Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 Bài 2: Tối đa hóa công khai, minh bạch thông tin đấu thầu

13/12/2013

Đúc rút từ thực tiễn, Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 đã bổ sung nhiều quy định bắt buộc bên mời thầu phải có trách nhiệm cung cấp thông tin

Ảnh: LTT

Việc công khai thông tin trong đấu thầu đã sớm được đặt ra trong Luật đấu thầu năm 2005. Theo đó, khoản 1 Điều 5 của Luật đấu thầu năm 2005 quy định các thông tin về đấu thầu phải được đăng tải công khai là: “Kế hoạch đấu thầu; Thông báo mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển; Thông báo mời thầu đối với đấu thầu rộng rãi; Danh sách nhà thầu được mời tham gia đấu thầu; Kết quả lựa chọn nhà thầu; Thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu; Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu hiện hành; Các thông tin liên quan khác.”
Tuy nhiên, nếu như trước đây, mỗi gói thầu thông thường chỉ có từ vài ba nhà thầu tham dự thầu, thì đến nay, số lượng nhà thầu tham gia trên một gói thầu đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng vào năm 2009, các thông tin về đấu thầu như thông báo mời thầu, kế hoạch đấu thầu, biên bản mở thầu… cho đến kết quả đấu thầu, tất cả gần như được “bày” hết lên “mâm” Hệ thống đấu thầu điện tử. Cho nên, các nhà thầu rất dễ dàng tìm kiếm thông tin và có thể cập nhật thông tin một cách nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có vài ba nhà thầu tham dự như trước, thì nay, mỗi gói thầu có tới 8 – 10 nhà thầu đăng ký tham dự lại diễn ra khá phổ biến, thậm chí có gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước mà có tới 30 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu để đăng ký tham dự thầu. Số lượng nhà thầu tham gia càng nhiều thì sự cạnh tranh giữa các nhà thầu lại càng lớn và càng bảo đảm mục tiêu đặt ra trong quá trình lựa chọn nhà thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế; hạn chế tình trạng khép kín; phòng chống tham nhũng trong hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước. Và một khi thông tin được minh bạch thì hiệu quả đạt được ngày càng cao, có lợi cho cả đôi bên, nhà thầu cũng như chủ đầu tư.


Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 bắt buộc phải công khai Danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án có sử dụng đất

Ảnh: LTT

Đúc rút từ thực tiễn đó, Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 lần này đã kịp thời bổ sung thêm nhiều quy định bắt buộc bên mời thầu phải có trách nhiệm cung cấp thông tin để đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu, cũng như khuyến khích đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Các nội dung bắt buộc phải công khai được quy định tại khoản 1 Điều 8 là:
a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
b) Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển;
c) Thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu;
d) Danh sách ngắn;
đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
e) Kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng;
g) Thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;
h) Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu;
i) Danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án có sử dụng đất;
k) Cơ sở dữ liệu về nhà thầu, nhà đầu tư, chuyên gia đấu thầu, giảng viên đấu thầu và cơ sở đào tạo về đấu thầu;
l) Thông tin khác có liên quan.”
Hơn nữa, vấn đề minh bạch, công khai trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế cũng là một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm thời gian qua, bởi đây là khoản chi khá lớn từ vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập. Để khắc phục những hạn chế thời gian qua, đồng thời bảo đảm yêu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như phù hợp với mức sống của đại đa số người dân, Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 đã quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan. Theo đó, “Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc đấu thầu; danh mục thuốc đấu thầu tập trung; danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá”. Bên cạnh đó, Luật giao “Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế và việc công khai giá thuốc, vật tư y tế theo kết quả lựa chọn nhà thầu” (Điều 51).
Như vậy, mỗi một nội dung, mỗi một tổ chức, cá nhân trong Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 đều được tăng cường tính công khai, minh bạch một cách triệt để. Do đó, không ít đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội lần này đã đánh giá cao tính đột phá của Luật, tạo nên một bước chuyển rất lớn trong hoạt động đấu thầu, tăng cường sự giám sát của cộng đồng, nhằm hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng, thông thầu…

Nguồn: Báo Đấu thầu - Bích Thủy