Việt Nam và Nhật Bản cùng vào cuộc phòng, chống tham nhũng

06/06/2014

Untitled 1

Đây là nội dung được đưa ra bàn thảo giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với đại diện của JICA tại Việt Nam trong cuộc họp vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo đó, hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản nhận thức hết sức sâu sắc vấn đề phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng trong các dự án ODA tại Việt Nam. Vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết và rõ ràng hơn khi xảy ra vụ việc tiêu cực tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội. Hai Chính phủ hiện đang nỗ lực phối hợp cùng nhau xây dựng các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng trong tương lai, đồng thời tạo điều kiện cho các dự án ODA được giải ngân đúng tiến độ.

Để tránh những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai, hai bên đã tích cực nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phòng, chống tham nhũng cụ thể. Theo đó, 3 biện pháp chủ yếu được đưa ra, đó là: tăng cường sự tham gia giám sát của bên thứ ba; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán; rà soát và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của cả hai phía liên quan đến các dự án ODA tại Việt Nam.

Đối với việc tăng cường sự tham gia giám sát của bên thứ ba, phía Bộ KH&ĐT cho rằng, đây là một trong những biện pháp có thể ngăn ngừa phần nào tình trạng tham nhũng. Tuy nhiên, sự tham gia của bên thứ ba cần có mức độ nhất định, tùy thuộc vào quy mô, tính chất của từng dự án chứ không phải là tất cả các dự án ODA đều phải có sự tham gia của bên thứ ba. Thậm chí, các bên (như chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu) có thể sẽ không biết dự án nào có sự tham gia giám sát của bên thứ ba. Như vậy, sự phòng ngừa, răn đe đối với các bên có ý định gian dối, tiêu cực sẽ lớn hơn, vì thế tham nhũng sẽ được ngăn cản bớt.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án ODA, các bên sẽ phải tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt trong năm nay, Bộ KH&ĐT sẽ chú trọng và ưu tiên việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án ODA. Bộ cũng kiến nghị JICA cần cử đại diện tham gia. Sự tham gia của JICA sẽ có tác động rất lớn, có tính chất răn đe, đồng thời với kinh nghiệm của JICA thì dấu hiệu tham nhũng dễ bị phát hiện hơn.

Bên cạnh đó, việc rà soát và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của cả hai bên là hết sức cần thiết, trong đó có Quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu liên quan đến các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản được ban hành năm 2009, các quy định trong sổ tay hướng dẫn của Nhật Bản và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Riêng đối với các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, Quốc hội vừa thông qua Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, trong đó có nhiều biện pháp phòng, ngừa tham nhũng. Để cụ thể hóa những biện pháp này, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đang được Chính phủ xem xét thông qua.

Những biện pháp nêu trên đã được cả hai bên thống nhất triển khai trong thời gian tới, thể hiện sự quyết liệt trong việc quyết tâm phòng, chống tham nhũng của hai Chính phủ. Tuy nhiên, hai bên đều cho rằng, để phòng, ngừa tham nhũng, những biện pháp trên là chưa đủ, mà còn cần các biện pháp đồng bộ, cùng sự chung tay, tham gia tích cực của các bên và các quy định pháp luật liên quan khác nữa. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò tuyên truyền nâng cao nhận thức của báo chí, truyền thông nhằm đẩy lùi tham nhũng.

Nguồn: Báo Đấu thầu - Bích Thủy