Tối ưu hóa chương trình đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu

16/07/2015

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (giữa) đánh giá cao những ý kiến góp ý bổ ích, thiết thực cho dự thảo Thông tư quy định chi tiết đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầuẢnh: Tất Tiên)

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng bồi dưỡng, đào tạo về đấu thầu cũng như để công tác này có thể tương tích với Luật Đấu thầu 2013 và đáp ứng những yêu cầu mới trong giai đoạn sắp tới, ngày 14/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Tiêu chuẩn hóa chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu tại Việt Nam và lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định chi tiết đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu. Tham dự Hội nghị có đông đảo các tổ chức, đơn vị, công ty… có liên quan đến hoạt động đấu thầu. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, mục đích cao nhất của việc lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định chi tiết đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu là đưa ra được chương trình đào tạo tối ưu nhất. Với tinh thần cầu thị, tiếp thu những ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Thông tư, ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu mong muốn, Thông tư được ban hành phải mang tính khoa học, logic, dễ đi vào cuộc sống và tránh tính khiên cưỡng.

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu bao gồm 6 chương và 34 điều, hướng dẫn cụ thể, chi tiết tất cả những vấn đề chung liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu. 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đăng Trương đã nêu bật những nhóm nội dung cơ bản về học viên, giảng viên, cơ sở đào tạo, khung chương trình và giáo trình… cần tập trung thảo luận, xin ý kiến các đại biểu. 

Theo ý kiến đánh giá chung của nhiều chuyên gia, dự thảo Thông tư được đưa ra lấy kiến tại Hội nghị này đã được bổ sung nhiều tính ưu việt và có nhiều đổi mới so với các quy định cũ. Cụ thể, nếu như trước đây chỉ có một khóa học duy nhất trong vòng 3 ngày dành cho mọi đối tượng học viên tham dự, thì dự thảo Thông tư lần này đã phân chia ra nhiều loại hình đào tạo cho những đối tượng khác nhau; đi cùng với đó là những khung chương trình, thời gian đào tạo tương thích. Ngoài ra, việc đào tạo theo hướng mới sẽ không chỉ đơn thuần nhằm trang bị cho học viên những kiến thức khát quát về pháp luật đấu thầu, mà còn chú trọng đến kỹ năng thực hiện đấu thầu, cũng như truyền đạt cho học viên cả những quy tắc đạo đức, ứng xử...  

Ngoài ra, để các học viên có thể tiếp thu các kiến thức một cách tốt nhất, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ số lượng học viên cho mỗi lớp học cụ thể (lớp cơ bản số lượng học viên không quá 150 người; đào tạo chứng chỉ hành nghề không quá 50 học viên trong 1 lớp). Vấn đề bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên đấu thầu cũng được nhấn mạnh; các điều kiện để công nhận cơ sở đào tạo đạt chuẩn cũng được quy định chi tiết và rõ ràng… 

Đặc biệt, một điểm mới được đánh giá cao và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các đại biểu tại Hội nghị là cơ chế cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Theo đó,   các đốitượng là Ban quản lý dự án chuyên nghiệp, tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, giảng viên về đấu thầu phải có Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu thì mới được thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác đấu thầu. Quy định này được đánh giá là sẽ giúp quản lý chặt chẽ, đánh giá đúng, khách quan và minh bạch hơn về năng lực của những cá nhân đã hoàn thành những khóa học cơ bản về đấu thầu.  

Tại Hội nghị, GS. Peter Trepte, Chuyên gia tư vấn dự án Tăng cường năng lực quản trị nhà nước nhằm mục tiêu phát triển toàn diện cũng giới thiệu các mô hình đào tạo đấu thầu tại một số quốc gia, kinh nghiệm và giải pháp giải quyết một số tình huống trong đào tạo đấu thầu.  

Cùng với đó, ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cùng đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam… cũng đã đưa ra kiến nghị nhằm siết chặt công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, cũng như việc cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu… 

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu đánh giá cao những ý kiến góp ý bổ ích, thiết thực của các chuyên gia; đồng thời khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và nhanh chóng nghiên cứu áp dụng vào dự thảo Thông tư. Ông Lê Văn Tăng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trên phạm vi rộng khắp cả nước, cũng như đầy đủ từ phía các bộ, ngành. 

BK

Nguồn: Báo Đấu thầu