Để phân cấp trong đấu thầu đạt hiệu quả

28/05/2015

Phân cấp trong đấu thầu giúp chủ đầu tư có thể chủ động trong việc thực hiện dự án, rút ngắn thời gian thi công và sớm đưa công trình vào sử dụng (Ảnh: N.C)

Không thể phủ nhận một thực tế là việc phân cấp trong đấu thầu đã làm tăng tính tự chủ, chủ động cho các chủ đầu tư trong triển khai dự án, tiết kiệm thời gian, chi phí cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc phân cấp này đôi lúc lại dẫn đến tình huống chủ đầu tư có quá nhiều quyền trong khi năng lực lại hạn chế, hay chủ đầu tư lạm dụng quyền hạn, thông đồng, móc ngoặc với nhà thầu. 

Khi công việc được giao là “quá tầm”

Thực hiện việc phân cấp trong đấu thầu, ở nhiều địa phương, UBND cấp tỉnh chỉ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án và báo cáo kinh tế kỹ thuật, các bước tiếp theo để triển khai dự án đều giao cho chủ đầu tư, từ việc tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đến việc xử lý tình huống trong đấu thầu. Việc trao quyền này có cái lợi là chủ đầu tư có thể chủ động trong việc thực hiện gói thầu/dự án, rút ngắn thời gian thi công và sớm đưa công trình vào sử dụng; đồng thời cũng tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu. Cùng với quá trình phân cấp, pháp luật về đấu thầu cũng phân định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, nên trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan khi xảy ra các tình huống cần xử lý. 

Theo quan điểm của UBND tỉnh Sóc Trăng, việc phân cấp trong đấu thầu đã tạo thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện các thủ tục về đấu thầu sau khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và xử lý tình huống trong đấu thầu theo quy định. 

Tuy nhiên, đối với những chủ đầu tư kém năng lực, thiếu kinh nghiệm, dường như việc lựa chọn nhà thầu đều được phó mặc cho phía tư vấn nên không kiểm soát được chất lượng tư vấn, chất lượng của phần công việc bàn giao cũng như những hệ lụy về sau. Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2014 của các địa phương đều cho thấy, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đấu thầu ở cấp huyện, cấp xã hoặc các chủ đầu tư không thuộc lĩnh vực xây dựng đa phần đều làm việc kiêm nhiệm, không có kinh nghiệm và nghiệp vụ về quản lý dự án, nghiệp vụ đấu thầu. Dù đã qua đào tạo, tập huấn và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ nhưng khi áp dụng vào thực tế, các chủ đầu tư vẫn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, kéo theo chất lượng và tiến độ thi công không được đảm bảo, tỷ lệ giảm giá (tiết kiệm) qua đấu thầu đạt thấp. 

IMG

Việc chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực dẫn đến chất lượng và tiến độ thi công dự án không được đảm bảo, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu đạt thấp (Ảnh: Lê Tiên)

Chủ đầu tư lạm quyền

Bên cạnh những chủ đầu tư “non” về kinh nghiệm thì thực tế công tác đấu thầu cũng cho thấy, việc phân cấp mạnh trong đấu thầu trong một số trường hợp lại là một cơ hội tốt để các chủ đầu tư “sành sỏi” lạm dụng quyền lực, thực hiện những hành vi sai trái như: móc ngoặc, thông đồng với nhà thầu và dàn xếp trong đấu thầu... Nhờ phân cấp trong đấu thầu, vai trò của nhiều chủ đầu tư đã được thay đổi căn bản trong quá trình quản lý, điều hành dự án, và đã có không ít chủ đầu tư làm “theo ý chủ quan” của mình trong quá trình triển khai dự án. 

Tham dự nhiều lễ mở thầu, phóng viên đã không ít dịp chứng kiến những dấu hiệu bất thường. Có trường hợp, chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi một gói thầu mua sắm thiết bị, gói thầu này có 3 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên, tại Lễ mở thầu có tới 2/3 nhà thầu vắng mặt và nhà thầu duy nhất có mặt tại Lễ mở thầu thì đưa ra giá dự thầu đúng bằng giá gói thầu được duyệt (không sai khác một đồng), nghĩa là qua đấu thầu, giá gói thầu không giảm đồng nào.    

Báo cáo về tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, việc phân cấp mạnh trong lĩnh vực đấu thầu dễ dẫn đến việc lạm dụng quyền hạn của các chủ đầu tư, sự thông đồng khó kiểm soát giữa chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc dàn xếp trúng thầu. Mặc dù báo cáo của các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều cho thấy công tác đấu thầu được các chủ đầu tư thực hiện tốt, nhưng theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, rất khó đánh giá cụ thể nội dung này vì nhân lực của cơ quan thanh tra, kiểm tra công tác này còn mỏng. 

UBND tỉnh Quảng Nam thì đánh giá rằng, bên cạnh những chủ đầu tư thực hiện khá tốt về công tác đấu thầu thì vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương thực hiện chưa nghiêm túc quy định của pháp luật về đấu thầu như lạm dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định thầu không theo quy định (không ít địa phương trên cả nước có tỷ lệ gói thầu được chỉ định thầu chiếm trên 90% tổng số gói thầu triển khai thực hiện trong năm 2014), không tuân thủ các mốc thời gian trong đấu thầu, công tác báo cáo về đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định chưa kịp thời, công tác thẩm định, phê duyệt dự toán làm cơ sở xác định giá gói thầu không đúng với quyết định đầu tư… 

Thực tiễn phân cấp trong đấu thầu cho thấy, năng lực và trách nhiệm cũng như cái tâm của người thực thi pháp luật là rất quan trọng, là yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả công tác đấu thầu. Khung pháp lý về đấu thầu dù có hoàn hảo bao nhiêu nhưng nếu người thực hiện chấp hành và áp dụng không đúng, thì pháp luật cũng không thể nào đi vào cuộc sống. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng phổ biến, cập nhật các quy định mới thì cũng cần tăng cường truyền thụ những giá trị cốt lõi của pháp luật về đấu thầu, khơi dậy cái tâm trong sáng, tinh thần và trách nhiệm của những người tham gia hoạt động đấu thầu. Chỉ có như vây, hiệu quả công tác đấu thầu mới được nâng cao và đảm bảo được những giá trị đích thực của nó.

Bích Thảo

Nguồn: Báo Đấu thầu