa phương sẽ được phân cấp tự thực hiện việc mua sắm của mình hoặc có thể yêu cầu Tổng cục Mua sắm công thực hiện đối với các gói thầu có quy mô lớn. Cả 4 hình thức đấu thầu trên đều có chung một quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu theo 3 bước: Bước 1 là đánh giá về giá và kỹ thuật theo tỷ lệ 80% và 20% hoặc 90% và 10% tương ứng; Bước 2 là xếp hạng các nhà thầu theo thứ tự điểm đánh giá tổng hợp về giá và kỹ thuật (nếu có) từ cao nhất đến thấp nhất; Bước 3 là đánh giá năng lực của 2 hoặc 3 nhà thầu cao nhất trong danh sách ở bước 2 theo tiêu chí đạt/không đạt để tìm nhà thầu trúng thầu.
        Việc đánh giá về giá và kỹ thuật (nếu có) tại Bước 1 được quy định rõ trong các văn bản pháp luật về đấu thầu, theo đó các trường hợp chỉ đánh giá về giá đối với các gói thầu không yêu cầu kỹ thuật cao hoặc đã chuẩn hoá được về mặt kỹ thuật và các trường hợp gói thầu đòi hỏi kỹ thuật cao cần đánh giá về cả giá và kỹ thuật.
        Tại Bước 1, đánh giá kỹ thuật (nếu có) sẽ được thực hiện như đấu thầu truyền thống từ việc nộp hồ sơ dự thầu đến việc tổ chức, đánh giá đề xuất về kỹ thuật. Đối với đánh giá về giá sẽ xét theo công thức:


Trong đó:

    ĐĐG là điểm đánh giá về giá

    ĐTối đa là điểm cao nhất theo quy định, tuỳ theo quy mô của từng gói thầu sẽ có quy định về điểm tối đa

