Vì sao nhà thầu không hào hứng tham gia đấu thầu tuyến xe buýt tại TP.HCM?

17/07/2015

Trong 10 năm, từ 2005 - 2015, Sở Giao thông vận tải TP.HCM chỉ lựa chọn được 6/107 tuyến xe buýt có trợ giá qua đấu thầu  (Ảnh: Tất Tiên)

Có vẻ như nỗ lực đấu thầu tuyến xe buýt của TP.HCM trong suốt 10 năm qua vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả như mong đợi. Ngân sách trợ giá cho xe buýt tăng đều mỗi năm, còn tỷ lệ khách đi xe buýt đang giảm mạnh. Và quan trọng hơn, các nhà thầu không hề hào hứng tham gia những gói thầu do Sở Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức. 

Vừa ế khách, vừa ế nhà thầu tham gia

Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP.HCM đánh giá, công tác đấu thầu các tuyến xe buýt đang triển khai quá chậm, dẫn đến tình trạng chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt ngày càng đi xuống và người dân dần bỏ thói quen sử dụng phương tiện này. Lượng hành khách đi xe buýt trong 6 tháng đầu năm 2015 liên tục giảm và chỉ bằng 6,1% so với cùng kỳ 2014. Khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu trên một số tuyến xe buýt tại TP.HCM cho thấy, ngoại trừ các tuyến lấy trọng tâm là các trường đại học, ký túc xá, bệnh viện, bến xe miền Đông, miền Tây…, gần như các tuyến xe buýt khác đang khai thác đều thưa thớt khách sử dụng. Thậm chí một số tuyến đã có tình trạng cắt giảm lượt chạy. Một số người dân chia sẻ, họ bỏ thói quen sử dụng xe buýt vì nhiều xe cũ, không có hệ thống điều hòa, phân bổ tuyến chưa hợp lý… 

Thông tin từ Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, không chỉ ế khách, suốt 10 năm qua, các tuyến xe buýt của TP.HCM luôn trong tình trạng ế ẩm nhà thầu tham gia mỗi khi tổ chức đấu thầu. Triển khai đấu thầu từ năm 2005 nhưng đến nay Sở GTVT TP.HCM phát hành chỉ lựa chọn được 6/107 tuyến xe buýt có trợ giá qua đấu thầu. Thống kê của Sở GTVT TP.HCM phát hành cho thấy, trong 10 năm mời thầu chỉ có 6/12 tuyến xe buýt trúng thầu. Đây là những tuyến có lưu lượng khách lớn (tuyến 7, 54, 126, 36, 87 và 44 đều chạy xuyên tâm hoặc trung chuyển khách vào Thành phố), những tuyến xe buýt còn lại thường không có đủ nhà thầu tham gia. 

Một nhà thầu từng tham gia mua hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu do Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM phát hành nhưng không dự thầu chia sẻ: “Nguyên nhân chính của việc tổ chức đấu thầu xe buýt không thu hút sự tham gia của chúng tôi vì HSMT đưa ra những điều kiện mà bất kỳ nhà thầu nào cũng không thể kham nổi. Thứ nhất, thời gian hoạt động của một gói thầu quá ngắn (hiện Sở GTVT TP.HCM đang quy định là 3 năm). Với thời gian này, nhà thầu không thể thu hồi lại vốn khi đã đầu tư một số lượng xe lớn cho tuyến. Thứ hai, để trúng thầu, nhà thầu gần như phải đầu tư lại toàn bộ các điều kiện về nâng cao dịch vụ, đội ngũ nhân sự đồng bộ". Nhiều nhà thầu khác chia sẻ, các bộ HSMT lâu nay Sở GTVT TP.HCM phát hành đã không bám sát thực tế vận tải hành khách công cộng để đưa ra đề bài, không phát huy tinh thần cạnh tranh giữa các nhà thầu.

Phải tăng tính hấp dẫn của mỗi bộ HSMT

Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP.HCM đã yêu cầu Sở GTVT Thành phố, cụ thể là Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cần phải tiến hành ngay việc đấu thầu các tuyến xe buýt nhằm giảm trợ giá của ngân sách. Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND Thành phố nhấn mạnh, phải tạo sức bật cho việc đấu thầu bằng việc cải tiến chất lượng mỗi bộ HSMT với những tiêu chí phù hợp với thực tế, phù hợp với năng lực của các nhà thầu. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng cho biết, chất lượng xe buýt có vấn đề, nếu không đưa ra giải pháp hợp lý trong đấu thầu thì sắp tới lượng khách đi xe buýt sẽ tiếp tục giảm, tình trạng bù lỗ ngân sách cho hoạt động xe buýt càng nặng nề hơn. Đại diện Hợp tác xã (HTX) Vận tải Quyết Thắng cho biết: “Trước hết, phải loại bỏ tư duy phân chia thị trường không minh bạch trong HSMT. Cần tạo điều kiện cho tất cả các nhà thầu có cơ hội như nhau khi đấu thầu các tuyến, kể cả các tuyến trợ giá, không trợ giá”.  

Đại diện HTX Vận tải 19/5, một đơn vị đang khai thác nhiều tuyến xe buýt tại TP.HCM khẳng định: “Việc thay thế đồng bộ xe buýt mới cần nhà thầu phải huy động một nguồn lực tài chính lớn. Nên với những nhà thầu đã trúng thầu, đã thực hiện cam kết thay mới dàn xe buýt thì cần được đảm bảo bởi hợp đồng khai thác dài hạn nhằm giúp nhà thầu lấy lại vốn, sinh lãi và tái đầu tư. Nếu thời gian khai thác của một gói thầu quá ngắn thì không nhà thầu nào dám tham gia”. 

Đại diện cho tiếng nói của các nhà thầu trong lĩnh vực này, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM cho rằng, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt. Thành phố cần đưa ra những HSMT với những tiêu chí phù hợp, hấp dẫn hơn như tăng thời gian hoạt động của nhà thầu trong từng tuyến, phân chia phù hợp các tuyến trợ giá và không trợ giá. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần tạo điều kiện cho các nhà thầu tiếp cận với các nguồn tín dụng để đầu tư hệ thống xe, nâng cao dịch vụ. Với nhiều biện pháp cải tiến đồng bộ như vậy, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu khai thác các tuyến xe buýt vận tải hành khách công cộng mới thực sự thu hút được nhà thầu.

V.Huyền

Nguồn: Báo Đấu thầu