Ghi nhận kiến nghị của VCCI trước sửa đổi Luật Đấu thầu

17/02/2012

        Với sự tài trợ của Đại sứ quán Anh, Bộ Phát triển quốc tế Anh và dự án Hỗ trợ thi hành pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế (Hoa Kỳ), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá và công bố Báo cáo Rà soát pháp luật kinh doanh tại Việt Nam.

        Cụ thể, VCCI đã tiến hành đánh giá những tác động tích cực cũng như những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi 16 luật, bộ luật liên quan, bao gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Bộ luật Dân sự...

Báo Đấu thầu xin đề cập những kiến nghị của VCCI để các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, chủ đầu tư, nhà thầu và các bên liên quan nắm được, góp phần vào việc sửa đổi hệ thống pháp luật về đấu thầu trong thời gian tới.

 Làm rõ phạm vi điều chỉnh để tránh chồng chéo

         Đánh giá của nhóm chuyên gia rà soát Luật Đấu thầu cho rằng, sau 6 năm thực hiện Luật Đấu thầu, về cơ bản đã tháo gỡ được những vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn nhà nước, góp phần hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều hoạt động mua sắm dùng nguồn lực của Nhà nước chưa được điều chỉnh trong Luật.

         Báo cáo rà soát do nhóm chuyên gia rà soát Luật Đấu thầu phối hợp với Công ty luật Baker&Mc Kenzie thực hiện cho thấy: Hoạt động quản lý đấu thầu hiện nay đang được chia nhỏ và quản lý không tập trung, các quy định về đấu thầu nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật gây nên tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản, gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện.

         Ông Ninh Viết Định – Trưởng ban Quản lý đấu thầu (EVN), Trưởng nhóm chuyên gia rà soát Luật Đấu thầu cho rằng: Về phạm vi điều chỉnh, Luật Đấu thầu hiện tại chỉ điều chỉnh các hoạt động mua sắm thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước gồm dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển, dự án để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, dự án nhằm cải tạo, sửa chữa lớn thiết bị, dây truyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

        Tuy nhiên, theo ông Ninh Viết Định: Thực tế tại Việt Nam hiện nay xuất hiện nhiều hoạt động mua sắm khác sử dụng nguồn lực của Nhà nước mà chưa được điều chỉnh nên không đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện. Cụ thể là: Các hoạt động mua sắm vì mục đích công nhưng không hình thành dự án; các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án hợp tác công - tư (PPP); dự án sử dụng đất sở hữu công; các hoạt động mua sắm của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình sản xuất kinh doanh hoạch toán vào cho phí giá thành của doanh nghiệp.

        Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu hiện nay, nhóm chuyên gia rà soát cũng cho rằng: Có nhiều dự án và hình thức chi tiêu không sử dụng nguồn lực của Nhà nước, mà là nguồn lực của một nhóm, một tổ chức, hay một số cá nhân có quy mô rất lớn, bao trùm địa bàn rộng khắp cả nước, đôi khi cả đối tác nước ngoài. Nhưng nếu chúng ta không có một luật làm gốc, làm cơ sở thì các đối tượng trên rất khó khăn khi tham chiếu áp dụng hoặc muốn vận dụng để xây dựng quy chế cho riêng mình để quản lý nguồn lực.

Quy định về đấu thầu còn tản mạn trong nhiều văn bản

        Liên quan đến các quy định về đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước còn tản mạn, không tập trung và thiếu thống nhất, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Từ tổng hợp của nhóm chuyên gia rà soát luật, VCCI đã xây dựng một báo cáo cụ thể về việc rà soát pháp luật về kinh doanh nói chung và pháp luật về đấu thầu nói riêng. Nhìn chung các quy định về đấu thầu hiện nay đang nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, gây nên tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản, gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện.

        Cụ thể: Các quy định về đấu thầu lựa chọn nhà thầu hiện đang được quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật số 38/2009/QH12, Nghị định 85/2009/NĐ-CP; hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, thực hiện hợp đồng BOT, BTO, BT được quy định trong Luật Đầu tư, Nghị định 108/2009/NĐ-CP; đấu thầu theo phương thức mua sắm tập trung được quy định tại Quyết định 179/2007/QĐ-TTg, Thông tư 22/2008/TT-BTC; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, dạy nghề, y tế, thể thao, môi trường được quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP; đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công được quy định tại Quyết định 39/2008/QĐ-TTg...

Cần ban hành một luật mới có tính bao quát chung

       Sau khi đánh giá Luật Đấu thầu hiện hành dựa trên 4 tiêu chí: Tính minh bạch, tính hợp lý, tính thống nhất và tính khả thi, Nhóm chuyên gia rà soát Luật Đấu thấu đã khuyến nghị: Cần thiết phải ban hành một Luật Đấu thầu mới (với tên gọi cũng có thể mới) có nội dung cập nhật và bao quát hơn, thỏa mãn các mục tiêu sau: Thống nhất các quy định về việc đấu thầu có sử dụng nguồn lực Nhà nước (vốn, tài sản); luật mới là cơ sở để tất cả các đối tượng của xã hội phải chọn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nội dung, vì vậy bố cục nội dung của luật cần có phần quy định mang tính kỹ thuật chung về đấu thầu để bất kể đối tượng nào trong xã hội cũng có thể tham chiếu áp dụng và phần quy định về hệ thống chế tài để kiểm soát việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước.

        Bên cạnh đó, Nhóm chuyên gia rà soát luật cũng khuyến nghị rằng, cần thống nhất quy trình đấu thầu chung, đơn giản, không có quy trình đặc biệt để luật mới ổn định và có hiệu lực thi hành lâu dài. Không áp đặt các mệnh lệnh hành chính cứng nhắc trong luật đối với những nội dung mang tính chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo tính khoa học, chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan nhằm mục tiêu đạt được hiệu quả quản lý cao nhất. Các quy định về nghiệp vụ, kỹ thuật tính toán không đưa vào luật để luật được gọn nhẹ. Ban hành các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và mẫu để vận dụng linh hoạt, cần mẫu hóa, tiêu chuẩn hóa và quy trình hóa tất cả các công đoạn đấu thầu...

        Trong Báo cáo rà soát Luật Đấu thầu, các chuyên gia đánh giá cũng kiến nghị bổ sung vào luật mới các quy định về tính độc lập giữa các nhà thầu nước ngoài, giữa các nhà thầu nói chung và chủ đầu tư. Điều kiện chỉ định thầu cho đơn vị có vốn góp của nhau trên 50% nếu sản phẩm đầu ra của đơn vị này là nhu cầu mua sắm của đơn vị kia. Các quy định liên quan đến việc ban hành hệ thống chỉ tiêu, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, nguyên tắc tính toán và xác định dữ liệu đầu vào phục vụ việc đánh giá HSDT, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch. Các quy định liên quan đến cập nhật thông tin và tuân thủ các cam kết quốc tế, biện pháp bảo hộ hợp pháp hàng hóa, dịch vụ trong nước, bảo vệ lợi ích doanh nghiệp trong nước.

        Cần áp dụng rộng rãi hình thức đấu thầu qua mạng, trước mắt áp dụng cho hình thức chào hàng cạnh tranh và mua sắm tập trung của các đơn vị hành chính sự nghiệp. Bổ sung các hình thức và phương thức đấu thầu tiên tiến trên cơ sở nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, như phương thức đấu thầu 2 túi hồ sơ một giai đoạn và hai túi hồ sơ hai giai đoạn áp dụng đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu các gói xây lắp và mua sắm hàng hóa.

Hoa Nguyên