Từ “Đấu thầu” đến “Mua sắm công”

03/02/2012

Ngày 06/8/2011 Quốc hội ban hành

Ngày 06/8/2011 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 07/2011/QH13 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011. Theo đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (tháng 10/2012), Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Luật Đầu tư công - Mua sắm công và theo quy định sẽ xem xét thông qua trong kỳ họp tiếp theo vào đầu năm 2013.

Nhiều người không khỏi thắc mắc về tên gọi của Luật. Vậy Luật Đầu tư công - Mua sắm công có liên quan gì đến Luật Đấu thầu hiện đang có hiệu lực thi hành?, Luật Đầu tư công - Mua sắm công có phải là Luật mới được ban hành lần đầu? Tại sao lại ban hành Luật chung Đầu tư công và Mua sắm công? Nội dung Mua sắm công trong Luật Đầu tư công - Mua sắm công sẽ chỉ là để sửa đổi một số điều của Luật Đấu thầu hay thay thế hoàn toàn quy định của Luật Đấu thầu?.

Trong buổi gặp mặt đầu xuân Nhâm Thìn ngày 30/01/2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chỉ đạo Báo Đấu thầu phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bước chuyển từ Luật Đấu thầu sang Luật Đầu tư công - Mua sắm công, trong đó có sự chuyển đổi thuật ngữ từ “đấu thầu” sang “mua sắm công”. Vậy, với vai trò là người “trong cuộc”, trong bài viết này tác giả xin tập trung vào việc làm rõ tên gọi Mua sắm công của Luật Đầu tư công - Mua sắm công (Luật này có 2 phần là phần Đầu tư công và phần Mua sắm công), từ đó hé lộ phần nào về phạm vi điều chỉnh của Luật.

Nhìn lại chặng đường phát triển công tác đấu thầu của Việt Nam, những người hoạt động trong lĩnh vực đấu thầu đều cảm thấy quen thuộc với thuật ngữ “Đấu thầu” vì năm 1996 lần đầu tiên ta có Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định 43/1996/NĐ-CP ngày 16/7/1996, rồi tiếp theo Quy chế đấu thầu được sửa đổi theo các Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999, Nghị định 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và Nghị định 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003. Và để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, sau nhiều lần xây dựng, đến tháng 6/2005, Chính phủ thông qua Dự thảo lần 10 Pháp lệnh đấu thầu, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt để ban hành. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của công tác đấu thầu trong mối quan hệ với nhiều nội dung thuộc các Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Xây dựng... Pháp lệnh đấu thầu đã được Chính phủ đề xuất nâng lên thành Luật Đấu thầu để Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 29/11/2005 và Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2006.

Vậy, tại sao lại thay tên cũ “Đấu thầu” bằng tên mới “Mua sắm công”?

Năm 2005, tại thời gian thông qua Luật, Chính phủ đã trình Quốc hội hai phương án về tên gọi của Luật:

- Một là “Luật Đấu thầu” vì như giải thích ở đoạn trên, mọi người đã quen với tên gọi của Quy chế đấu thầu, Pháp lệnh đấu thầu; hoặc

- Hai là “Luật Mua sắm công” để phù hợp với thông lệ của rất nhiều nước trên thế giới và tổ chức quốc tế.

Cuối cùng Quốc hội nhất trí tên gọi là Luật Đấu thầu với lý do đã quen gọi như vậy. Tuy nhiên để cho quốc tế hiểu đúng bản chất của vấn đề, khi dịch sang tiếng Anh vẫn phải sử dụng thuật ngữ “mua sắm công” (Public Procurement) mà không sử dụng thuật ngữ “đấu thầu” (Bidding/Tendering), thậm chí ngay cả tên cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu của nước ta là Cục Quản lý đấu thầu khi dịch sang tiếng Anh cũng phải dịch là Public Procurement Agency (Cục Mua sắm công).

 Nói đến thông lệ quốc tế, tác giả xin đề cập đến tên gọi đạo Luật, Hiệp định của một số nước trên thế giới và tổ chức quốc tế gồm:

1. Luật mẫu về mua sắm hàng hóa, xây dựng và dịch vụ của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (The UNCITRAL Model Law on Procurement of Goods, Construction and Services).

