Sắp bắt buộc áp dụng đấu thầu điện tử để tiết kiệm chi tiêu công

25/11/2013

Hiện đã có hơn 900 gói thầu thí điểm thực hiện đấu thầu điện tử, đạt tỷ lệ tiết kiệm trung bình 27,4% giá trị đấu thầu mua sắm. Sắp tới, sau khi Luật Đấu thầu sửa đổi được thông qua, các cơ quan Nhà nước (CQNN) sẽ phải triển khai đấu thầu điện tử nhằm tiết giảm chi tiêu công.

Tiết kiệm, công khai, minh bạch

Hệ thống đấu thầu điện tử http://muasamcong.mpi.gov.vn được triển khai thí điểm tại Việt Nam từ năm 2009, đến nay đã cho thấy rất nhiều hiệu quả, tiện ích đối với hoạt động đấu thầu mua sắm của các CQNN.
Ông Phạm Thy Hùng, Trưởng phòng Quản lý mạng Đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: "Đến thời điểm này đã có hơn 70.000 gói thầu và hơn 10.000 kế hoạch đấu thầu được đăng tải, trong đó, 935 gói thầu được thực hiện đấu thầu điện tử.
Thống kê khoảng 100 gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất trong số 935 gói thầu này thì trung bình tỷ lệ tiết kiệm đạt 27,4%, cá biệt có gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm của giá trúng thầu so với giá gói thầu trung bình lên tới 73%, trong khi đó, tỷ lệ tiết kiệm trung bình của các gói thầu đấu thầu truyền thống chỉ đạt khoảng 1 - 2%, thậm chí nhiều địa phương báo cáo tỷ lệ tiết kiệm chỉ đạt chưa đến 1%. Có thể nói tỷ lệ tiết kiệm 27,4% là rất ấn tượng trong bối cảnh tiếp tục cắt giảm chi tiêu công".
Sự tiết giảm chi phí kể trên một phần do hoạt động đấu thầu điện tử đã giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều công sức, chi phí đi lại và chi phí in ấn tài liệu (nếu đấu thầu truyền thống, giả sử đơn vị bán hồ sơ mời thầu có trụ sở tại TP.HCM, đối tượng có nhu cầu phải đến TP.HCM để mua hồ sơ mang về, sau này, đến thời điểm nộp hồ sơ thầu lại phải đến TP.HCM lần nữa để nộp).
Bên cạnh lợi ích tiết kiệm chi phí, ưu điểm nổi trội nhất của hệ thống đấu thầu điện tử chính là sự công khai, minh bạch thông tin đấu thầu. Theo Thông tư 17 quy định chi tiết thí điểm đấu thầu điện tử do Bộ KH&ĐT ban hành tháng 7/2010, nếu chào hàng cạnh tranh thì hồ sơ yêu cầu phải phát hành miễn phí trên mạng, do đó, mọi nhà thầu đều có thể tiếp cận hồ sơ trên mạng, không bị giới hạn truy cập vào hồ sơ mời thầu, không còn lo ngại về vấn đề đến nơi mua hồ sơ mời thầu nhưng không gặp người bán, nhiều khi lại gặp "đầu gấu" đứng ở cổng không cho vào. Quan trọng hơn, nếu hồ sơ mời thầu công khai trên mạng thì chất lượng nội dung hồ sơ mời thầu phải rất tốt, không thể có chuyện một số nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu làm "dấm dúi" với nhau.
Đối với hoạt động mở thầu, cũng theo quy định của Thông tư 17, biên bản mở thầu phải công khai trên mạng. Nhìn lại các lễ mở thầu theo phương thức truyền thống, số lượng đối tượng tham dự bị giới hạn bởi không gian hạn chế, đơn vị tổ chức lại tốn kém chi phí cho việc tổ chức sự kiện, và khi mở thầu, các bên phải mở và ký vào từng trang biên bản, nhiều khi không ai kiểm chứng độ đúng sai của thông tin do bên mời thầu ghi. Nhưng với đấu thầu điện tử thì không phải lo chuyện tổ chức sự kiện, mọi công việc liên quan tới số liệu, nội dung thầu đều do máy tính thực hiện, trích xuất rồi công khai luôn trên mạng Internet. Khi nhập kết quả trúng thầu sẽ nhập cả bảng báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định. Việc công khai biên bản mở thầu trên hệ thống đấu thầu điện tử còn có thể giúp cho các cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm, thông đồng, móc ngoặc trong đấu thầu, giúp hạn chế tối đa việc thông thầu. "Như vậy, hệ thống đấu thầu điện tử đã công khai tối đa về thông tin từ hồ sơ mời thầu, biên bản mở thầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, quyết định phê duyệt,... Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể điện tử hóa 100% các công đoạn của hoạt động đấu thầu bởi còn 1 công đoạn là chấm thầu vẫn phải tiến hành theo phương thức thủ công do chưa có quy định và công thức tính toán cụ thể, đồng thời chưa có đủ các cơ sở dữ liệu liên quan như cơ sở dữ liệu về nhà thầu, về hợp đồng tương tự, về hồ sơ năng lực,... để có căn cứ đánh giá, so sánh, thẩm định', ông Hùng cho biết thêm.

