Quá trình hình thành tên gọi “Mua sắm công”

13/02/2012

Quá trình hình thành tên gọi “Mua sắm công”

 

Đấu thầu là gì?

        Nhắc đến đấu thầu, hiểu theo nghĩa hẹp, chắc hẳn nhiều độc giả sẽ nghĩ ngay đến việc các nhà thầu cạnh tranh với nhau trong một cuộc thầu, nói cách khác là có ít nhất từ hai nhà thầu trở lên “đấu” với nhau để giành hợp đồng; tức là đấu thầu bao gồm đấu thầu rộng rãi (tất cả nhà thầu được quyền tham gia) và đấu thầu hạn chế (chỉ một số nhà thầu được mời tham gia).

        Tuy nhiên, cũng sẽ không ít bạn đọc hiểu “đấu thầu” theo một cách khác, theo nghĩa rộng. Đó là việc chi tiêu tiền của Nhà nước, là việc Nhà nước bỏ tiền để mua hàng hóa, dịch vụ hoặc xây dựng công trình nào đó. Theo đó, đấu thầu đúng nghĩa là “mua sắm”.

        Trong hai cách hiểu trên, cách hiểu nào là đúng? Lẽ đương nhiên, không có cách hiểu nào là sai, bởi vì tính “đa nghĩa” của thuật ngữ “đấu thầu”.

        Vì tính đa nghĩa này nên người viết nhiều khi chứng kiến những pha tròn mắt ngạc nhiên, ngơ ngác của cả phía Việt Nam lẫn đối tác nước ngoài khi phiên dịch, vốn không phải chuyên gia về đấu thầu, luôn sử dụng “bidding” để chuyển ngữ “đấu thầu”. Chẳng hạn, câu hỏi “công tác đấu thầu của cơ quan ngài như thế nào”? được dịch thành “cuộc đấu thầu của cơ quan ngài như thế nào?”, nên khi đối tác nước ngoài ngạc nhiên hỏi lại “cuộc đấu thầu nào quý vị muốn đề cập?” thì phía Việt Nam cũng ngơ ngác không kém… Ấy là vì khi đấu thầu đề cập đến việc mua sắm, chi tiêu tiền của Nhà nước như trong câu hỏi trên, khi chuyển ngữ, từ tiếng Anh được sử dụng sẽ là “Public Procurement”, hoặc “Government Procurement”, dịch nôm ra tiếng Việt là mua sắm công hoặc mua sắm chính phủ hoặc đấu thầu. Khi đấu thầu chỉ việc có từ hai nhà thầu tham gia “đấu” với nhau để giành hợp đồng, từ tiếng Anh tương ứng sẽ là “bidding” hay “tendering”. Cụ thể, open tendering (bidding) là đấu thầu rộng rãi, là một trong những hình thức lựa chọn nhà thầu bên cạnh selective tendering1 (đấu thầu hạn chế) hay limited tendering (chỉ định thầu). Do vậy, tùy theo ngữ cảnh, đấu thầu sẽ được hiểu là “Public procurement, government procurement”, hoặc “bidding, tendering”. Cùng là “đấu thầu”, nhưng vì đa nghĩa nên thỉnh thoảng phía nước ngoài và phía Việt Nam lại có cảnh “ông nói gà, bà hiểu… vịt” là vậy.

        Cũng vì tính đa nghĩa của thuật ngữ “đấu thầu” nên khi đọc Luật Đấu thầu, không ít người thắc mắc không biết giải thích quy định trong Luật Đấu thầu thế nào cho đúng. Chẳng hạn, đối với điều khoản “hủy đấu thầu”, có người cho rằng điều khoản này chỉ bao gồm việc hủy một cuộc đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế nào đó, nhưng cũng có người hiểu rằng “đấu thầu” là thuật ngữ chung chỉ về việc tiêu tiền của Nhà nước, cho nên “hủy đấu thầu” cần được hiểu là việc hủy quá trình hay kết quả lựa chọn nhà thầu cho mọi hình thức lựa chọn nhà thầu, kể cả chào hàng cạnh tranh.

