Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ điều chỉnh tất cả các hoạt động đấu thầu

14/06/2013

Ngày 5/6 tại phiên làm việc của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình số 202/TTr-CP về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Những hạn chế của hệ thống pháp luật về đấu thầu

Trình bày tại Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu rõ, việc ban hành Luật Đấu thầu năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Luật số 38/2009/QH12) cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành hai Luật này đã góp phần thiết lập môi trường minh bạch, cạnh tranh cho các hoạt động đấu thầu phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở để chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ, công trình, giúp tiết kiệm nguồn vốn có hạn của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước cũng bộc lộ một số bất cập, thể hiện trên các mặt như: tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu chưa đồng đều và còn hạn chế ở một số địa phương; chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu chưa cao; vấn đề quản lý sau đấu thầu chưa được thực hiện thường xuyên và chưa được quan tâm đúng mức… Một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước là do những hạn chế của hệ thống pháp luật về đấu thầu.
Các quy định về đấu thầu còn tản mạn, thiếu tính đồng bộ và thống nhất. Hiện nay lĩnh vực đấu thầu đang được chia nhỏ, quản lý không tập trung do được quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây nên tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, cụ thể như: Đấu thầu lựa chọn nhà thầu được quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật số 38/2009/QH12; Đấu thầu theo phương thức mua sắm tập trung được quy định tại Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg, Thông tư số 22/2008/TT-BTC; Đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công được quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg; Đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định tại Nghị định số 31/2005/NĐ-CP, Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg.
Xuất phát từ thực tế trên, cần ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) với tư cách là luật chung, pháp điển hóa các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về hoạt động đấu thầu, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một lĩnh vực và bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2005 còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhiều hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước đã phát sinh trong thời gian qua. Trên thực tế, các hoạt động nhằm mục đích công như cung cấp dịch vụ công ích nhưng không hình thành dự án; hoạt động sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài hoặc thực hiện dự án ODA ở nước ngoài; hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và dự án sử dụng đất chưa được quy định cụ thể. Do vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần bổ sung những nội dung nêu trên.
Hơn nữa, việc phân cấp trong hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản cho cơ quan nhà nước chưa được quy định cụ thể như đối với dự án đầu tư; thủ tục trình duyệt chưa được tinh giản làm mất nhiều thời gian tổ chức hoạt động đấu thầu.Việc đánh giá hồ sơ dự thầu theo phương pháp giá đánh giá thấp nhất quy định tại Luật Đấu thầu năm 2005 là phương pháp tiên tiến, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng chưa tính đến điều kiện cụ thể của Việt Nam nên trong một số trường hợp khó áp dụng. Vì vậy, cần bổ sung thêm các phương pháp đánh giá mới để tạo tính chủ động, linh hoạt cho chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có quy mô, tính chất khác nhau; Cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ. Thực tế cho thấy, một số hành vi lách luật hoặc không tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật đấu thầu đã phát sinh trong thời gian qua, nhưng chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh và chưa đầy đủ đối với tất cả các bên tham gia hoạt động đấu thầu; cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu chưa hợp lý và chưa rõ ràng trong trường hợp giải quyết tranh chấp tại tòa án; Hệ thống dữ liệu về đấu thầu còn nghèo nàn, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trong quá trình theo dõi, quản lý hoạt động đấu thầu cũng như xây dựng chính sách đấu thầu, đồng thời không tạo điều kiện để minh bạch hóa thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện chủ trương phân cấp mạnh và hướng đến thực hiện thủ tục đấu thầu qua mạng.

Thống nhất hệ thống pháp luật đấu thầu về một đầu mối - Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thực tế cho thấy, có nhiều ý kiến đề cập đến những nội dung chồng chéo, bất cập gây khó khăn trong quá trình thực hiện do các quy định về đấu thầu nằm rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Trong Báo cáo về rà soát pháp luật kinh doanh (rà soát 16 Luật và gần 200 văn bản dưới luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trong đó có Luật Đấu thầu năm 2005, với sự tham gia của hơn 2000 doanh nghiệp, chuyên gia, 182 tham luận và 879 kiến nghị) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2011 đã kiến nghị: “pháp điển hóa các quy định liên quan lựa chọn nhà thầu trong các hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng cũng như trong các quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu”; sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu theo hướng Luật chung để điều chỉnh toàn bộ hoạt động đấu thầu, “các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Thương mại chỉ quy định những nội dung quản lý đặc thù trong từng lĩnh vực, không quy định lại quy trình, các nội dung chung trong Luật Đấu thầu”.
Chính vì lý do đó, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở: Hoàn thiện chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, trong đó thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng duy trì tỷ trọng đầu tư công truyền thống ở mức hợp lý, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi, minh bạch nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng trên cơ sở cạnh tranh, từng bước nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính dẫn dắt của các hoạt động đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực và của nền kinh tế; Tạo cơ sở pháp lý áp dụng đồng bộ, thống nhất chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong toàn bộ quá trình thực hiện các hoạt động này; Ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước; Nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước; Chống thất thoát, lãng phí, dàn trải, khép kín, đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh và phòng, chống tham nhũng trong hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước; Phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhưng phải đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước; Kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các Hiệp định song phương, khu vực và đa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu:
Việc ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) với vai trò là luật chung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc tất cả các lĩnh vực và các hình thức là cần thiết. Đồng thời, để thống nhất các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xử lý mối quan hệ giữa Luật này với các luật khác có liên quan về lĩnh vực đấu thầu, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đấu thầu, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Trong báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá rằng, sau gần 7 năm thi hành Luật Đấu thầu, các hoạt động đấu thầu mua sắm sử dụng vốn nhà nước đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy có tình trạng thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn nhà nước. Trong quá trình thực hiện, Luật Đấu thầu cũng đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế và bất cập. Do đó, việc ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) với vai trò là luật chung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc tất cả các lĩnh vực và các hình thức là cần thiết. Đồng thời, để thống nhất các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xử lý mối quan hệ giữa Luật này với các luật khác có liên quan về lĩnh vực đấu thầu, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đấu thầu, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.


Nguồn: Ngô Trần - Báo Đấu thầu