Hiện thực hóa mua sắm công điện tử để phòng, chống tham nhũng - suy ngẫm từ kinh nghiệm nước ngoài

21/03/2014

Untitled 1

Trang web Trung tâm Mua sắm công tập trung của Hàn Quốc

Cùng với nỗ lực cải thiện chế độ tiền lương, áp dụng thanh toán lương và chi tiêu qua tài khoản đối với cán bộ, công chức, đồng thời từng bước hiện đại hóa việc thu thuế thông qua ứng dụng mạng công nghệ thông tin…, mua sắm công điện tử được xem là một giải pháp tích cực và quan trọng để phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực mua sắm công - một trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng hiện nay. Đấu thầu qua mạng - bên cạnh việc tiết kiệm được chi phí còn góp phần tinh giản thủ tục hành chính, minh bạch hóa quá trình xét duyệt và đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mua sắm công, kiểm soát được tiến độ thực hiện hợp đồng, giảm thiểu được tình trạng đấu thầu theo chỉ định thầu hoặc thông đồng để thắng thầu vì các nhà thầu không tiếp xúc trực tiếp với bên mời thầu.

Từ những thành tựu đầu tiên của Việt Nam, tham khảo những thành tựu, kinh nghiệm tiên tiến của nước ngoài hiện nay trong mua sắm công điện tử, phía trước chúng ta còn nhiều việc phải làm đối với lĩnh vực này.

1. Mua sắm công điện tử ở Hàn Quốc

Mua sắm công điện tử hiện nay ở Hàn Quốc đã đạt được kỳ tích 95% các cơ quan sử dụng mua sắm công điện tử. Theo thống kê, trong số 44 nghìn cơ quan nhà nước sử dụng mua sắm công điện tử có 13% là các cơ quan trung ương, 18% là các cơ quan địa phương; trong số 228 nghìn doanh nghiệp cung cấp thì 39% là cung cấp hàng hóa, 38% xây dựng, 21% dịch vụ và 2% mua sắm nước ngoài.

Mua sắm công tập trung của Hàn Quốc được thiết lập thành hệ thống từ  trung ương đến địa phương. Ở trung ương có Trung tâm Mua sắm công tập trung (Public Procurement Service - PPS) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Tài chính và 11 Văn phòng khu vực. PPS chịu trách nhiệm về việc mua sắm hàng hóa đối với các cơ quan thuộc Chính phủ có giá trị trên 100 nghìn USD và công trình xây dựng có giá trị trên 3 triệu USD. Đối với địa phương, việc mua sắm hàng hóa và xây lắp công trình được phân cấp cho chính quyền các địa phương tự tiến hành thông qua hệ thống mua sắm công điện tử trực tuyến hoặc thông qua Trung tâm mua sắm công của Trung ương, hoặc qua Văn phòng trung tâm mua sắm công khu vực khi địa phương có nhu cầu.

Mua sắm công điện tử trực tuyến được tiến hành qua mạng theo 4 bước: nộp hồ sơ và tham gia đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, giao nhận hàng hóa, dịch vụ và thanh toán hợp đồng. Khi một cơ quan có nhu cầu mua sắm, cơ quan này phải công bố công khai các thông tin trên mạng. Tương tự, danh sách các nhà cung cấp sản phẩm cũng được đăng tải công khai.  Các đơn vị dự thầu không phải cung cấp các tài liệu, văn bản chứng minh năng lực nhà thầu, tài chính, tín dụng... do đã có Trung tâm mua sắm công tập trung đảm nhiệm việc quản lý, khai thác và thẩm định chúng từ nguồn dữ liệu điện tử quốc gia. Nhà thầu chỉ cần kê khai một vài thông tin cần thiết như số đăng ký kinh doanh, số hồ sơ thuế, số hồ sơ văn bằng chứng minh năng lực... sau đó hệ thống đấu thầu điện tử sẽ tự động kết nối tới cơ sở dữ liệu chuyên ngành của nhà nước để kiểm chứng (cơ quan Kế hoạch và đầu tư, cơ quan Thuế...). Việc chấm thầu sẽ được tiến hành trên mạng qua hệ thống chấm điểm tự động và kết quả chấm thầu cũng được tự động chuyển công khai ngay lên mạng, theo đó, việc sửa chữa hoặc cố ý làm sai lệch kết quả chấm thầu vì mục đích cá nhân sẽ khó thực hiện được.