        Đọc đến đây, chắc hẳn sẽ có bạn đọc thắc mắc, nếu thuật ngữ “đấu thầu” đa nghĩa như thế, gây lúng túng trong quá trình thực thi Luật như thế, sao không sử dụng thuật ngữ khác để khắc phục tính đa nghĩa của “đấu thầu”. Đấu thầu theo nghĩa là “đấu” rộng rãi hay hạn chế thì dễ hiểu rồi, nhưng để chỉ việc chi tiêu tiền của Nhà nước, sao không sử dụng thuật ngữ khác. Nói cách khác, sao không sử dụng tên gọi khác cho Luật Đấu thầu?

Nhưng trên thực tế, ít người hiểu những trăn trở về tên gọi của Luật Đấu thầu.

        Khi một đạo luật được thông qua thì việc đặt tên cho đạo luật đó liên quan tới không ít người. Cũng có nghĩa là tên gọi của một đạo luật được “cọ xát” qua bao nhiêu ý kiến, từ cơ quan soạn thảo đến các thành viên của Chính phủ, các cơ quan, doanh nghiệp, người dân đóng góp ý kiến, đến các đại biểu Quốc hội, không dễ để đặt tên Luật theo ý thích riêng của mình.

        Để hiểu nguồn gốc tên gọi Luật Đấu thầu, hãy quay trở lại quá trình xây dựng Luật. Luật Đấu thầu ban hành năm 2005, vốn được nâng cấp từ Dự thảo lần 10 Pháp lệnh “Đấu thầu Mua sắm công”. Tên gọi ban đầu của Pháp lệnh là Pháp lệnh “Đấu thầu”, Dự thảo lần 1 được trình ra Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội vào tháng 8/2000. Dự thảo lần 10 được các thành viên của Chính phủ thống nhất đổi tên là Pháp lệnh “Đấu thầu - Mua sắm công” và được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 6/2005. Để nâng cao tính pháp lý của các quy định về đấu thầu - mua sắm công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc nâng cấp Dự án Pháp lệnh Đấu thầu Mua sắm công lên thành Dự án Luật Đấu thầu Mua sắm công trên cơ sở kế thừa và phát triển Dự thảo lần 10 Pháp lệnh Đấu thầu Mua sắm công. Vì vậy, khi Chính phủ trình Luật Đấu thầu ra Quốc hội, tên gọi của Luật, kế thừa Pháp lệnh, cũng là Luật Đấu thầu Mua sắm công. “Đấu thầu” để kế thừa tên gọi cũ là Quy chế Đấu thầu, thuật ngữ đã được xã hội quen dùng từ năm 1996, còn “Mua sắm công” là để phù hợp với thông lệ quốc tế.

        Thế nhưng tên gọi “Đấu thầu - Mua sắm công” thì dài, ý nghĩa của “đấu thầu” và “mua sắm công” có phần chồng chéo nên nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến chọn tên gọi khác. Còn nhớ kỳ họp Quốc hội cuối đông năm 2005, người viết may thay được vào dự các phiên họp thảo luận về Luật Đấu thầu của đại biểu Quốc hội khóa XI. Hội trường Ba Đình rất sôi nổi với rất nhiều ý kiến của các đại biểu, từ đại biểu chuyên trách tới đại biểu không chuyên trách, từ các đại biểu là chuyên gia về đấu thầu đến cả đại biểu không làm công tác đấu thầu từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Có đại biểu cho rằng, vì đấu thầu mang nghĩa là nhà thầu này “đấu” với nhà thầu kia, nên thuật ngữ đấu thầu không bao hàm được các hình thức lựa chọn nhà thầu khác như chỉ định thầu, tự thực hiện, tên gọi Luật Đấu thầu chưa bao quát hết được các nội dung trong Luật; do đó, nên sử dụng tên gọi Luật thầu hoặc Luật chọn thầu thay vì Luật Đấu thầu. Cũng có ý kiến cho rằng sử dụng tên gọi là “Luật chi tiêu vốn nhà nước”, tuy nhiên, nội hàm của tên gọi này quá rộng.

