Kinh nghiệm triển khai cấp phát và sử dụng Chứng minh nhân dân điện tử trên thế giới

17/12/2013

Chứng minh nhân dân điện tử đã được triển khai cấp phát sử dụng rộng rãi trên thế giới. Trên website của Inside ID (http://www.insideid.com) đã giới thiệu về hiện trạng 117 dự án về định danh điện tử, một báo cáo từ German TAB đã thống kê 107 dự án về sự kiểm soát và chứng minh nhân dân điện tử ở 55 quốc gia. Nói chung, tình hình triển khai định danh điện tử khá khả quan nhưng vẫn còn một số nước vùng lãnh thổ vẫn còn hạn chế.

Mỹ không hào hứng với việc sử dụng chứng minh nhân dân điện tử. Ở Mỹ, tổng thống Bush phản đối chứng minh nhân dân, ở Canada, dự án cấp chứng minh nhân dân bị sức ép lớn từ người dân và ở Áo tình hình cũng tương tự. Tuy nhiên ở phía Đông Á chứng minh nhân dân điện tử đang triển khai bùng nổ (Nhật, Trung Quốc, Hồng Công, Malaysia) và cả ở Trung Đông.
Từ góc độ kỹ thuật, chứng minh nhân dân điện tử vẫn đang sử dụng một giải pháp chắp vá. Mặc dù hầu hết các dự án đã lựa chọn công nghệ trên cơ sở sử dụng chíp tiếp xúc (phải đưa thẻ vào đầu đọc thẻ) là công nghệ chính và sự lựa chọn về cơ sở hạ tầng khóa công khai là rất khác nhau. Chỉ một vài nước châu Âu là sử dụng công nghệ sinh trắc học cho việc thẩm tra người dùng cuối. Mặc dù thực tế trên thế giới hơn 70 quốc gia đã áp dụng công nghệ sinh trắc học cho mục đích xác thực chủ thẻ.
Áo
Chính phủ Áo đã khởi động dự án vào năm 2000, phiên bản mẫu cho chứng minh nhân dân có tên ‘Bürgerkarte’. Mẫu này chưa phải là một thẻ chuyên dụng nhưng nó chứa những chức năng cơ bản theo triển vọng phát triển Chính phủ điện tử. Các chức năng cơ bản như định danh an toàn và chứ ký điện tử. Nó cũng cung cấp khả năng kết nối tin cậy trên cơ sở mã hóa dữ liệu. Phiên bản mẫu được thiết kế trên cơ sở chuẩn mở và giao diện mở cho phép triển khai các thẻ thông minh hoạt động tương tích với nhau.
Bỉ


