Luật đấu thầu số 43/2013/QH13: Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước

30/05/2014

Untitled 1

Việc buông lỏng quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã để lại những bài học đắt giá (Ảnh: Lê Tiên)

Đã là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tất cả các dự án đầu tư phát triển đều phải tuân thủ theo Luật đấu thầu, bất kể là sử dụng nguồn vốn nào. Đây được cho là một biện pháp mạnh mẽ của Luật đấu thầu năm 2013 để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của DNNN đang được Chính phủ hết sức coi trọng.

“Một đồng cũng phải quản lý chặt”

Trong quá trình xây dựng Luật đấu thầu năm 2013, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, các đại biểu Quốc hội, cũng như chính bản thân các doanh nghiệp đã kiến nghị rất nhiều lần tại các cuộc hội thảo hoặc là góp ý bằng văn bản về việc cần phải quản lý chặt việc sử dụng vốn nhà nước tại các DNNN. Việc buông lỏng quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DNNN thời gian qua đã để lại những bài học đắt giá như Vinashin, Vinalines… Một chuyên gia về đấu thầu của Ngân hàng Phát triển châu Á từng cho rằng, “đã là vốn nhà nước, một đồng cũng phải quản lý chặt”, bởi đây chính là tiền thuế của nhân dân đóng góp.

IMG

Luật đấu thầu năm 2013 khắc phục gần như triệt để tình trạng “thả lỏng” việc quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước trong nhiều năm qua

Ảnh: Nhã Chi

Trước đây, Luật đấu thầu năm 2005 chỉ quy định, những dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển mới phải tuân thủ theo Luật đấu thầu. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, việc quy định tỷ lệ sử dụng vốn nhà nước như vậy là còn thiếu chặt chẽ. Trên thực tế, có những dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng tỷ lệ vốn sử dụng vốn nhà nước chỉ chiếm dưới 30% trong tổng mức đầu tư của dự án nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu. Như vậy, ví dụ tỷ lệ 30% vốn nhà nước của một dự án có tổng mức đầu tư là 500 tỷ đồng so với một dự án 1.600 tỷ đồng là quá chênh lệch nhau.

Chẳng hạn như trong ngành viễn thông, trước đây chỉ có một vài DNNN giữ thế độc quyền, tuy nhiên sau khi lĩnh vực này được mở cửa thì thị trường viễn thông phát triển nhanh chóng, giá cả giữa các nhà mạng cũng trở nên cạnh tranh hơn và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Trong bối cảnh đó, Viettel được xem là một trong những doanh nghiệp có sự cải tổ lớn và đạt được thành công nhất định trong hoạt động kinh doanh, trong đó có việc lựa chọn áp dụng hình thức đấu thầu trong doanh nghiệp hoặc tích cực tham gia đấu thầu những gói thầu trong nước, quốc tế. Điều này cũng phù hợp với chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN của Chính phủ hiện nay.

Do đó, Luật đấu thầu năm 2013 đã quy định rất rõ, bất kể dự án đầu tư phát triển nào của DNNN đều phải tuân thủ Luật đấu thầu, không phân biệt nguồn vốn từ đâu, từ vốn nhà nước hay vốn vay của DNNN... Trước đây, nhiều doanh nghiệp còn phân vân, hay cố tình né tránh phải thực hiện đấu thầu nên đã đưa ra rất nhiều lý do khác nhau, nhưng tới đây, kể từ ngày có hiệu lực thi hành Luật đấu thầu 2013 (ngày 1/7/2014), 100% dự án đầu tư phát triển của DNNN đều phải tuân thủ theo Luật đấu thầu (điểm b khoản 1 Điều 1). Đây là một trong những giải pháp rất mạnh mẽ, nhằm khắc phục gần như triệt để tình trạng “thả lỏng” việc quản lý sử dụng vốn nhà nước tại một số DNNN trong nhiều năm qua.

Dự án có sự tham gia góp vốn của Nhà nước

Bên cạnh những dự án đầu tư phát triển của DNNN phải thực hiện theo Luật đấu thầu năm 2013, thì Luật đấu thầu năm 2013 còn mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả dự án đầu tư phát triển của khu vực tư nhân mà có sử dụng vốn của Nhà nước, vốn của DNNN. Điểm c khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu năm 2013 quy định, những “dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án” phải thực hiện theo Luật đấu thầu.

Và ngay cả đối với dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án cũng phải tuân thủ theo quy định của Luật đấu thầu năm 2013.

Những quy định chặt chẽ trên đây của Luật đấu thầu năm 2013 cho thấy một quyết tâm rất lớn, thống nhất trong cả hệ thống chính trị, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, cho tới các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với cộng đồng doanh nghiệp. Điều này thực sự rất cần thiết để đặt tiền đề, tạo đà cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu DNNN. Mục đích cuối cùng là làm sao để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, tạo nên một môi trường mua sắm công cạnh tranh và minh bạch.

Nguồn: Báo Đấu thầu - Bích Thủy