Mở thầu trên Hệ thống đấu thầu điện tử: Biên bản mở thầu không còn là “bảo mật”

03/10/2013

Thực tế lâu nay, không phải ai cũng được bên mời thầu tạo điều kiện để được tham dự Lễ mở thầu và tiếp cận biên bản mở thầu, ngay cả với cánh báo chí. Tuy nhiên, đấu thầu qua mạng lại có thể giúp các nhà quản lý, nhà thầu và cộng đồng dễ dàng tiếp cận văn bản này.

Tuân thủ pháp luật chưa nghiêm

Khi đề nghị với một số bên mời thầu để được tham dự lễ mở thầu và tiếp cận biên bản mở thầu, không ít lần phóng viên Báo Đấu thầu đã vấp phải sự từ chối, kể cả từ chối một cách “khéo léo”, thẳng thừng, thậm chí có cả biện pháp “mạnh tay”. Để từ chối, hàng loạt lý do được bên mời thầu đưa ra nhằm ngăn cản “người ngoài” can dự vào cuộc thầu.
Theo quy định của pháp luật (Khoản 3 Điều 33 của Luật Đấu thầu), “việc mở thầu phải được tiến hành công khai ngay sau thời điểm đóng thầu đối với các hồ sơ dự thầu được nộp theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Thông tin chính nêu trong hồ sơ dự thầu (HSDT) của từng nhà thầu phải được công bố trong buổi mở thầu, được ghi lại trong biên bản mở thầu có chữ ký xác nhận của đại diện bên mời thầu, đại diện nhà thầu và đại diện cơ quan liên quan”. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Luật số 12/1999/QH10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, nhà báo có quyền: “khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật”.
Điều này cho thấy, mặc dù pháp luật đã có quy định về việc công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu, nhưng đơn vị thực hiện vẫn cố tình không tuân thủ nghiêm.

Tăng tính công khai, minh bạch

Qua một số cuộc hội thảo và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài cho thấy, một số nước tiên tiến trên thế giới đã đưa vào luật định về việc công khai thông tin đấu thầu một cách tối đa. Bên cạnh kết quả xét thầu, chủ đầu tư/bên mời thầu còn phải có trách nhiệm đăng tải công khai lý do trượt thầu của nhà thầu bị loại (từ 1/2/2013, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng Việt Nam mới bổ sung quy định về công khai lý do chỉ định thầu, lý do đấu thầu hạn chế). Thậm chí là cả kết quả phân xử tại tòa án cũng phải được công bố rộng rãi. Nhưng so với thực tế của Việt Nam, thực hiện được mục tiêu này không phải dễ, thậm chí có nhiều vướng mắc.
Trước khi đạt được mục tiêu này thì hình thức đấu thầu qua mạng được cho là một trong những công cụ hữu hiệu trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch, đồng thời giảm thiểu tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu. Do đó, các chuyên gia quốc tế đã đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng qua Hệ thống Đấu thầu điện tử tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn.
Khi đấu thầu qua mạng thì gần như mọi thông tin của một cuộc mở thầu đều được hiển thị trên trang chủ của Hệ thống, từ thông báo mời thầu, thông báo mời sơ tuyển, kế hoạch đấu thầu, kết quả mở thầu điện tử, kết quả đấu thầu điện tử… Trong kết quả mở thầu điện tử, người dùng của Hệ thống sẽ tìm kiếm được theo thời gian, gói thầu cụ thể, thời điểm mở thầu và các nội dung cụ thể có trong biên bản mở thầu. Tất cả các thao tác tìm kiếm này thực hiện rất đơn giản. Chỉ cần click chuột vào mục “Kết quả mở thầu điện tử” ở phần thông tin đấu thầu hàng hóa, xây lắp, tư vấn, EPC, ngay lập tức màn hình sẽ dẫn dắt đến cụm “Tìm kiếm kết quả mở thầu” để tiếp cận “Danh sách kết quả mở thầu” và “Biên bản mở thầu”… với đầy đủ các thông tin như: số lượng và tên các nhà thầu tham dự thầu, giá gói thầu, bảo đảm dự thầu và hiệu lực bảo đảm dự thầu của mỗi nhà thầu tham gia “thi thố”.
Như vậy, “biên bản mở thầu” không còn được “bảo mật” bởi bên mời thầu. Điều này vừa tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả hoạt động đấu thầu, đồng thời giúp cho các bên liên quan như chủ đầu tư/bên mời thầu dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, những thông tin mở thầu được công khai trên Hệ thống chính là căn cứ để cho người dân giám sát hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thông qua hoạt động đấu thầu ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, miễn là có một chiếc máy tính kết nối mạng internet và truy cập vào trang http://muasamcong.mpi.gov.vn.

