Áp dụng đấu thầu cạnh tranh để thực hiện các dự án PPP

07/11/2012

Đó là quan điểm của phía Việt Nam được nêu tại cuộc họp nhóm hành động WT6-1 với các đại diện của Nhật Bản về xúc tiến xây dựng hạ tầng sử dụng hiệu quả lĩnh vực tư nhân. Cuộc họp vừa diễn ra trong tuần này tại trụ sở Bộ KH&ĐT. Đây là một trong những nội dung thảo luận giữa Việt Nam - Nhật Bản chuẩn bị cho việc thực hiện đánh giá cuối kỳ của Chương trình Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn IV dự kiến kết thúc vào giữa tháng 11/2012. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Cục Quản lý đấu thầu, Cục Đầu tư nước ngoài, Vụ Pháp chế, Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ KH&ĐT); đại diện Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách thuế (thuộc Bộ Tài chính); Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ KH&ĐT (Bộ Giao thông vận tải)…

 

Tại Cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại đối với quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BTO và BT là khi lựa chọn nhà đầu tư đàm phán thực hiện hợp đồng dự án sẽ dựa trên nguyên tắc tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế. Việc chỉ định nhà đầu tư chỉ được thực hiện khi chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án hoặc sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với những dự án cấp bách. Còn đối với Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/11/2010 về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, trường hợp nhà đầu tư tự đề xuất dự án cũng phải lập đề xuất dự án như cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập. Chi phí để thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu, phân tích kỹ thuật và tài chính phục vụ việc lập đề xuất dự án là rất lớn, có khi lên tới vài triệu USD và mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, theo quy định của Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, kể cả trong trường hợp đề xuất dự án của nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì nhà đầu tư đó vẫn phải tham gia đấu thầu cạnh tranh cùng với các nhà đầu tư khác để thực hiện dự án. Do đó, phía Nhật Bản đề xuất nên chỉ định nhà đầu tư đối với những dự án do nhà đầu tư đề xuất để khích lệ khu vực tư nhân tham gia đề xuất dự án.
 
Quan điểm của Việt Nam khi thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức PPP là lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên cơ sở cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, phù hợp với pháp luật Việt Nam, theo tập quán và thông lệ quốc tế. Vì thế, Việt Nam sẽ áp dụng đấu thầu cạnh tranh để thực hiện các dự án này, đặc biệt trong giai đoạn thí điểm sẽ không chỉ định nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ tổ chức nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn về ưu đãi đối với nhà đầu tư đề xuất dự án khi tham gia đấu thầu để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đề xuất dự án.
 
Liên quan đến mức tiền đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, phía Nhật Bản cho rằng: Trong Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, số tiền đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng không thấp hơn 2% tổng vốn đầu tư của dự án; nhưng trong khoản 3 Điều 23 Nghị định 108/2009/NĐ-CP quy định: Đối với phần vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, số tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng dự án được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau: đối với phần vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, số tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng dự án không thấp hơn 2% của phần vốn này; đối với phần vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, số tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng dự án không thấp hơn 1% của phần vốn này. Như vậy, có sự chênh lệch trong số tiền đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng giữa 2 văn bản pháp luật, trong nhiều trường hợp, số tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với hình thức PPP là rất lớn nếu dự án có tổng mức đầu tư cao.
 
Giải đáp vấn đề trên, đại diện Bộ KH&ĐT chia sẻ: Việt Nam đánh giá cao và tiếp thu các đề xuất, góp ý của Nhật Bản. Phía Việt Nam sẽ có những nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và có những đánh giá cụ thể để có những điều chỉnh phù hợp đối với cả 2 văn bản này.

Hải Bình

Nguồn: Báo đấu thầu