Phát hiện gian lận để ngăn chặn những cuộc thầu “có vấn đề”

18/05/2015

Một số dấu hiệu có thể đặt nghi vấn về có hay không hành vi thông thầu, gian lận thầu như: hạn chế bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu giống nhau, trong 3 nhà thầu tham dự thầu thì 2 nhà thầu có giá dự thầu cao hơn giá gói thầu...(Ảnh: Tất Tiên

Đấu thầu là một mắt xích quan trọng trong quá trình thực hiện dự án. Nếu có hành vi gian lận, tham nhũng xảy ra tại mắt xích này thì rất khó để đảm bảo chất lượng của dự án. Vì vậy, phát hiện hành vi gian lận trong đấu thầu là cần thiết để có biện pháp điều tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Dấu hiệu của những cuộc thầu “có vấn đề”

Từ thực tế tiếp nhận, xử lý Đường dây nóng, phản ánh các cuộc thầu không minh bạch trên Báo Đấu thầu, phóng viên nhận thấy một số dấu hiệu có thể đặt nghi vấn thông thầu, gian lận thầu. Ví dụ như hạn chế bán hồ sơ mời thầu (HSMT); chỉ có 3 nhà thầu tham dự thầu, trong đó 2 nhà thầu đưa ra giá dự thầu cao hơn giá gói thầu; các hồ sơ dự thầu (HSDT) “quân xanh” cố tình sai ở những chi tiết rất “ngớ ngẩn”, như đề sai năm thời gian có hiệu lực của HSDT, quên ký tên trong đơn dự thầu…; bảo lãnh dự thầu giả mạo hoặc sai lệch; HSDT giống nhau; giá dự thầu của một số nhà thầu bị thổi phồng; xoay vòng nhà thầu được lựa chọn; bên bị loại trở thành thầu phụ; số lượng nộp HSDT thấp;… Ngoài ra, điều kiện tiên quyết không hợp lý; những tiêu chí đánh giá điều kiện năng lực, kinh nghiệm trong HSMT quá cao so với quy mô gói thầu; tiêu chí kỹ thuật bất thường như quá cụ thể hoặc quá chung chung, không phải điều thực sự cần; tiêu chí chấm điểm có vấn đề, dường như ủng hộ 1 nhà thầu, nhà cung ứng hoặc thương hiệu cụ thể; loại nhà thầu có giá thấp nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vì lý do tiểu tiết, hoặc lý do không nêu trong HSMT;… cũng là những dấu hiệu đáng nghi vấn. 

Trong một cuộc hội thảo, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chia sẻ kinh nghiệm nhận diện, điều tra một số vụ việc gian lận trong đấu thầu. Ví dụ ở một dự án đường bộ tại Trung Quốc, các điều tra viên của WB đã phát hiện hành vi thông thầu với những chứng cứ tìm thấy là đơn giá giống nhau giữa 2 nhà thầu chào giá thấp nhất, có sự giống nhau bề ngoài của các HSDT, các bước thực hiện nêu trong HSDT giống nhau, lịch trình xây dựng tạm thời đưa ra trong HSDT giống nhau;… Cũng có trường hợp nhà thầu là công ty ảo. Cán bộ điều tra đã đến các địa chỉ ghi trong HSDT và thực tế đó là cửa hàng sửa chữa ô tô, cửa hàng bán lẻ và đất trống.

IMG

Để ngăn chặn những hành vi gian lận trong đấu thầu, người thực thi và giám sát thực thi pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng (Ảnh: LTT)

Một trường hợp khác điều tra mất khá nhiều thời gian là dự án quốc gia về nâng cấp và quản lý đường bộ tại Philippines. Những dấu hiệu ban đầu được điều tra viên của WB chú ý là tỷ lệ giảm giá giữa các nhà thầu dao động quá mức, như 1%, 3% hoặc 10%; giá dự thầu quá sát, hoặc quá xa, ví dụ 10% giữa nhà thầu thấp nhất và nhà thầu kế tiếp; con số được làm tròn không thực tế,... Kết quả điều tra, WB đã phát hiện nhà thầu thắng thầu được chỉ định và những nhà thầu bị loại đồng ý về giá thầu được ấn định, đệ trình hồ sơ thổi phồng, nhà thầu được chọn đệ trình giá thấp nhất. Từ đó, WB đã xử phạt 2 nhà thầu với hình thức phạt là cấm vĩnh viễn và 7 nhà thầu bị cấm tham gia các dự án của WB với tổng số thời gian là 35 năm (khoảng 4 - 8 năm/nhà thầu). 

Hệ quả lớn từ gian lận, tham nhũng trong đấu thầu

Theo ông David Bernstein, Chuyên gia cao cấp của WB, tham nhũng là “căn bệnh ung thư” ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển và đặc biệt trong thực hiện dự án công. Hệ quả dễ thấy là đẩy chi phí tăng hoặc làm giảm chất lượng công trình do nhà thầu phải bớt xén, sử dụng nguyên vật liệu, hàng hóa kém chất lượng để bù đắp các khoản lót tay. 

Ông David Bernstein lấy ví dụ về một con đường mới được xây dựng 5 năm đã xuất hiện hố sụt lún lớn; một dự án cung cấp thiết bị y tế tại Ấn Độ, nhà thầu cung cấp thiết bị lồng ấp trẻ sơ sinh đã không theo đúng thông số kỹ thuật nêu trong HSMT, có thể dẫn đến rủi ro gây điện giật cho người sử dụng, tuy nhiên Ban quản lý dự án vẫn đồng ý nhận hàng và hợp đồng vẫn được thanh toán đầy đủ. Cũng có trường hợp qua điều tra, khảo sát thực tế, WB phát hiện một dự án xây dựng Trung tâm hội nghị và suối nước nóng ở khu du lịch sinh thái đã giải ngân trên 50% kinh phí, chỉ còn 30 ngày là hoàn thành nhưng thực tế hiện trường thì Trung tâm hội nghị mới chỉ là một khu nhà dựng tạm bằng khung tre và suối nước nóng thì mới chỉ là một hố nước sình lầy. Trường hợp khác là một dự án Cầu đường nông thôn khi khảo sát kết quả thực tế là đường hẹp hơn 30% so với quy cách kỹ thuật, không có lớp phủ mặt đường theo như quy cách kỹ thuật yêu cầu, chất lượng dưới chuẩn nhưng hợp đồng được thanh toán đầy đủ… 

Không ai bỏ tiền túi của mình để đi lót tay, để chạy chọt trúng thầu, mà số tiền đó chắc chắn sẽ được tính vào chi phí xây dựng công trình, dự án, mua sắm thiết bị… Và hệ quả dễ thấy là những công trình bị rút ruột, những thiết bị vỏ mới ruột cũ ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng!  

Luật Đấu thầu năm 2013 đã có rất nhiều cải thiện để ngăn chặn, hạn chế hành vi gian lận, thông thầu, tăng cường kiểm tra, giám sát trong đấu thầu. Tuy nhiên, con người là chủ thể thực hiện hành vi hối lộ, gian lận, tham nhũng, nên để chặn những hành vi này thì pháp luật là chưa đủ, mà quan trọng hơn là ở người thực thi và giám sát thực thi pháp luật.

Việt Thắng

Nguồn: Báo Đấu thầu