Viễn thông, điện lực đang làm tốt nhất

UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 3 đơn vị được "chọn mặt gửi vàng" để tham gia thí điểm đấu thầu điện tử. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho phép 3 đơn vị này triển khai thí điểm đấu thầu điện tử đến hết năm 2013, đồng thời giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đào tạo, tập huấn về đấu thầu điện tử. Trong 2 năm qua, Cục Quản lý đấu thầu đã phối hợp với gần 30 địa phương, Bộ, ban, ngành triển khai công việc này.
Theo đánh giá của Cục Quản lý đấu thầu, viễn thông, điện lực đang là 2 ngành triển khai đấu thầu điện tử tốt nhất, có nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu của các đơn vị trực thuộc đăng ký vào hệ thống, tự đăng tải thông báo mời thầu qua mạng, thường xuyên tổ chức các gói thầu đấu thầu rộng rãi mua sắm hàng hóa,... Điển hình như Tổng công ty Điện lực TP.HCM còn xây dựng cả quy trình nội bộ về đấu thầu điện tử, thường xuyên rà soát tổng hợp những khó khăn vướng mắc và trao đổi kinh nghiệm để thực hiện đấu thầu điện tử tốt hơn. Hoặc trong lĩnh vực viễn thông, những đơn vị đang "đi tiên phong" gồm Công ty Điện toán & Truyền số liệu VDC, Công ty Điện thoại Hà Nội 2, Công ty Điện thoại Hà Nội 3,...
Theo đánh giá của các tổ chức, doanh nghiệp thì việc sử dụng hệ thống đấu thầu điện tử rất thuận tiện. Đối với chủ đầu tư và bên mời thầu, chỉ cần đăng ký 1 lần rồi sau đó có thể tự đăng tải thông tin đấu thầu, không tốn kém thời gian, chi phí lấy phiếu đăng ký đăng tải thông tin lên báo giấy như trước kia. Còn với các nhà thầu thì có thể tìm kiếm thông tin rất nhanh bằng công cụ có sẵn trên hệ thống, không phải ngồi dò từng trang báo giấy.
Để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, Cục Quản lý đấu thầu đã ứng dụng chữ ký số chuyên dụng, cấp miễn phí cho các bên tham gia hệ thống đấu thầu điện tử. Đại diện Cục Quản lý đấu thầu khẳng định hệ thống đang vận hành với mức độ an toàn bảo mật rất cao bởi đây là hệ thống được chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc sang, được trang bị đầy đủ hệ thống tường lửa, hệ thống chống tấn công, xâm nhập, virus,...

Sắp bắt buộc phải đấu thầu điện tử

Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11/2013, trong đó có riêng 1 chương về đấu thầu điện tử. Sau khi Luật được ban hành thì sẽ đấu thầu điện tử sẽ trở thành hoạt động bắt buộc đối với các CQNN chứ không chỉ dừng ở mức khuyến khích triển khai như trong giai đoạn thí điểm.
Mọi tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động đấu thầu đều sẽ phải đăng ký trên hệ thống http://muasamcong.mpi.gov.vn để tạo thành cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu (nếu không có tên trên hệ thống thì kể cả khi tham gia các gói thầu được đấu thầu theo phương thức truyền thống cũng sẽ bị loại ngay từ vòng đầu với lý do không đủ tư cách hợp lệ).
Cần lưu ý, tại Việt Nam, tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hàng năm khoảng 20% GDP (tương đương hơn 20 tỷ USD). Nếu triển khai đấu thầu điện tử cho 100% các gói thầu thì có thể tiết kiệm hàng tỷ USD cho ngân sách Nhà nước.


Theo Nguồn: Cục Ứng dụng CNTT - Bộ TT&TT
Mai Thanh Hải