Tháng 4/2003, 11 cơ quan hành chính Bỉ đã bắt đầu ban hành chứng minh nhân dân điện tử mới gọi là BelPIC. (Belgian Personal Identity Card)
Chính quyền thành phố đã phối hợp với văn phòng đăng ký quốc gia và công ty Belgacom (đơn vị chứng thực) để thực hiện. Tháng 5/2004, 56000 công dân Bỉ đã sử dụng chứng minh nhân dân điện tử. Với sự thành công của chương trình thí điểm này, Bỉ đã tiến hành mở rộng từ 9/2004. Theo lịch trình thì Bỉ sẽ hoàn thành dự án vào năm 2010. Tới năm 2007 chứng minh nhân dân điện tử mới chỉ được phân phát cho những đối tượng chính như công chứng viên hay bác sỹ và các cá nhân có nhu cầu. Sự chậm trễ này là do cần phải phát triển các dịch vụ ứng dụng sử dụng thẻ trước để đáp ứng nhu cầu sử dụng của công dân.
Chức năng cơ bản của hệ thống là định danh, xác thực và chữ ký điện tử. Thẻ hiện tại đang hỗ trợ 2 mã PIN hỗ trợ thẩm định sinh trắc học trong tương lai. Hơn nữa phương thức tiếp xúc từ xa được dự kiến hỗ trợ. Các loại ứng dụng truy cập đáng tin cậy: dịch vụ điện tử, chức năng cổng thông tin điện tử, khai báo thuế trực tuyến. Người dân có thể thực hiện yêu cầu tại gia cho thủ tục văn bản hành chính đối với Chính phủ hoặc truy cập vào hồ sơ dân sự của mình bao gồm cả giấy khai sinh và một số giấy tờ khác. Đối với lĩnh vực ngân hàng để phục vụ truy cập tại gia đang được triển khai thực hiện. Các trường đại học cũng đang xem xét sử dụng như thẻ sinh viên. Thẻ cũng có chức năng của một thẻ du lịch quốc tế cho đối với các nước trong nhóm Schengen.
Bulgaria
Dự án phát hành thẻ thông minh chứng minh nhân dân dân điện tử cho các cá nhân của 8 triệu dân cư đã được phát triển sau khi Bungary từ bỏ kế hoạch phát hành chứng minh nhân dân sử dụng băng từ. Ý tưởng này xuất phát từ việc dùng chứng minh nhân dân cho đa mục đích bao gồm cả y tế và ngân hàng. Dự án bắt đầu năm 2003. Mục đích đầu tiên là gia tăng an toàn cho chính phủ.Trong dự án này 10.000 chứng nhận an toàn dữ liệu đã được cấp chính quyền phát hành.
Đan Mạch
Thực thi định danh điện tử được giới hạn đối với giải pháp trên nền web. Đan mạch chưa có kế hoạch cho chứng minh nhân dân điện tử. Cơ quan công nghệ thông tin và truyền thông nhà nước đã ban hành chữ ký số nhưng chưa được công bố các ứng dụng công.
Estonia


Hội đồng quản lý công dân và di dân Estonia chịu trách nhiệm phát hành chứng minh nhân dân điện tử. Quá trình phát hành được sự phối hợp giữa nhà nước và tư nhân. Thẻ được phát triển trên cơ sở công nghệ tiếp xúc và lưu trữ các thông tin cá nhân, chứng thực PKI phục vụ định danh, xác thực và bắt buộc với người dân. Thẻ được bảo vệ bởi mã PIN, công nghệ sinh trắc học chưa được sử dụng.

