Quốc hội biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi)

27/11/2013

Sáng ngày 26/11, tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi) với tuyệt đại đa số ý kiến tán thành (440/443 đại biểu có mặt tại Hội trường).
Đây là kết quả đạt được sau 2 năm chuẩn bị dự án Luật với nhiều cuộc hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng đại diện các Bộ, ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại các cuộc hội thảo, ý kiến đóng góp trực tiếp của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) và các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ và thuyết phục từng ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự án Luật đúng tiến độ và đáp ứng mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi) với số phiếu tán thành rất cao (440/443 = 99,3% đại biểu có mặt tại Hội trường).

Ảnh: Nhà Sáng

Theo đó, Luật đấu thầu (sửa đổi) gồm có 13 chương, 96 điều. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Luật đấu thầu số 61/2005/QH11 sẽ hết hiệu lực; đồng thời các quy định tại Mục 1 Chương VI Luật xây dựng số 16/2003/QH11 và Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 cũng sẽ được bãi bỏ.

Khi có hiệu lực, Luật đấu thầu (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước đột phá mạnh mẽ về thể chế, phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Luật đấu thầu (sửa đổi) được thông qua sẽ góp phần giải quyết kịp thời tình trạng manh mún, không tập trung, chồng chéo và thiếu thống nhất trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đồng thời, Luật đấu thầu (sửa đổi) ra đời cũng góp phần hoàn thiện chính sách về đấu thầu sử dụng vốn nhà nước, đáp ứng yêu cầu về quản lý hoạt động đấu thầu; làm tăng tính chuyên nghiệp trong đấu thầu; tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước; và cải cách thủ tục hành chính.



Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trao đổi với các đại biểu Quốc hội

Ảnh: Hà Minh

Về cơ bản, Luật đấu thầu (sửa đổi) lần này đã kế thừa, cụ thể hóa và sửa đổi các quy định tương ứng của Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009. Đồng thời, Luật đấu thầu (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới như: Lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung; mua sắm thường xuyên; mua thuốc, vật tư y tế; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; Lựa chọn nhà đầu tư; Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng; Trách nhiệm của các bên trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư…
Đặc biệt, nội dung phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu (sửa đổi) được quy định rõ ràng, mạch lạc và có tính bao quát hơn rất nhiều so với Luật đấu thầu số 61/2005/QH11. Cụ thể:
"Điều 1: Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quản lý nhà nước về đấu thầu; trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động đấu thầu, bao gồm:
1. Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với:
a) Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước;
c) Dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;
d) Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;
đ) Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;
e) Mua sắm hàng hóa dự trữ quốc gia sử dụng vốn nhà nước;
g) Mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế; nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập.
2. Lựa chọn nhà thầu thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam mà dự án đó sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
3. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất.
4. Lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí trừ việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí.”
Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 6/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục trình Chính phủ ban hành lần lượt các Nghị định hướng dẫn lựa chọn nhà thầu, Nghị định hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư và các Thông tư hướng dẫn về mẫu hồ sơ mời thầu (xây lắp, mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ tư vấn), Thông tư quy định chi tiết về đăng tải thông tin đấu thầu, lập kế hoạch đấu thầu, đào tạo đấu thầu, đấu thầu qua mạng… nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, góp phần đưa Luật đấu thầu (sửa đổi) nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Nguồn: Báo Đấu thầu - Bích Thủy