        Thế là tên gọi “Đấu thầu - Mua sắm công” bị loại do tên gọi dài, ý nghĩa chồng chéo; “Luật thầu”, “Luật chọn thầu” cũng bị loại vì ngắn, cụt lủn và không rõ ràng; “Luật chi tiêu vốn nhà nước” thì nội hàm rộng quá; cuối cùng còn lại hai “ứng viên nặng ký”: Luật Đấu thầu và Luật Mua sắm công.

        Trong hai “ứng viên” này, tên gọi “Luật Đấu thầu” có lợi thế hơn vì thuật ngữ “đấu thầu” đã được xã hội quen dùng, dù nó có đa nghĩa, có gây lúng túng trong việc thực thi Luật. Còn ứng viên “Luật Mua sắm công” dù phù hợp với thông lệ quốc tế (tên đạo luật của các nước thường là Government Procurement Law hay Public Procurement Law) nhưng tại thời điểm năm 2005 vẫn có gì đó hơi...“Tây” và chưa quen gọi, quen dùng. Thế mới biết thay đổi một thói quen không dễ chút nào.

Với các lý do trên, các đại biểu Quốc hội khóa XI cuối cùng đã thống nhất với tên gọi là “Luật Đấu thầu”.

Tuy nhiên, đó là chuyện của 7 năm về trước, khi Việt Nam chưa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tháng 11/2006, Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Kể từ thời điểm đó, Việt Nam phải tuân thủ các cam kết trong WTO, luật pháp trong nước cũng không được vi phạm các cam kết này. Trong đó, việc xây dựng các công trình, đường sá, nhà cửa... được hơn 150 thành viên WTO nhất trí xem là một loại hình dịch vụ - dịch vụ xây dựng. Theo biểu cam kết dịch vụ, Việt Nam sẽ phải mở cửa một số phân ngành trong dịch vụ xây dựng. Thuật ngữ “mua sắm” kể từ thời điểm đó không phải là mua sắm công trình xây dựng mà là mua sắm dịch vụ xây dựng công trình đó.

Bài toán “tên gọi mới của Luật Đấu thầu” đến đây có lẽ đã tìm ra lời giải. Với việc coi xây dựng là một loại hình dịch vụ như Việt Nam đã thống nhất với hơn 150 nước khác khi gia nhập WTO, thuật ngữ “mua sắm công” trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ sử dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, vì xây dựng là một loại hình dịch vụ nên thuật ngữ mua sắm áp dụng được với cả mua sắm dịch vụ xây dựng trong các dự án đầu tư phát triển, nghĩa là điều mà chúng ta e ngại rằng thuật ngữ “mua sắm công” chỉ bao gồm mua sắm thường xuyên của cơ quan nhà nước, nay hoàn toàn được xóa bỏ.

Như vậy, đã đến lúc thuật ngữ “đấu thầu” mang nghĩa “lựa chọn nhà thầu – public procurement” nên được thay thế bởi thuật ngữ phù hợp hơn là “mua sắm công” để tránh những rắc rối, lúng túng do tính đa nghĩa của thuật ngữ “đấu thầu” gây ra trong quá trình thực thi Luật.

Đó cũng là lý do Nghị quyết số 07/2011/QH13 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011 đã nêu rõ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Đầu tư công - Mua sắm công tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII vào tháng 10/2012. Theo đó, Dự thảo Luật Mua sắm công được ghép với Dự thảo Luật Đầu tư công để hình thành Luật chung là Luật Đầu tư công - Mua sắm công. Nội dung mua sắm công trong Luật mới sẽ thay thế toàn bộ Luật Đấu thầu hiện hành.

Lần này, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã thống nhất đưa vào tên gọi mới “Mua sắm công” thay cho tên gọi cũ “Đấu thầu”. Vấn đề còn lại tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu sẽ tập trung vào việc tranh luận nội dung và phạm vi điều chỉnh của phần Mua sắm công trong Luật Đầu tư công - Mua sắm công rộng hơn và bao quát hơn Luật Đấu thầu như thế nào? Vấn đề này sẽ được đề cập trong những bài viết sắp tới.

 Nguyễn Thị Thúy Hằng

 

1 Theo Hiệp định Mua sắm Chính phủ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Chương Mua sắm chính phủ Dự thảo Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Theo dòng sự kiện

Tin tức liên quan đến đấu thầu