Mua sắm công điện tử hiện nay ở Hàn Quốc đã tăng cường được tính công khai, minh bạch trong mua sắm của Chính phủ, góp phần phòng ngừa tham nhũng, được đánh giá là lĩnh vực ít có nguy cơ tham nhũng so với bản thân nó thời gian trước đây. Tuy nhiên, theo quan hệ biện chứng, tỷ lệ khiếu nại liên quan đến hoạt động mua sắm công điện tử trực tuyến gần đây có xu hướng tăng lên do người dân được tiếp cận đầy đủ các thông tin liên quan, họ sẵn sàng khiếu nại kể từ một sơ xuất nhỏ hoặc một thông tin đáng nghi ngờ, đó là điều tất yếu khi trước đây mua sắm công thiếu thông tin, thiếu công khai, kém minh bạch.

Có được những thành tựu quan trọng này là do Hàn Quốc có nền tảng của chương trình xây dựng và phát triển nền điện tử Chính phủ. Chính phủ điện tử Hàn Quốc năm 2010 và 2011 đã liên tiếp giữ vị trí hàng đầu thế giới. Nền tảng quan trọng này đã giúp mua sắm công điện tử của Hàn Quốc có thể trụ vững và phát triển. Mua sắm công điện tử trực tuyến của Hàn Quốc năm 2003 đã đoạt giải Nhất Dịch vụ công cộng của Liên hợp quốc, năm 2006 đoạt giải thưởng Công nghệ thông tin xuất sắc toàn cầu, năm 2007 đoạt giải thưởng Thương mại điện tử khu vực Châu Á… Hàn Quốc đã và đang hợp tác, giúp đỡ các nước như Costa Rica, Tuy-ni-di và Mông Cổ trong  phát triển hệ thống mua sắm công điện tử quốc gia.

2. Mua sắm công điện tử ở Việt Nam

Phòng, chống tham nhũng trong mua sắm công tại Việt Nam đã là một nội dung được Chính phủ sớm quan tâm. Bộ Kế hoạch và đầu tư có Thông tư số 17/2010/TT-BKH ngày 22/7/2010 Quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng và bước đầu Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được chọn làm thí điểm này.

Từ năm 2010 đến nay, Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc đã và đang giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam về “Hệ thống thử nghiệm mua sắm chính phủ điện tử Việt Nam”. Qua 2 năm triển khai hợp phần đầu tiên trong 4 hợp phần (Gồm: đấu thầu qua mạng, mua sắm qua mạng, ký hợp đồng qua mạng và thanh toán qua mạng), Cục Quản lý đấu thầu đã tổ chức đấu thầu thành công nhiều gói thầu qua mạng, tạo cơ sở quan trọng ban đầu để mở rộng thí điểm và triển khai các nội dung tiếp theo. Tổng giá trị thực hiện đấu thầu mua sắm công của Việt Nam trong năm 2010 lên tới 14,78 tỷ USD, đã có trên 450 gói thầu với tổng trị giá trên 77 nghìn tỷ đồng đã áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế.

