Phải có chính sách bắt buộc mới có thể triển khai đấu thầu qua mạng thành công

27/08/2015

Ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ sắp ban hành các thông tư hướng dẫn việc công khai thông tin về đấu thầu, lộ trình thực hiện đấu thầu qua mạng... (Ảnh: B.T)

Từ ngày 24 - 26/8 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Khóa tập huấn “Triển khai đấu thầu qua mạng tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”. Tại Khóa tập huấn, các chuyên gia tư vấn quốc tế về đấu thầu điện tử của USAID đã đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam trong triển khai đấu thầu qua mạng trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các mô hình đấu thầu điện tử thành công cũng như thất bại tại một số quốc gia.

Xây dựng tầm nhìn chiến lược triển khai đấu thầu qua mạng

Phát biểu tại Khóa tập huấn, ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Khóa tập huấn này nằm trong dự án Hỗ trợ kỹ thuật về quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) do USAID tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2014 - 2018. Trong khuôn khổ chương trình của Dự án, sau khi tổ chức tại Hà Nội, Khóa tập huấn sẽ tiếp tục được tổ chức cho các đối tượng là các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT; các bộ, ngành, địa phương tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam. Tại các khóa tập huấn, các chuyên gia tư vấn quốc tế của USAID sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm triển khai đấu thầu qua mạng (ĐTQM) thành công cũng như thất bại của các nước trên thế giới. 

Cũng theo ông Nguyễn Sơn, Bộ KH&ĐT đang được Chính phủ giao xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn việc công khai thông tin về đấu thầu, lộ trình thực hiện ĐTQM, mẫu hồ sơ mời thầu... nhằm hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã được ban hành. Khóa tập huấn nhằm xem xét, đánh giá những kết quả thực hiện thử nghiệm ĐTQM trong thời gian vừa qua; đồng thời là diễn đàn đối thoại – phản hồi chính sách giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà thầu, bên mời thầu... Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên toàn quốc, các bên sẽ có hiểu biết sâu hơn, cũng như đưa ra các đề xuất, kiến nghị giải pháp hữu hiệu hoàn thiện các văn bản pháp luật về ĐTQM, các mẫu hồ sơ mời thầu, hướng dẫn cụ thể hơn cho các bên tham gia, từ đó xây dựng tầm nhìn, chiến lược ĐTQM trong thời gian tới. 

Phát biểu tại Khóa tập huấn, đại diện của GIG cho rằng, đây là một chương trình hợp tác có nhiều triển vọng và có khả năng đạt được nhiều kết quả tốt. Đến nay, các chương trình này đã đạt được những kết quả tích cực, rất đáng ghi nhận. Bên cạnh việc hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác hoạch định chính sách hoàn thiện quy trình chính sách về ĐTQM, Dự án còn hỗ trợ cơ quan hoạch định chính sách xây dựng lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hóa những cam kết quốc tế của Việt Nam về mua sắm công trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Triển khai đấu thầu qua mạng bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Ông Rajesh Kumar Shakya, chuyên gia tư vấn quốc tế về đấu thầu điện tử của USAID cho biết, thực tế đã có một số quốc gia mắc sai lầm khi nghĩ rằng muốn thực hiện ĐTQM thì phải phụ thuộc vào đơn vị phụ trách về công nghệ thông tin, tuy nhiên, các mô hình xây dựng theo quan điểm này gần như đều thất bại. Về bản chất, công nghệ thông tin chỉ là công cụ để thực hiện đấu thầu mua sắm công thông qua môi trường điện tử; điều quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi nhận thức của các bên tham gia vào quá trình thực hiện ĐTQM như cơ quan quản lý nhà nước, bên mời thầu, nhà thầu, các bộ, ngành và tổ chức có liên quan...  

Theo ông Rajesh Kumar Shakya, ĐTQM là một môi trường mới, thay đổi toàn bộ quy trình nghiệp vụ so với mô hình đấu thầu truyền thống. Thông điệp này cần phải được chuyển tải mạnh mẽ, phải làm cho tất cả các bên có liên quan hiểu rằng, mỗi người tham gia đều là một bộ phận cần phải cải cách, thay đổi nhận thức, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào công nghệ thông tin. “Chính phủ phải quản lý sự thay đổi trên tất cả các khía cạnh, đảm bảo rằng các bên có liên quan được trang bị đầy đủ về năng lực, khả năng và động lực để thay đổi, làm quen và thích ứng với môi trường mới. Một khi sự thay đổi đó được quản trị hữu hiệu thì việc triển khai ĐTQM mới có thể thực hiện thành công”, ông Rajesh Kumar Shakya khuyến nghị.  

Cũng theo chia sẻ của ông Rajesh Kumar Shakya, bài học kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, nhiều hệ thống ĐTQM đã phải mất rất nhiều thời gian mới được chấp nhận là do đã đánh giá thấp tầm quan trọng của việc quản trị sự thay đổi này. Chỉ khi có được những chính sách quyết liệt và bắt buộc phải sử dụng Hệ thống ĐTQM thì mới đạt được sự thay đổi mạnh mẽ. Thông thường, khi một đơn vị đã có một hệ thống ổn định và sẵn sàng, thì họ sẽ không muốn thay đổi, chỉ khi có yêu cầu bắt buộc tuân thủ quyết liệt và chế tài chặt chẽ thì họ mới bắt tay vào thay đổi, bởi đây là một thay đổi lớn. Khi thực hiện chính sách bắt buộc áp dụng ĐTQM sẽ vấp phải nhiều rào cản về tâm lý, văn hóa, công nghệ... Trong đó, quá trình thay đổi tâm lý và thích ứng thường diễn ra chậm chạp. Việc xác định những rào cản đối với triển khai Hệ thống ĐTQM sẽ giúp chúng ta làm rõ phạm vi quản trị sự thay đổi. Mục đích của việc quản trị sự thay đổi này là nhằm thu được lợi ích tối đa từ việc triển khai ĐTQM, giảm sự phản kháng và giảm khả năng thất bại trong triển khai. Uganda, Kazakhstan, Bangladesh... là những quốc gia đã thực hiện khá thành công việc quản trị sự thay đổi đồng bộ trong triển khai ĐTQM mà Việt Nam có thể học hỏi, tuy nhiên, việc lựa chọn áp dụng còn phải phù hợp với bối cảnh thực tế tại Việt Nam.

 Lê Xuân

Nguồn: Báo Đấu thầu