2. Hiệp định Mua sắm chính phủ (Agreement on Government Procurement - GPA) của Tổ chức thương mại thế giới - WTO.

3. Luật Mua sắm công (Law on Public Procurement hoặc Public Procurement Law) của hàng loạt các nước gồm: Nga, Estonia, Latvia, Moldova, Rumani, Ba Lan, Ấn Độ, Canada, Anh, Pháp, Hà Lan, Nauy, Mỹ, Hungary, Indonexia, Montenegro, Kosovo, Albani, Kenya, Bosnia and Herzegovina, Campuchia …

4. Luật Mua sắm chính phủ (The Government Procurement Law) của Trung Quốc.

5. Hướng dẫn về Mua sắm (Procurement Guidelines/Handbook for Procurement) của Ngân hàng Thế giới - WB, Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB; Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA.

Như vậy, tên gọi Luật Mua sắm công không phải là “lạ”, không phải là bây giờ mới đề cập đến, tuy nhiên đây là thời điểm thích hợp nhất để Quốc hội quyết định sử dụng tên “Mua sắm công” thay cho “Đấu thầu” vì mấy lý do như sau:

Một là “đấu thầu” xét về bản chất chỉ là 1 trong 7 hình thức lựa chọn nhà thầu khi mua sắm bằng tiền của Nhà nước tức là Mua sắm công, gồm: (1) đấu thầu rộng rãi, (2) đấu thầu hạn chế, (3) chào hàng cạnh tranh, (4) mua sắm trực tiếp, (5) chỉ định thầu, (6) tự thực hiện và (7) lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Cách hiểu tổng quát của Mua sắm công là quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ, hàng hóa và công trình xây dựng; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, cung cấp dịch vụ công thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Hai là Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế quốc tế như là đang nghiên cứu để tham gia làm quan sát viên của Hiệp định Mua sắm chính phủ - GPA của WTO, đang đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – TPP (trong đó có chương mua sắm công)…, do đó việc sửa đổi thuật ngữ “đấu thầu” thành “mua sắm công” để đúng với bản chất nội dung quy định trong Luật, tránh việc hiểu không thống nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế là cần thiết.

Ba là Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật mới trong năm 2013 để thay thế Luật Đấu thầu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Điều 2) nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhưng cũng đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ, phân định trách nhiệm rõ ràng đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án, chương trình. Do đó, đây là thời gian thích hợp để thay thuật ngữ “đấu thầu” thành “mua sắm công”, hay nói cách khác để thống nhất các quy định về đấu thầu đang được quy định tản mạn và chồng chéo ở một số luật vào một Luật chung theo hướng Bộ luật gốc điều chỉnh toàn bộ hoạt động mua sắm công, nghĩa là tất cả cơ quan, tổ chức sử dụng tiền của Nhà nước khi mua sắm cho mục đích công đều phải tuân thủ theo quy định của Luật chung này.

Vậy tại sao ghép Đầu tư công và Mua sắm công trong một luật?

Trong thời gian gần đây, đầu tư công và mua sắm công là hai lĩnh vực “nóng”, được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua sớm nhằm thực hiện chủ trương tái cấu trúc đầu tư công. Luật Đầu tư công và Luật Mua sắm công khi trình Quốc hội là 02 luật riêng. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao soạn thảo Luật Đầu tư công từ năm 2007, còn Luật Mua sắm công được giao soạn thảo để thay thế hoàn toàn cho Luật Đấu thầu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Điều 2). Như vậy, xét về bản chất, nội dung của Luật Đầu tư công - Mua sắm công có thể được hiểu bao gồm 2 phần là Đầu tư công và Mua sắm công. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không phân tích về quá trình ghép 02 luật thành 01 luật và cũng chưa đi vào phân tích nội dung của từng phần trong Luật mà chỉ xin làm rõ nội dung của tên gọi Đầu tư công - Mua sắm công để độc giả có cái nhìn tổng quát hơn về Luật này.  

Tóm lại, Luật Đầu tư công - Mua sắm công đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực khẩn trương nghiên cứu soạn thảo để kịp trình Chính phủ trong tháng 7/2012 và trình Quốc hội đầu tháng 10/2012. Đây là Luật có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn, do đó được Quốc hội xác định cần ưu tiên, tập trung nguồn lực để ban hành trong năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước.

Diệu Phương

Theo dòng sự kiện

Tin tức liên quan đến đấu thầu