Hệ thống đấu thầu điện tử của Việt Nam
Hệ thống đấu thầu điện tử của Việt Nam

Các kết quả hiện nay mới chỉ là bước đầu. Đối với Việt Nam, những khó khăn và thách thức trong tiến trình đưa mua sắm công điện tử trở thành hiện thực còn nhiều vấn đề phải đối mặt, đó là:

a) Còn nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, viễn thông

Hiện nay, đa số các cơ quan Nhà nước sử dụng thư điện tử trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, tăng cường phương tiện điện tử thay cho giấy tờ. Nhiều cơ quan sử dụng hệ thống quản lý văn bản và trao đổi văn bản trên môi trường mạng giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo Cục Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện nay tỷ lệ cán bộ ở các cơ quan cấp bộ, cơ quan ngang bộ được trang bị máy tính là 88,5% (trên 80% máy tính kết nối Internet). Phần lớn các bộ và các tỉnh, thành phố có trang, cổng thông tin điện tử riêng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (tại Báo cáo đánh giá Trang/Cổng thông tin điện tử và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011), hiện nay các trang/cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang ngày càng cung cấp đầy đủ và kịp thời những thông tin chủ yếu theo quy định. Về cung cấp dịch vụ trực tuyến, năm 2008 mới có 6 tỉnh, thành phố cung cấp khoảng 30 dịch vụ, đến năm 2011 đã có 38 tỉnh, thành phố cung cấp 829 dịch vụ mức độ 3, trong đó có 02 thành phố cung cấp 08 dịch vụ mức độ 4 (đánh giá theo 4 mức độ quy định tại Điều 3, Thông tư số 26/2009/TT-BTTTT ngày 31/7/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các mức độ dịch vụ công trực tuyến của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng), số lượng hồ sơ tiếp nhận và xử lý qua dịch vụ công trực tuyến đang ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng người dân sử dụng các dịch vụ công này còn chưa cao.

 b) Còn nguy cơ về kém an toàn thông tin mạng

Theo Bộ Thông tin và truyền thông, đánh giá ngẫu nhiên 100 webstite tên miền cơ quan nhà nước “gov.vn” của Hiệp hội An toàn thông tin hiện có tới 78% số website có thể bị tấn công thay đổi nội dung hoặc có thể bị đánh sập bất cứ lúc nào; 54% đối với các cơ quan nhà nước có hệ thống an toàn thông tin không có khả năng ghi nhận các hành vi thử tấn công.  Năm 2011, mới chỉ có khoảng 35% cơ quan, tổ chức xây dựng và áp dụng chính sách an toàn thông tin và thực trạng các cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước còn tồn tại nhiều lỗ hổng, chưa áp dụng giải pháp đảm bảo an toàn thông tin phù hợp.

c) Còn nhiều vấn đề trong xây dựng lòng tin giữa các bên

Sự tin cậy được xem là yếu tố quyết định nhất và cũng khó khăn nhất trong xúc tiến thị trường đấu thầu mua sắm công. Qua mạng thông tin điện tử, việc xây dựng và công bố công khai danh sách các nhà thầu cung cấp hàng hóa cũng như xây lắp có uy tín với đầy đủ thông tin về tín dụng và các thông tin cơ bản liên quan sẽ giúp các chủ đầu tư trong nước biết được năng lực thực sự của các nhà thầu, từ đó có thể tự tin lựa chọn danh sách ngắn để đấu thầu. Đối với các nhà thầu quốc tế có liên danh với nhà thầu trong nước, đây cũng là cánh cửa mở để họ biết được đâu là nhà thầu có năng lực, đáng tin cậy để hợp tác. Đây là nội dung chúng ta làm chưa được nhiều.

Có thể nói, hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin, viễn thông của ta thời gian qua tuy có nhiều nỗ lực song thành quả có được hiện nay còn rất khiêm tốn. Năm 2012, theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ hạng 83 trên thế giới về phát triển Chính phủ điện tử. Mua sắm công điện tử trực tuyến mới đang ở những bước đi thí điểm ban đầu.

