Tăng tính pháp lý trong triển khai đấu thầu qua mạng

07/11/2012

 

“Trong thí điểm đấu thầu qua mạng (ĐTQM), hồ sơ dự thầu (HSDT) gửi qua Hệ thống đấu thầu điện tử (VNEPS) có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản bằng giấy. Tuy nhiên, với các gói thầu xây lắp phức tạp có dung lượng HSDT lớn trong khi VNEPS chưa đáp ứng được thì vẫn có những giải pháp khắc phục để đảm bảo ĐTQM được thực hiện nghiêm túc, bình đẳng và công khai”.

IMG

Sẽ “điện tử hóa” tối đa hồ sơ dự thầu trên Hệ thống đấu thầu điện tử

                                                                                              Ảnh: Tiên Giang

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thu Hiền, Trưởng ban Quản lý đấu thầu, Tổng công ty Điện lực (EVN) Hà Nội về kinh nghiệm trong thực hiện ĐTQM tại đơn vị.

 

Tính pháp lý của hồ sơ “điện tử”

 

Chính phủ vừa có Văn bản số 6591/VPCP-KTN cho phép tiếp tục triển khai thí điểm ĐTQM đến năm 2013. Hiện mới chỉ có duy nhất văn bản pháp lý quy định chi tiết thí điểm ĐTQM là Thông tư 17/2010/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được ban hành ngày 22/7/2010. Điều 4 Thông tư 17/2010/TT-BKH quy định: “Các văn bản điện tử giao dịch qua VNEPS có chữ ký số của người đại diện hợp pháp có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản bằng giấy”.

 

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai thí điểm ĐTQM, trong năm 2010 - 2011, EVN Hà Nội đã hoàn thành thí điểm 14 gói thầu qua mạng; từ đầu năm 2012 đến nay đã thực hiện được 60 gói thầu thí điểm qua mạng. Thực tế triển khai tại đơn vị này cho thấy, có một số gói thầu xây lắp có dung lượng HSDT lớn vì có chứa nhiều bản vẽ kỹ thuật trong khi VNEPS hiện mới chỉ đáp ứng tối đa được dung lượng 20 MB cho tệp tin HSDT đính kèm đã bộc lộ một số hạn chế trong việc nộp HSDT của các nhà thầu.

 

Để cải thiện điều này, Thông tư 17/2010/TT-BKH cũng đã có quy định “mở” là trong trường hợp nhà thầu không thể gửi toàn bộ HSDT qua VNEPS thì có thể gửi một phần qua Hệ thống, phần còn lại in ra gửi theo đường công văn hoặc gửi trực tiếp đến bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu; hoặc nhà thầu có thể gửi HSDT dự phòng bằng đĩa CD và văn bản giấy (có niêm phong) qua đường công văn hoặc gửi trực tiếp đến bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu. HSDT dự phòng này được sử dụng trong trường hợp bên mời thầu không mở và không đọc được tệp tin nhà thầu gửi qua VNEPS.

 

Tuy nhiên, để đảm bảo ĐTQM được thực hiện “đúng tính chất qua mạng”, bà Nguyễn Thu Hiền cho biết: Với những gói thầu thực hiện thí điểm, EVN Hà Nội sẽ có quy định cụ thể về những tài liệu quan trọng bắt buộc các nhà thầu phải nộp qua VNEPS, những tài liệu tham chiếu, ít quan trọng hơn hoặc những bản vẽ chi tiết thì có thể gửi thêm theo đường công văn hoặc gửi trực tiếp. Khi đó, EVN Hà Nội sẽ tránh được tối đa những tình huống dẫn đến không minh bạch trong ĐTQM và cũng để đảm bảo có cơ sở pháp lý trong thanh quyết toán gói thầu với các cơ quan liên quan.

 

Cũng trong tình huống thực hiện thí điểm ĐTQM một gói thầu về thi công, xây lắp điện chiếu sáng, đại diện ban quản lý của dự án (bên mời thầu) này chia sẻ, khi thực hiện thí điểm ĐTQM, để đảm bảo gói thầu được triển khai thành công và dự án được triển khai đúng tiến độ, bên cạnh việc yêu cầu các nhà thầu thực hiện đầy đủ các quy trình của ĐTQM đối với gói thầu này thì chúng tôi cũng kết hợp thực hiện một số thủ tục theo phương thức truyền thống. 

 

VNEPS cần liên kết trực tuyến với nhiều hệ thống

 

Tham khảo kinh nghiệm từ Hệ thống đấu thầu điện tử của Hàn Quốc (Koneps), dung lượng của tài liệu đính kèm (HSDT) của Koneps cũng đáp ứng ở mức 20 MB. Thống kê cho thấy có khoảng 90% các gói thầu ở Hàn Quốc được thực hiện bằng ĐTQM. Ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT lý giải: Sở dĩ, Koneps có thể xử lý được một khối lượng gói thầu lớn với dung lượng tệp đính kèm cũng chỉ 20 MB như vậy là do Koneps đã có sự đồng bộ với tất cả các hệ thống trực tuyến khác trong Hệ thống chính phủ điện tử của Hàn Quốc như: Hệ thống thuế trực tuyến, Hệ thống đăng ký kinh doanh trực tuyến… Khi đó, HSDT của nhà thầu tham gia Koneps có dung lượng ít do bên mời thầu có thể kiểm tra, đối chiếu những thông tin cơ bản về tư cách hợp lệ kê khai năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu qua các hệ thống trực tuyến liên kết chứ không bắt buộc nhà thầu phải đính kèm những văn bản này trong HSDT. Do đó, dung lượng 20 MB của Koneps hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng dung lượng cho những hồ sơ có bản vẽ kỹ thuật phức tạp.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, VNEPS cần phải tăng dung lượng của tệp tin đính kèm để đáp ứng việc tải những HSDT phức tạp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sơn, việc tăng dung lượng chỉ là giải pháp tình thế, còn trong dài hạn, VNEPS cần tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc nhằm có những liên kết với những hệ thống trực tuyến khác để có thể thực hiện ĐTQM chuyên nghiệp hơn. Hiện Bộ KH&ĐT đã làm việc với các đơn vị liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước… về vấn đề pháp lý trong ĐTQM, tìm giải pháp để kết nối với các hệ thống chuyên ngành giúp đảm bảo giá trị pháp lý của các gói thầu thí điểm, đồng thời từng bước phát triển và hoàn thiện VNEPS. 

 

Về văn bản pháp lý trong triển khai ĐTQM, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết: Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đã hoàn thành và đã trình Chính phủ trong tháng 8/2012. Trong Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi dành 1 Chương quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng. Nếu Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi được Quốc hội thông qua thì ĐTQM sẽ có thêm căn cứ pháp lý quan trọng giúp tăng cường hơn nữa việc triển khai áp dụng trong thời gian tới.

Trần Tuyết

Nguồn: Báo đấu thầu