Phần Lan

Chứng minh nhân dân điện tử của Phần Lan được Văn phòng đăng ký dân cư (RPC) phát hành là một thẻ đa năng được sử dụng cho nhiều dịch vụ ứng dụng. RPC phát hành chứng nhận chất lượng dịch vụ đầu tiên ở Phần lan năm 1999.
Khoảng 50 dịch vụ PKI có thể dùng được đối với người sử dụng thẻ. Các ứng dụng hành chính cho người lao động truy cập vào dịch vụ điện tử như chi trả lương … sẽ thực sự được triển khai vào cuối năm 2004 (kích cỡ dữ liệu trên thẻ 25KB). Các công dân Phần Lan có thể yêu cầu có dữ liệu bảo hiểm sức khỏe trong thẻ. Kết hợp các chức năng trong thẻ có thể giảm số thẻ được sử dụng bởi mỗi cá nhân.
Pháp
Tháng 2/2004 Thủ tướng Pháp đã phê phuẩn chương trình ADELE một kế hoạch quốc gia về điện đại hóa cơ sở hạ tầng và mối quan hệ giữa công dân và các cơ quan Chính phủ. Chương trình bao gồm 140 dự án khác nhau, phát hành thẻ thông minh là ưu tiên cao trong khung thực hiện chính phủ điện tử.
Nền tảng của chứng minh nhân dân điện tử tên là “Titre Fondateur” sau được đổi tên là “INES” (Indentité Nationale Electronique Securitée) dưới sự quản lý và thực hiện bởi Bộ Nội vụ Pháp. Mức độ ưu tiên cũng được tập trung vào dự án CNIE đối với chứng minh nhân dân điện tử “ECC”. CNIE được xem xét là cơ bản cho việc hiện đại hóa Chính phủ.
Chức năng cơ bản của thẻ là hỗ trợ Chính phủ điện tử và gia tăng chất lượng dịch vụ công cộng. Công dân có thể sử dụng thẻ ECC để sử dụng các thủ tục hành chính và họ sẽ có thể tương tác trực tiếp với cơ quan hành chính. CNIE sẽ là thẻ đa năng được tích hợp chữ ký điện tử và 2 chức năng sinh trắc học nhận dạng vân tay và nhận dạng khuôn mặt.
Đức
Đức vẫn sử dụng thẻ định danh công dân giấy. Có một vài dự án về định danh điện tử và dịch vụ chính phủ điện tử trong chương trình BundOnline 2005 nhắm tới có khoảng 400 dịch vụ chính phủ điện tử liên bang trực tuyến năm 2004. Năm 2004 Đức đã có 200 dịch vụ đang hoạt động.
Một dự án thẻ việc làm được phát hành cho mọi công dân dự kiến sử dụng để truy cập đến các dịch vụ việc làm và các lợi ích xã hội. Dự án được bắt đầu năm 2007.
Đức đã phát triển chuẩn cho thẻ việc làm thẻ thông minh cho người dân. Cũng giống như thẻ truy cập công cộng của chính phủ Mỹ. Chính phủ liên bang cũng đang đặt kế hoạch cho phát triển công nghệ sinh trắc học, hồ sơ cá nhân như hộ chiếu và thẻ không có chức năng cư trú. Tuy nhiên hiện tại Đức chưa có kế hoạch chuyển đổi chứng minh nhân dân hiện tại sang hình thức thẻ thông minh.
Ý


Chứng minh nhân dân của Ý được thực hiện trong dự án gọi là CIE (Cartà Identità Elettronica) nhằm thay thế 40 triệu chứng minh nhân dân bằng giấy đang tồn tại.
Dự án được khởi động năm 2001. Đợt một đã kết thúc năm 2003 với 100.000 thẻ được ban hành tại 83 đơn vị hành chính. Giai đoạn 2 thực hiện trong năm 2004 với 2 triệu thẻ trong 56 đơn vị hành chính. Chính quyền thành phố phát hành thẻ cho công dân có độ tuổi từ 15 trở lên. Trong giai đoạn 3 (2005-2009) sẽ phát hành thẻ cho toàn bộ công dân với số lượng trung bình 8 triệu thẻ/năm.

Argentina

Năm 1998, dự án thẻ thông minh với xác thực vân tay dự định được xây dựng. Tuy nhiên dự án bị dừng lại với lý do tài chính và chưa được khởi động lại.

Úc

Úc đã lên kế hoạch thực hiện dự án chứng minh nhân dân điện tử bao gồm chức năng xác thực sinh trắc học. Tuy nhiên dự án đã bị thu hồi do sức ép của dư luận lên Chính phủ.

Canada

Chính phủ Ontario có chủ trương phát hành một thẻ công dân đa chức năng (tích hợp thông tin sức khỏe, giấy phép câu cá và đi săn, hồ sơ học vấn và bằng lái xe) tuy nhiên đã bị hủy bỏ do sức ép phản đổi của Ủy ban về Bảo vệ dữ liệu riêng tư Ontario và điều kiện tài chính.

Tuy nhiên, Canada cũng phát hành thẻ thường trú với định dạng thẻ tích hợp một dải băng quang học được gọi là thẻ PR.

Ấn độ

Từ 2003, Ấn độ đã bắt đầu dự án thực hiện chứng minh nhân dân điện tử thông minh. Văn phòng đăng ký (Bộ nội Vụ) đã thực hiện thí điểm phát hành cho 3,1 triệu công dân ở 13 huyện. Thẻ sẽ lưu trữ các thông tin như tên, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, địa chỉ và thông tin sinh trắc học. Thẻ hỗ trợ PKI và có chữ ký số.