Công cụ phòng, chống tham nhũng đắc lực

Ngoài những ưu việt trên, việc công khai biên bản mở thầu trên Hệ thống đấu thầu điện tử còn có thể giúp cho các cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm, thông đồng, móc ngoặc trong đấu thầu; giúp hạn chế tối đa việc thông thầu. Đặc biệt, khi HSMT được phát hành miễn phí qua Hệ thống, thì từ lúc nộp HSDT cho đến lúc mở thầu, bên mời thầu và bên dự thầu, các bên dự thầu với nhau không hề được tiếp xúc trực tiếp, mà chỉ khi mở thầu điện tử thì tất cả thông tin mới được hiển thị thông qua Hệ thống.
Khi những dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu càng dễ bị phát hiện thì tính răn đe đối với chủ đầu tư/bên mời thầu và nhà thầu càng mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, khi đọc biên bản mở thầu của một gói thầu trên Hệ thống đấu thầu điện tử, các thông tin về giá gói thầu và giá dự thầu sẽ được hiển thị. So sánh giữa giá gói thầu và giá dự thầu của các nhà thầu sẽ nhận thấy được mức giảm giá mà nhà thầu cam kết. Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường thì dựa vào sự chênh lệch vượt mức giữa giá gói thầu và giá dự thầu có thể dễ dàng nhận ra và đặt dấu hỏi nghi vấn.
Nếu giá dự thầu cao hơn giá gói thầu có thể cho thấy nhiều giả thiết. Một là chứng tỏ nhà thầu đó không nắm vững quy định pháp luật về đấu thầu hoặc chưa có kinh nghiệm đấu thầu. Giả thiết thứ hai đặt ra là liệu nhà thầu này có ý đồ gì mờ ám hay không, có cố tình móc ngoặc với nhà thầu khác hoặc bên mời thầu để cố tình “trượt thầu” hay không?... và còn nhiều giả thiết khác nữa.
Còn nếu giá dự thầu quá thấp so với giá gói thầu thì cũng phải đặt dấu hỏi là liệu có điều gì bất thường ở cuộc thầu này không? Ví dụ như gói thầu trên 40 tỷ đồng nhưng nhà thầu lại đưa ra giá dự thầu là khoảng 10 tỷ đồng, rõ ràng ở đây đang có vấn đề, có thể là nhà thầu tính toán sai, hoặc cố tình “làm bài” như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đặt ngược lại vấn đề là liệu dự toán của chủ đầu tư/bên mời thầu trong HSMT có chính xác hay không?...
Như vậy, từ những dấu hiệu đáng nghi vấn này, các cơ quan chức năng có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra các bên liên quan. Nếu xác định được các nghi vấn đó là đúng thì cơ quan chức năng có thể có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các bên tham gia, thậm chí là có thể cấm nhà thầu tham gia đấu thầu trên phạm vi cả nước khi có căn cứ chứng minh nhà thầu đó thông thầu. Nếu nhà thầu cố tình móc ngoặc để “tự trượt thầu” thì quả thực, họ đã rất liều lĩnh khi “đặt cược” số phận của cả doanh nghiệp mình, chỉ vì một lợi ích trước mắt, không tính đến chiến lược phát triển lâu dài.

Lê Xuân - Báo Đấu thầu.