3. Thực hiện mua sắm công điện tử là góp phần thiết thực phòng, chống tham nhũng

Ở Hàn Quốc, việc triển khai mua sắm công điện tử được thực hiện từ rất sớm. Khởi đầu, Hàn Quốc cũng gặp nhiều gian nan, thử thách. Có không ít ý kiến phản đối, bàn lùi, không chỉ vì lý do công nghệ khó, cần có đầu tư… mà còn những lý do một số người không muốn lĩnh vực này trở nên công khai, minh bạch. Chính phủ  Hàn Quốc nhận thức rõ vai trò của mua sắm công điện tử trực tuyến trong PCTN nên ban hành các quy định bắt buộc các cơ quan nhà nước phải thực hiện; ban hành những quy định cụ thể, thanh, kiểm tra thường xuyên và lập đường dây nóng để tiếp nhận các khiếu tố liên quan đến mua sắm công. Theo Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc (tư liệu do ông Seo Kang-Il - Phó Cục trưởng cung cấp), nếu trước đây mua sắm công ở Hàn Quốc được xem là một trong những lĩnh vực phi đạo đức nhất, nhiều công chức nhà nước trong lĩnh vực này bị nghi ngờ, đình chỉ, bị xử lý vì liên quan đến tham nhũng, thì hiện nay đây là một lĩnh vực đã có cơ sở để chống tham nhũng tận gốc, có cơ hội cho công chức làm việc suốt đời trong lĩnh vực này. Khảo sát cho thấy mua sắm công điện tử trực tuyến đã đưa chỉ số minh bạch trong mua sắm công của Hàn Quốc từ 6,8 điểm năm 2002 lên 8,52 điểm năm 2011 tính theo thang điểm từ 0 – 10 (tại Báo cáo điều tra tính minh bạch của Chính phủ do Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc thực hiện).

Danh sách các nhà thầu được phê duyệt trên hệ thống đấu thầu điện tử của Việt Nam
Danh sách các nhà thầu được phê duyệt trên hệ thống đấu thầu điện tử của Việt Nam

Hiện nay, những khó khăn trong PCTN khi thực hiện mua sắm công điện tử ở quốc gia này vẫn còn. Do máy móc không thể thay thế được hoàn toàn cho con người nên tham nhũng vẫn còn có thể len lỏi vào những công đoạn, thao tác do con người trực tiếp đảm nhiệm. Một trong số những kẽ hở đó là: trong chấm thầu, chỉ có 5 người xuất sắc trong số 50 người của Hội đồng được chấm thầu, nhà thầu vẫn có khả năng móc nối, thông đồng với những cá nhân này; trường hợp người phụ trách cung cấp trước thông tin cho nhà thầu và trước đấu thầu có tổ chức đấu thầu sơ bộ, nên các nhà thầu vẫn có thể móc nối, bàn bạc trước để tìm cách lợi dụng; khi các doanh nghiệp được nhà nước giao sản xuất các sản phẩm đặc biệt, quy trình đấu thầu sẽ đơn giản hơn, tuy nhiên, việc xác định danh mục hàng hóa đặc biệt này do con người quy định nên khâu xác định các tiêu chí này này vẫn có thể chịu tác động và tham nhũng vẫn có thể xảy ra.

Ở Việt Nam, định hướng xây dựng hệ thống mua sắm công điện tử đã được xác định. Hệ thống đấu thầu điện tử Việt Nam được xác định là một trong 8 chương trình trọng tâm của Chính phủ điện tử và việc ứng dụng đấu thầu điện tử là một cố gắng quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực mua sắm công. Hệ thống đấu thầu điện tử này đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư triển khai với mục tiêu xây dựng thành một cửa duy nhất cho hoạt động mua sắm công tại Việt Nam. Trên cơ sở dự án hợp tác với Hàn Quốc, sau khi triển khai xong hợp phần 1 và chuyển sang giai đoạn 2, hàng hóa không thuộc diện mua sắm chính phủ cũng sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa. Nhiều hoạt động gần đây đã thể hiện quyết tâm, cố gắng của Việt Nam để dần hiện thực hóa nội dung này. Ngày 22/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, theo đó yêu cầu các cơ quan thực hiện chủ trương chuyển từ phương thức làm việc chủ yếu dựa trên giấy tờ sang phương thức làm việc qua mạng với văn bản điện tử. Ngày 27/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, trong đó có mục tiêu “bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin cho các hoạt động ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin, đặc biệt là trong việc thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử”. Định hướng phát triển về mạng lưới cũng đề cập tới kế hoạch “phát triển mạng viễn thông dùng riêng của các cơ quan, tổ chức trên cơ sở tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng của mạng viễn thông công cộng, đặc biệt là mạng truyền dẫn trong nước của các doanh nghiệp viễn thông; tăng cường năng lực cho các mạng viễn thông dùng riêng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh”.

