Nhà thầu Việt đang làm chủ trên nhiều công trình dầu khí

05/06/2014

Untitled 1

Trong quá trình triển khai các dự án ngành dầu khí, PVN luôn quán triệt chủ trương phát huy nội lực (Ảnh: Lê Tiên)

Các nhà thầu Việt Nam đang từng bước làm chủ trên các công trình dầu khí, họ tích cực sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được trong những dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, vươn ra đảm nhận những hạng mục trọng yếu của những dự án lớn không chỉ ở thị trường Việt Nam mà đang tiến xa hơn trên thị trường quốc tế. Luật đấu thầu mới (Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013) có hiệu lực từ ngày 1/7 tới sẽ mở thêm cơ hội cho các nhà thầu dầu khí trong nước lớn mạnh.

Phát huy sức mạnh nội lực

Theo đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), các dự án ngành dầu khí có đặc điểm là quy mô lớn, có yêu cầu phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, thi công trong điều kiện khắc nghiệt trên biển, thời gian thi công dài… Trong quá trình triển khai, Tập đoàn luôn quán triệt chủ trương phát huy nội lực, tích cực sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được trong những dự án của mình. 

Để phát huy nội lực, PVN không đặt ra các yêu cầu quá cao về năng lực tài chính của nhà thầu, vận dụng linh hoạt việc tạm ứng và thanh toán cho các nhà thầu để giảm bớt khó khăn của họ; chủ động bàn bạc với các nhà thầu có năng lực trong các lĩnh vực để thành lập liên danh tổng thầu nhằm triển khai các gói thầu EPC. Tại các lĩnh vực nhà thầu Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm thì PVN chủ động yêu cầu các nhà thầu Việt Nam lựa chọn đối tác nước ngoài để làm thầu phụ hoặc liên danh với tổng thầu. Bên cạnh đó, PVN cũng chủ động đào tạo nhân lực để chuẩn bị tiếp nhận vận hành công trình và hỗ trợ nhân công cho tổng thầu từ giai đoạn chạy thử; hỗ trợ tổng thầu trong công tác quản lý và điều hành dự án.

Với chủ trương đó, các đơn vị thành viên của PVN đã không ngừng vươn lên và từng bước khẳng định năng lực của mình trong việc đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC cũng như tham gia đấu thầu quốc tế và thắng thầu ở một số dự án.

Trong năm 2009 và năm 2010, PVN đã thực hiện thành công một số dự án năng lượng quan trọng, có yêu cầu cấp bách về tiến độ như dự án Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, dự án Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, dự án Thu gom khí mỏ Rồng – Đồi Mồi... Các dự án này thực hiện đều đảm bảo tiến độ, chất lượng và đang được vận hành an toàn. 

PVN luôn chú trọng sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được tại các dự án ngành dầu khí. Năm 2011, PVN đã tổ chức lễ hạ thủy và gắn biển công trình Giàn khoan tự nâng 90m nước. Đây được xem là một trong những công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam do PVN làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) là đơn vị thành viên PVN làm tổng thầu EPC. Sự kiện này đưa Việt Nam trở thành một trong ba nước thuộc khu vực châu Á và một trong 10 nước trên thế giới chế tạo giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế mà trước đây Việt Nam phải nhập khẩu. 

IMG

Tại các lĩnh vực nhà thầu Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm thì PVN chủ động yêu cầu các nhà thầu Việt Nam lựa chọn đối tác nước ngoài để làm thầu phụ hoặc liên danh với tổng thầu

Ảnh: Tiên Giang

Hiện PVN đang đảm nhiệm vai trò làm tổng thầu nhiều dự án lớn của đất nước như dự án Biển Đông 1, đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, dự án Nhơn Trạch 2…

Mới đây nhất, tại Lễ ký kết Hợp đồng EPC phần đường ống biển dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1 và Thỏa thuận khung Hợp đồng EPC dự án Thu gom khí mỏ Đại Hùng do các đơn vị thành viên PVN tổ chức vừa qua (tháng 5/2014), ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN cho biết: “Đây là dự án tự lực tối đa của các nhà thầu Việt Nam. Các hạng mục chính yếu và quan trọng của dự án như sản xuất ống, bọc ống và tổ chức thi công rải ống biển đều do các nhà thầu Việt Nam sản xuất và tổ chức thực hiện”. Dự án do Tổng công ty Khí Việt Nam thực hiện với thời gian giao hàng từ 12 - 14 tháng trong điều kiện thi công biển rất phức tạp, nhiều rủi ro phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết biển… Với thời gian thực hiện này, ông Đỗ Văn Hậu cho rằng: “Khó khăn phức tạp của dự án không chỉ là phương thức triển khai phân kỳ đầu tư chưa có tiền lệ; điều kiện thi công trên biển phức tạp; tiến độ gấp gáp nếu giao cho các nhà thầu nước ngoài đều lắc đầu hết. Đây là thách thức vô cùng to lớn, cũng là bước tiến quan trọng trong triển khai dự án”.

Để tăng cường khả năng thắng thầu

Đánh giá về năng lực của các nhà thầu dầu khí Việt Nam, đại diện PVN cho rằng, các nhà thầu dầu khí nước ta đã và đang khẳng định được tên tuổi, có chỗ đứng vững chắc tại thị trường xây lắp trong nước và bắt đầu tham gia sâu vào thị trường thế giới.

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường khả năng thắng thầu của các nhà thầu Việt Nam, các nhà thầu trong nước cần phải trang bị cho mình các điều kiện cần, đó là: sự chủ động và thường xuyên thực hiện công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu, giới thiệu năng lực của mình ngay khi chủ đầu tư lập dự án; hiểu chính xác các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, nội dung trình bày trong hồ sơ dự thầu phải đáp ứng các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu và đặc biệt không vi phạm các điều kiện tiên quyết…

Các chủ đầu tư cần am hiểu và vận dụng linh hoạt các chính sách pháp luật, phê duyệt dự án có yêu cầu đầu tư phù hợp, tổng mức đầu tư đảm bảo, kế hoạch đấu thầu và tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu phù hợp với yêu cầu của dự án và điều kiện của các nhà thầu Việt. PVN cho rằng, đây chính là yếu tố then chốt hỗ trợ cho khả năng thắng thầu các dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư khi đưa ra tiêu chí lựa chọn nhà thầu nên xem xét kỹ để đưa ra tiêu chí phù hợp với yêu cầu đầu tư của dự án hay gói thầu cụ thể chứ không đưa ra các yêu cầu quá cao so với yêu cầu thực tế về năng lực kinh nghiệm; năng lực tài chính…; việc phân chia gói thầu trong một dự án cũng cần tính toán phù hợp trên cơ sở vẫn đảm bảo các yêu cầu về đầu tư nhưng đồng thời vẫn tối đa hóa việc sử dụng các nhà thầu trong nước để thực hiện các công việc của dự án…

Đặc biệt, ngày 1/7 tới,  Luật đấu thầu năm 2013 sẽ có hiệu lực đã tăng thêm ưu đãi dành riêng trong công tác lựa chọn nhà thầu như: “nhà thầu được hưởng ưu đãi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên”; “nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ”; “nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu”…  Đánh giá về sự kiện này, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, những ưu đãi này sẽ là bước đệm quan trọng để cho các nhà thầu nội, trong đó có các nhà thầu dầu khí vươn xa.

Nguồn Báo Đấu thầu - Trung Hiếu