Để đẩy mạnh triển khai đấu thầu qua mạng

14/06/2013

Đấu thầu qua mạng (ĐTQM) đem lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu.
Đây là đánh giá của nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, bên mời thầu, nhà thầu tại Hội nghị quốc tế xây dựng chiến lược và lộ trình quốc gia thực hiện ĐTQM tại Việt Nam đến năm 2025.

Bước đầu có được những tiền đề giá trị

Theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), sau một thời gian Bộ KH&ĐT triển khai thí điểm ĐTQM đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tại một số đơn vị triển khai thí điểm như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), TP. Hà Nội, số lượng gói thầu được triển khai qua mạng ngày một tăng. Trong giai đoạn thí điểm (2009 - 2013), số lượng bên mời thầu cũng như số lượng nhà thầu đăng ký triển khai ĐTQM trên hệ thống đấu thầu điện tử http://www.muasamcong.mpi.gov.vn của Bộ KH&ĐT tăng nhanh. Năm 2011, trên Hệ thống có 1.600 bên mời thầu và 800 nhà thầu đăng ký triển khai, đến đầu tháng 5/2013 đã có 5.243 bên mời thầu, 2.007 nhà thầu đăng ký thực hiện ĐTQM. Đặc biệt, số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM tăng ấn tượng, từ 56 gói thầu năm 2011 lên 590 gói thầu vào 5/2013.
Thông tin thêm về việc triển khai ĐTQM, ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục QLĐT cho biết: Bên cạnh những đơn vị triển khai thí điểm, đến nay, Bộ KH&ĐT nhận được thêm rất nhiều địa phương quan tâm đăng ký triển khai ĐTQM như Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Trị…
Cũng theo ông Nguyễn Sơn, trên hệ thống này, danh sách đen về nhà thầu cũng liên tục được cập nhật. Đây được coi như là một căn cứ để các bên mời thầu loại bỏ được những nhà thầu “có vấn đề”, đảm bảo hoạt động đấu thầu công bằng, minh bạch.

Chiến lược và lộ trình mục tiêu

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, phát triển ĐTQM là một trong những giải pháp góp phần phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Về lợi ích kinh tế, ông Paul Schapper, chuyên gia tư vấn quốc tế cho rằng, thực hiện ĐTQM Việt Nam sẽ tiết kiệm được 1% GDP/năm.
Theo Dự thảo Xây dựng Chiến lược và lộ trình quốc gia cho ĐTQM tại Việt Nam đến năm 2025, lịch trình phát triển ĐTQM sẽ qua 3 giai đoạn: Hình thành phát triển và hoàn thiện nhân rộng (2014 - 2016); thực hiện các thỏa thuận khung và làm mới Hệ thống (2017 - 2021); tiếp tục nâng cấp Hệ thống và chiến lược chuẩn bị chuyển giao (2022 - 2025). Trong lộ trình này, Dự thảo đề cập tới việc xây dựng mô hình đối tác công - tư (PPP) đối với ĐTQM. Về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn cho rằng: Triển khai theo mô hình PPP sẽ giúp Hệ thống phát triển bền vững, những rủi ro được phân chia, tăng cường chuyển giao công nghệ. Đồng quan điểm này, một số chuyên gia quốc tế nhận định: Xây dựng dự án ĐTQM không phức tạp nhưng vận hành rất phức tạp, vì thế, triển khai ĐTQM theo mô hình PPP sẽ giúp Hệ thống được vận hành hiệu quả, thông suốt hơn.
Một yếu tố quan trọng cũng được Dự thảo đề cập đó là vấn đề chữ ký số (KPI), pháp luật KPI và cơ sở hạ tầng KPI trong ĐTQM.

Cần một hệ thống mua sắm hiện đại như thế nào cho Việt Nam?

Theo ông Kang-il Seo, Phó Giám đốc Phòng Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Mua sắm công Hàn Quốc, tiết kiệm chi phí giao dịch qua hệ thống ĐTQM của Hàn Quốc năm 2012 là 8 tỷ USD, trong đó phía tư nhân là 6,6 tỷ USD, Nhà nước là 1,4 tỷ USD; giảm 7,8 triệu trang tài liệu giấy mỗi năm. Chia sẻ kinh nghiệm đối với Việt Nam, ông Kang-il Seo cho rằng: Nếu quay ngược triển khai lại ĐTQM, Hàn Quốc sẽ rút kinh nghiệm bằng việc chú trọng đến công tác thống kê trong hoạt động đấu thầu; đồng thời, đưa ra cơ chế báo cáo đối với các cơ quan thực hiện đấu thầu vì sau 11 năm triển khai, pháp luật về đấu thầu của Hàn Quốc mới yêu cầu các cơ quan thực hiện mua sắm công phải thực hiện cơ chế báo cáo để quản lý.
Trước những thách thức đặt ra đối với phát triển ĐTQM tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đấu thầu quốc tế tại Hội nghị nhấn mạnh: Để vận hành tốt hệ thống ĐTQM thì yếu tố con người là rất quan trọng bởi nhiều khi lỗi kỹ thuật trong công nghệ có thể dễ chấp nhận hơn là lỗi từ con người gây ra.
Theo đó, ông Ahish Bhateja, chuyên gia đấu thầu cấp cao của Ngân hàng Thế giới cho rằng: Việt Nam phải có nhiều nỗ lực thực hiện ĐTQM, bởi đây là hình thức mua sắm công được đánh giá mang lại rất nhiều lợi ích, đảm bảo cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế.