Cần sớm triển khai rộng đấu thầu điện tử

20/08/2012

Tạo lập môi trường cạnh tranh, bình đẳng cho tất cả các nhà thầu là việc làm hết sức cần thiết, và để làm tốt việc này, đấu thầu điện tử được khẳng định là một công cụ hữu hiệu. 

Khẳng định tính ưu việt

Tính ưu việt và sự cần thiết của đấu thầu điện tử một lần nữa lại được khẳng định bởi đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề tại Hội thảo Lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hơp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức mới đây.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thông qua đấu thầu điện tử, chủ đầu tư có thể chọn được nhà thầu tốt, và ngược lại, các nhà thầu cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng tài chính tốt hơn. Do đó, hình thức đấu thầu điện tử được nhiều đại diện doanh nghiệp nhất trí là cần sớm có lộ trình áp dụng rộng rãi để tiết kiệm tối đa chi phí, đơn giản hóa và minh bạch hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian cuộc thầu, tinh giản quy trình đấu thầu và đồng thời giảm thiểu tham nhũng trong đấu thầu. 

Mặt khác, đấu thầu điện tử cũng được xem là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó đã có nhiều nước thu được thành tựu và kết quả đáng kể như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… Thông qua hình thức đấu thầu điện tử, có thể lựa chọn được nhà thầu trúng thầu tốt nhờ quy trình đấu thầu công khai, minh bạch, đơn giản thủ tục hành chính; đồng thời hạn chế được tình trạng thông đồng, móc ngoặc, phòng và chống tham nhũng trong đấu thầu. Hơn nữa, một trong những cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), chương Mua sắm chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… là phải kiểm soát tính minh bạch, công khai trong đấu thầu. Vì vậy, đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam nhằm đáp ứng mục tiêu công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế đối với hoạt động đấu thầu. 

Từng bước hoàn thiện khung pháp lý

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, đấu thầu điện tử còn là một khái niệm khá mới ở Việt Nam, mặc dù đã được quy định trong Luật Đấu thầu. Năm 2010, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư 17/2010/TT-BKH quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng, phục vụ việc thí điểm đấu thầu qua mạng trên hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm. Sau hai năm triển khai, việc thí điểm đấu thầu điện tử đã thực hiện thành công với 200 gói thầu. Tuy nhiên, Thông tư nói trên mới chỉ là khung pháp lý trong giai đoạn thí điểm, cho nên cần pháp lý hóa quy định về đấu thầu điện tử ở tầm cao hơn như Luật, Nghị định. 

Trước nhu cầu điện tử hóa trong đấu thầu ngày càng gia tăng, Bộ KH&ĐT đã xây dựng và đang triển khai thí điểm hướng dẫn thực hiện đấu thầu điện tử. Hiện Bộ cũng đang thực hiện xây dựng hệ thống đấu thầu điện tử theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Cùng với việc triển khai quy trình đấu thầu điện tử, trang thông tin điện tử về đấu thầu đã xây dựng cơ sở dữ liệu nhà thầu để các bên liên quan tham chiếu danh sách nhà thầu bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu, cơ sở dữ liệu về giảng viên đấu thầu, cơ sở dữ liệu về các đơn vị tổ chức đào tạo đấu thầu,… 

IMG

                                                                                          Ảnh minh họa: LTT

Việc công khai hóa thông tin về đấu thầu được tăng cường thể hiện qua sự gia tăng nhu cầu đăng tải thông tin. Song song với Báo Đấu thầu, trang thông tin điện tử về đấu thầu, hệ thống đấu thầu qua mạng được cập nhật hàng ngày tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn, thongtindauthau.com.vn, muasamcong.vn, do đó đã tận dụng được các ưu thế của mạng internet trong việc tạo thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân đăng tải, truy cập và tìm kiếm thông tin đấu thầu ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, đây là những kênh thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tiếp thu các góp ý đối với văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành.

 Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, việc ban hành văn bản mới, hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành là cần thiết, phù hợp với thực tế hiện nay là ngày càng có nhiều đơn vị đăng ký tham gia đấu thầu điện tử, cũng như chủ trương đẩy mạnh áp dụng đấu thầu điện tử để tăng cường tính công khai, cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Chính phủ.

 Biện pháp khắc phục hạn chế

 Trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, có ý kiến cho rằng, đấu thầu điện tử chỉ nên dừng lại ở thí điểm, nhưng như thế thì Việt Nam sẽ rất chậm, lạc hậu so với các quốc gia khác trong trong khu vực. Ở Việt Nam hiện nay, riêng việc mua hồ sơ mời thầu, nhiều doanh nghiệp phàn nàn là phải hết "năm lần bảy lượt" mới mua được hồ sơ vì bên mời thầu không muốn bán với vô vàn lý do khó hiểu. Do vậy, nếu áp dụng đấu thầu điện tử thì có thể giải quyết được ngay những điều bất cập này. Đây là cách làm cần thiết, cần nhân rộng trong thời gian tới, do đó, Ban soạn thảo đã đưa nội dung đấu thầu điện tử vào Dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

 Bên cạnh đó, một số địa phương kiến nghị là cần sớm hoàn thiện hệ thống đấu thầu điện tử. Cụ thể là sớm hoàn thiện hệ thống pháp lý đồng bộ phục vụ cho thương mại điện tử nói chung và đấu thầu điện tử nói riêng. Tiếp đó là hoàn thiện hệ thống với module đầy đủ, xây dựng ngân hàng chuyên gia trong đấu thầu, trong tương lai sẽ tiến tới thành lập Trung tâm Đấu thầu điện tử chuyên nghiệp. Về phía Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam, KS. Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho rằng, cả nước nên lập ra 3 trung tâm mua sắm công đại diện tại 3 miền Bắc, Trung,  Nam là TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP.HCM. Tất cả các nhu cầu mua sắm công của Trung ương là phải ủy thác cho 3 trung tâm này thực hiện. Lợi ích thứ nhất là tính chuyên nghiệp cao, việc đấu thầu có ngay người giám sát - chính là người ủy thác, minh bạch giám sát, tránh được tình trạng chủ đầu tư và nhà thầu "đi đêm đi hôm" với nhau. Và cuối cùng là giao cho Sở KH&ĐT lập cơ sở dữ liệu nhà thầu, phân hạng nhà thầu và đăng tải trên trang web của Sở, Bộ. Cùng với đó, công tác thông tin tuyên truyền và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức của cán bộ phụ trách đấu thầu về đấu thầu qua mạng cần được tăng cường hơn nữa.

 Theo GS.  Steven Schooner, Giám đốc Chương trình luật mua sắm chính phủ Đại học Luật George Washington, việc đăng ký đấu thầu điện tử còn mang lại nhiều lợi ích cho cả bên mua và bên bán, cũng như nhà quản lý trong việc tìm kiếm thông tin đấu thầu qua hệ thống dữ liệu. Chẳng hạn như, qua hệ thống dữ liệu này, có thể biết được số tiền đã mua sắm của Chính phủ, lĩnh vực mua sắm, nhà thầu tham gia, hợp đồng đã hoàn thành như thế nào, nhà thầu đã thắng thầu, hình thức hợp đồng, thời điểm trao hợp đồng, thực hiện ở đâu… và từ đó biết được xu thế chi tiêu trong mua sắm công. 

Nguồn: Báo đấu thầu

Bích Thủy