Một trong những lý do thực hiện dự án chứng minh nhân dân điện tử là tình trạng nhập cư và kiểm soát biên giới phức tạp. Sử dụng thẻ để định danh công dân Ấn Độ trong các huyện nhạy cảm vùng biên để đối mặt với tình trạng nhập cư trái phép.

Lý do thứ 2 là Ấn độ đang đối mặt với tình trạng dân số lớn và có chương trình chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới với hơn 100 triệu người đăng ký thẻ thông minh và công nghệ sinh trắc học đã thực sự được sử dụng. Ấn Độ có chuẩn quốc gia quy định cho thẻ thông minh. Ấn Độ đã phát triển hệ điều hành thẻ thông minh đa ứng dụng cho hệ thống giao thông nhưng muốn áp dụng nền tảng này như nền tảng chung cho thẻ thông minh.

Nhật bản

Chứng minh nhân dân điện tử được phát triển trên cơ sở thẻ thông minh (thẻ JUKI). Theo đạo luật về xác thực cá nhân tất cả các cơ quan hành chính phải cung cấp dịch vụ RA cho người dân từ năm 2004. Thẻ và chứng thực được phát hành trên cơ sở tự nguyện.

Thẻ cho phép người sử dụng nhận được dịch vụ Chính phủ điện tử trực tuyến. Thẻ được coi như là một thẻ đa ứng dụng nhưng các dịch vụ cần phải được cho phép bởi chính phủ.

Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nghiên cứu khả thi năm 1996 để xây dựng chứng minh nhân dân điện tử thông minh lưu trữ các dữ liệu cá nhân, mã công dân, bảo hiểm cá nhân, thẻ tín dụng và các chức năng giao thông công cộng. Do mối quan tâm của công dân đến tính riêng tư nên dự án đã được dừng lại. Tuy nhiên theo sau sự phát triển các nước Đông Nam Á khác, Bộ Thông tin Truyền thông lấy ý kiếm một lần nữa về dự án này. Hàn Quốc rất năng động đối với công nghệ thẻ chíp. Ở Seoul thẻ giao thông công cộng thông minh đã được triển khai. Năm 2004 thẻ này được thay thế bởi thẻ đa năng, thẻ đa năng sẽ hỗ trợ chức năng giao thông công cộng và rút tiền, thẻ tín dụng. Gần 20 triệu thẻ sẽ được phát hành cùng thời gian này.

Malaysia

Malaysia triển khai một dự án về chứng minh nhân dân điện tử lớn có tên MyKad. Dự án Thẻ đa năng của chính phủ là một phần của sáng kiến Hành lang đa phương tiện Malaysia. Dự án này là một trong bảy ứng dụng tiêu biểu được triển khai bởi chính phủ Malaysia để thu hút sự phát triển công nghệ tới Malaysia.
Thẻ chứng minh nhân dân điện tử tích hợp chíp điện tử trên thẻ làm giảm nguy cơ mạo danh. Thẻ cũng được phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh để sử dụng trong việc kiểm soát cửa khẩu tuy nhiên nó không thay thế được hộ chiếu khi đi du lịch nước ngoài.
Giấy phép lái xe cũng được tích hợp trên thẻ. Dữ liệu trên MyKad sẽ thay thế dữ liệu trên giấy phép lái xe. Chính phủ muốn quản lý tốt hơn hồ sơ lái và kiểm soát hành trình. Thẻ cũng được coi như là thẻ chăm sóc sức khỏe quốc gia. Công dân Malaysia có thể truy cập miễn phí hoặc được trợ cấp theo chương trình chăm sóc sức khỏe của chính phủ. Dữ liệu cá nhân về y tế cũng được lưu trên thẻ.


Nguồn: Cục Ứng dụng CNTT - TS. Hồ Sỹ Lợi