    GDự thầu là giá dự thầu của nhà thầu

    GƯớc lượng  là giá do hệ thống xác định dựa vào giá cơ bản của Tổng cục Mua sắm công khảo sát và giá lựa chọn của các nhà thầu, cụ thể như sau:
        Sau khi bên mời thầu gửi kế hoạch đấu thầu lên hệ thống mua sắm chính phủ điện tử, đơn vị chuyên trách thuộc Tổng cục Mua sắm công sẽ xác định giá cơ bản dựa trên ngân sách của bên mua đối với gói thầu này. Ví dụ: Ngân sách của bên mua cho gói thầu này là 1.000 USD, sau khi đơn vị chuyên trách của Tổng cục Mua sắm công khảo sát, giá cơ bản được xác định là 995 USD. Giá ước lượng sẽ được xác định bằng giá cơ bản ± 3% hoặc 5% (tuỳ trường hợp) và được chia làm 15 mức trong khoảng (995 USD ± 3% hoặc 5%). Giá tương ứng trong khoảng này sẽ được mã hoá thành 15 mức và đánh số từ 1 đến 15. Các nhà thầu khi tham gia đấu thầu được yêu cầu nhập giá dự thầu và lựa chọn 2 số bất kỳ từ 1 đến 15. Sau đó 4 số (trong khoảng từ 1 đến 15) được các nhà thầu lựa chọn nhiều nhất sẽ được chuyển đổi thành giá tương ứng trong khoảng (995 USD ± 3% hoặc 5%) đã được mã hoá ở trên. Giá ước lượng sẽ là giá trị trung bình cộng của 4 giá được nhà thầu lựa chọn nhiều nhất.
        Vậy tại sao trong công thức trên lựa chọn số 88? Và tại sao sử dụng phương pháp xác định giá ước lượng mà không lựa chọn giá dự thầu thấp nhất để đánh giá làm điểm cao nhất? Xuất phát từ các tình huống thực tế ở Hàn Quốc, đó là các nhà thầu năng lực cao thường xuyên trúng thầu và các nhà thầu mới thành lập hoặc quy mô nhỏ khó có điều kiện tham gia và trúng thầu. Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu chào giá thấp nhất được lựa chọn thắng thầu, sau đó không thực hiện được gói thầu theo đúng tiến độ và chất lượng, gây ảnh hưởng lớn. Do vậy, công thức trên được xây dựng với 88/100 là ngưỡng tối thiểu để thể hiện khả năng thực hiện được gói thầu. Nếu GDự thầu/GƯớc lượng càng gần với tỷ lệ 88/100 thì ĐĐG càng tiến gần đến điểm tối đa. Như vậy, các nhà thầu nếu biết được GƯớc lượng thì có thể đưa ra GDự thầu tốt nhất để đạt điểm đánh giá tối đa về giá (điều này là đặc biệt quan trọng đối với những gói thầu chỉ xét đánh giá về giá và năng lực nhà thầu). Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề tiêu cực giữa bên mời thầu và nhà thầu? Đây chính là lý do Chính phủ Hàn Quốc áp dụng phương pháp lựa chọn giá ước lượng nêu trên. Với phương pháp này, các nhà thầu quy mô nhỏ, mới thành lập có đủ khả năng thực hiện gói thầu là hoàn toàn có cơ hội thắng thầu và cơ hội thắng thầu ngoài năng lực thực hiện còn phụ thuộc nhiều vào sự ngẫu nhiên lựa chọn giá ước lượng của các nhà thầu. Thêm vào đó, với sự lựa chọn ngẫu nhiên này, khả năng thông đồng, tiêu cực của bên mời thầu với nhà thầu sẽ giảm thiểu tối đa.
        Tại Bước 2, sau khi tính điểm về giá và kỹ thuật (nếu có), hệ thống sẽ tự động sắp xếp danh sách các nhà thầu tham dự theo thứ tự điểm cao nhất đến thấp nhất để chuẩn bị vào Bước 3 đánh giá năng lực nhà thầu (Screening Test).
        Bước 3 (Screening Test) được tiến hành như sau: 2 hoặc 3 nhà thầu đạt điểm cao nhất trong danh sách tại Bước 2 sẽ được gửi thông báo vào đánh giá Screening Test. Sau khi nhà thầu nhận được thông báo đánh giá Screening Test, nhà thầu đó sẽ phải gửi đơn đăng ký và hồ sơ đánh giá Screening Test. Đánh giá Screening Test theo tiêu chí đạt/không đạt để từ đó lựa chọn nhà thầu trúng thầu. Bên mời thầu sẽ đối chiếu thông tin trong hồ sơ đánh giá Screening Test của nhà thầu với cơ sở dữ liệu đã kết nối với các hệ thống khác của chính phủ điện tử để kiểm tra thông tin, đây cũng là cách hệ thống đấu thầu qua mạng Hàn Quốc bổ sung thông tin về năng lực của nhà thầu trong cơ sở dữ liệu của hệ thống. Một khi tất cả dữ liệu về nhà thầu đã được điện tử hoá, quá trình đánh giá Screening Test sẽ được thực hiện hoàn toàn tự động. Sau khi đánh giá các thông tin trong hồ sơ Screening Test của nhà thầu, nếu nhà thầu điểm cao nhất trong danh sách ở Bước 1 có điểm đánh giá Screening Test là “đạt” theo quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được lựa chọn là nhà thầu trúng thầu. Trong trường hợp nhà thầu điểm cao nhất nhưng không đạt về đánh giá Screening Test thì sẽ xét tiếp đến nhà thầu điểm cao thứ hai và ba để lựa chọn nhà thầu trúng thầu.
        Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của Hàn Quốc theo hình thức như trên rất hiệu quả đối với các gói thầu mua sắm hàng hoá và các gói thầu xây lắp không đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt. Tuy nhiên, đối với các gói thầu đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc kỹ thuật đặc biệt thì trình tự tiến hành sơ tuyển có thể là hiệu quả hơn nếu được thực hiện trước quá trình đánh giá về giá và kỹ thuật. Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Luật Đấu thầu, kết hợp với các quy định về đấu thầu qua mạng thành một luật chung về mua sắm công. Do đó, việc phân tích, nghiên cứu và tham khảo quy trình đánh giá đấu thầu qua mạng của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc, rất hữu ích để xây dựng một hệ thống pháp lý, quy định phù hợp và hiệu quả nhất cho Việt Nam.

La Anh Tuấn

 

Theo dòng sự kiện