Đối với dự án hợp tác với Hàn Quốc về mua sắm công điện tử, hiện nay Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục hợp tác để triển khai hợp phần 2. Bộ Xây dựng Việt Nam đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA xây dựng danh mục các nhà thầu uy tín phục vụ cho đấu thầu trong nước và quốc tế. Từ 4 cơ quan (gồm: UBND TP.Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (sau đó thêm UBND tỉnh Bắc Ninh) được chọn làm thí điểm trong hợp phần 1, mô hình sẽ được nhân rộng trong thời gian tới và mua sắm công điện tử trực tuyến được xác định là một giải pháp tích cực để phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ.

Để làm tốt những nội dung, yêu cầu của mua sắm công điện tử, trước mắt, Chính phủ cần xây dựng một nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ đủ mạnh để đảm bảo tính an toàn, bảo mật của thông tin cũng như vận hành được hệ thống Chính phủ điện tử một cách dễ dàng, tiện lợi. Hiện nay, hệ thống đấu thầu điện tử của ta vẫn chưa thể kết nối, tương tác với các cơ quan bộ, ngành khác để triển khai các hoạt động như thanh toán, bảo lãnh, đánh giá năng lực nhà thầu… khiến một số chức năng như kiểm tra thông tin đăng ký, thanh toán qua mạng... chưa thể thực hiện trực tuyến. Thực trạng này cho thấy, vấn đề lớn nhất của Chính phủ hiện nay là làm thế nào kết nối được các bộ phận và điều phối để cho các bộ phận có thể tích hợp lại với nhau theo một quy trình thống nhất. Cấu trúc cơ sở dữ liệu quốc gia là một trong những yếu tố được đánh giá là cực kỳ quan trọng để xây dựng thành công hệ thống Chính phủ điện tử, để mua sắm công trực tuyến có thể dựa vững chắc trên nền tảng quan trọng này. Đồng thời với các nội dung trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xu hướng hiện đại, thay đổi nhận thức về đấu thầu điện tử, tuyên truyền về hiệu quả đấu thầu qua mạng; cải thiện hạ tầng công nghệ, nâng cao dung lượng đường truyền; ban hành những quy định cụ thể về đấu thầu qua mạng, đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Hiện thực hóa mua sắm công điện tử là một việc làm thiết thực góp phần phòng, chống tham nhũng trong mua sắm công của Việt Nam, từng bước chuẩn bị cả về lượng và chất để Việt Nam tiếp cận Hiệp định mua sắm chính phủ - GPA của Tổ chức thương mại thế giới - WTO, nhằm nâng cao tầm quan trọng của mua sắm chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội từ lợi ích tiềm năng có được nhờ việc tiếp cận thị trường mua sắm rộng lớn của các nước thông qua những cơ chế không phân biệt đối xử, trước mắt là tham gia Hiệp định này với tư cách là quan sát viên. Tham gia GPA có nghĩa là thời gian tới Chính phủ Việt Nam cần điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm phát luật về đấu thầu, mua sắm công theo hướng phù hợp với quy định của Hiệp định mua sắm chính phủ trong WTO.                                                                 

                                                                  Nguồn: Ban Nội chính Trung ương -   Cấn Đức Quyết